Trong vũ trụ này, mặt trời, mặt trăng và các vì sao chuyển động theo quỹ đạo nhất định, cho tới các hạt vật chất siêu vi quan cũng có quy luật vận động của riêng mình. Cuộc đời con người cũng lại như thế, nó tuân theo những định luật thú vị và hết mực công bằng, không khỏi khiến người đời thán phục.
1. Luật nhân quả
Trên đời này không có chuyện gì xảy ra một cách tình cờ, mỗi sự việc đều có nguyên do, vận mệnh của con người cũng tuân theo định luật này. Tư tưởng, suy nghĩ, lời nói và hành vi của mỗi người là “ nhân” và đều sản sinh ra “quả”.
Con người chỉ cần có suy nghĩ, thì sẽ không ngừng tạo ra “nhân”, trồng “thiện nhân” hay “ác nhân” đều là do chính bản thân mình quyết định. Chúng ta nhất định phải chú ý và tự thấu hiểu mỗi từng suy nghĩ của bản thân mình, bởi chúng sẽ dẫn đến những lời nói và hành vi theo lối tư tưởng đó, tới lượt những lời nói và hành vi đó sẽ sinh ra kết quả tương ứng.
2. Định luật hấp dẫn
Chúng ta thường thấy một hiện tượng thế này: Một người nếu luôn nghĩ rằng đường đời đầy cạm bẫy, ra ngoài sợ bị ngã, ngồi xe sợ tai nạn giao thông, kết giao bạn bè sợ bị thiệt, vậy thì những thứ xung quanh người này chứa đầy những nguy hiểm chết người. Hoặc một người nếu như cho rằng trên thế giới này vẫn có rất nhiều người nhiệt tình, biết đạo lý, thì người đó đi đâu cũng gặp được những người bạn đối xử chân thành với nhau.
Tại sao? Bởi vì mọi người nhìn vào thế giới một cách có chọn lọc, mọi người thường chỉ nhìn và chú ý đến những điều họ tin tưởng trong khi không chú ý đến những điều họ không tin, hoặc thậm chí bỏ qua chúng.
Nếu một người có thể kiểm soát tâm trí của mình và tập trung vào những con người, sự việc và sự vật tích cực thì người này sẽ thu hút những người tốt bụng, lương thiện, những sự việc có ích, tích cực đến với cuộc sống của mình.
3. Định luật thoải mái
Khi con người ở trong tình trạng thoải mái thì làm gì cũng có kết quả tốt nhất. Bất cứ sự đình trệ hoặc vội vã nào cũng có thể mang đến những kết quả không tốt đẹp. Tâm trạng như thế nào là tốt nhất? Câu trả lời là tâm càng thư thái, càng không truy cầu thì càng tốt!
Đem mục tiêu trong tầm ngắm của bạn đặt ở đường đời lý tưởng, cảnh giới lý tưởng, mối quan hệ lý tưởng và cuộc sống lý tưởng, sau đó thả lỏng tâm trạng, nỗ lực chăm chỉ, làm những thứ bạn nên làm, đừng nghĩ đến những điều này lúc nào sẽ đến, rồi khi những điều đó đến nó sẽ làm bạn bất ngờ. Ngược lại, nếu bạn càng vội vã, càng muốn có được kết quả lý tưởng, thì kết cục lại tương phản hoàn toàn.
4. Định luật hiện tại
Con người đều không thể khống chế những gì đã qua đi, cũng không thể khống chế tương lai, nhưng có thể khống chế những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình trong hiện tại.
Tâm thái tốt nhất nên là: cho dù vận mệnh tốt hay xấu cũng xong, chỉ cần chủ động tập trung vào việc điều chỉnh và thực hiện những suy nghĩ, ngôn từ và hành vi hiện tại của mình, số phận sẽ vô thức phát triển thành tốt đẹp.
5. Định luật 80/20
Con người trước khi đạt mục tiêu, 80% nỗ lực và thời gian chỉ đem lại 20% thành quả, trong khi đó 80% kết quả có thể đạt được trong 20% thời gian và nỗ lực cuối cùng. Vì không hiểu rõ định luật này, rất nhiều người khi theo đuổi mục tiêu, bởi vì một thời gian dài nỗ lực không thu được kết quả như ý liền mất đi tự tin mà từ bỏ.
