Trong suốt nhiều năm, Tỉnh Mondulkiri của Campuchia đã lên kế hoạch xây dựng một sân bay. Tuy nhiên, trong khi người dân địa phương bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và những thửa đất nông nghiệp của họ bị san bằng, thì đường băng như hứa hẹn có thể sẽ không bao giờ được xây dựng. Và đây lại là một câu chuyện dở khóc dở cười được tạo ra từ ĐCSTQ.
Giới chức Campuchia và nhà đầu tư Trung Quốc lựa chọn tỉnh Mondulkiri để xây dựng một sân bay mới. Khu vực này giáp Việt Nam và là một trong những khu vực dân cư thưa thớt nhất ở Campuchia, với chỉ hơn 13.000 cư dân trong tỉnh và rất ít điểm thu hút khách du lịch. Theo nhận định các chuyên gia, việc lựa chọn một địa phương xa xôi như vậy làm sân bay là một lựa chọn kỳ lạ.
Và mọi thứ trở nên càng tệ hơn khi một trong những chủ đầu tư lớn từ Trung Quốc đã rút khỏi dự án được công bố vào năm 2019 này.
Sân bay chưa hoàn thành tại Mondulkiri chỉ là một trong số nhiều sân bay ở Campuchia đang trong các giai đoạn đầu tư xây dựng khác nhau và khả năng kinh tế của nó là vấn đề còn nhiều nghi vấn.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã liên tục rút lui trong những năm gần đây khi các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Sáng kiến Vành đai và Con đường đang chậm lại. Và nếu không có gì thay đổi, những dự án sân bay này có thể trở thành đống đổ nát.
Ou Virak, chủ tịch Diễn đàn Tương lai Phnom Penh nói về dự án sân