Thay đổi về lượng tích lũy đến một mức nào đó sẽ dẫn đến thay đổi về chất. Tại sao những người thành công luôn là thiểu số? Bởi vì chỉ có ít người kiên trì đến cùng.
6. Định luật ứng đắc
Con người sẽ đạt được tất cả những gì mình đáng có được, chứ không phải là đạt được những gì mình muốn có được. Vì thế, trước hết phải nâng cao giá trị của bản thân mình, sau khi giá trị của bản thân mình được nâng cao, chất và lượng tương ứng cũng sẽ được nâng cao.
7. Định luật gián tiếp
Muốn nâng cao giá trị của bản thân (bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần) tất phải đạt được một cách gián tiếp bằng cách gia tăng giá trị của người khác. Ví dụ, nếu bạn muốn đề cao lòng tự trọng của bản thân, đầu tiên tất phải gián tiếp thực hiện bằng cách coi trọng và đề cao lòng tự trọng của người khác. Bạn muốn có được thành tích, tất phải thông qua việc tiếp nhận thành tích của người khác. Một ví dụ khác: Những công ty cam kết cung cấp cho khách hàng các dịch vụ và sản phẩm chất lượng cho xã hội có xu hướng phát triển và ngày càng lớn mạnh.
Điều đáng nói là trong định luật gián tiếp, việc tăng giá trị bản thân và tăng giá trị của người khác thường xảy ra đồng thời, nghĩa là khi bạn tăng giá trị của người khác, giá trị bản thân của bạn cũng sẽ được cải thiện.
8. Định luật cho đi
Định luật cho đi có nghĩa là bất cứ điều gì bạn cho đi cuối cùng sẽ trả lại cho bạn trong cấp số nhân. Ví dụ như: Bạn cho đi sự yêu thích để người khác có thể tận hưởng sự thoải mái, trong tương lai bạn sẽ nhận sự hồi đáp là sự yêu thích của người khác nhiều hơn gấp bội; Bạn cho đi sự an định, để người khác có được sự an tâm, tương lai bạn sẽ có được sự an lạc nhiều hơn gấp bội. Ngược lại, nếu bạn khiến người khác bất an, oán hận, tức giận, buồn phiền, tương lai bạn cũng sẽ nhận lại những điều đó gấp bội.
Xin hãy ghi nhớ: Cho đi có phúc hơn tiếp nhận, càng cho đi càng nhận được những phước lành lớn lao, khi không cần người tiếp nhận hồi đáp.
9. Nguyên tắc yêu thương chính bản thân mình
Khởi đầu của tất cả những suy nghĩ, lời nói và hành động vị tha là chấp nhận mọi thứ và thực sự yêu chính mình. Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể yêu thương người khác, yêu thương thế giới, bạn mới có thể có được niềm vui thật sự, sự an tâm, vô lo và tâm hồn khoáng đạt. Nếu như bạn không yêu thương bản thân, không vừa lòng với bản thân, vậy thì người khác cũng không thể yêu thương bạn được. Điểm này vô cùng quan trọng, có nhiều người cho rằng yêu bản thân chính là ích kỷ, tự làm lợi cho bản thân mình; nhận định này hoàn toàn sai lầm.
Nếu xem xét kỹ hơn, sẽ phát hiện nếu bạn không yêu thích, không vừa lòng với bản thân mình thì rất dễ sinh ra lòng đố kỵ và oán hận. Vì thế, hãy yêu thương bản thân nhiều hơn, yêu thương chính mình rồi hẵng nghĩ đến chuyện yêu thương người khác.
10. Nguyên tắc chịu trách nhiệm
Con người cần chịu trách nhiệm cho tất cả những gì của bản thân mình. Khi mọi người có thái độ trách nhiệm với bản thân, họ sẽ nhìn về phía trước, xem bản thân có thể làm được gì. Nếu như bản thân lười suy nghĩ thì chỉ có thể nhìn về phía sau, để ý vào những thứ đã qua đi, những thứ mà bản thân không thể thay đổi. Trên thực tế, cũng chính là không thể chịu trách nhiệm cho bản thân mình.
Ngọc Linh
Tham khảo Sound of Hope
Video: Xem tướng không bằng xem tâm: 36 tướng tâm tốt của con người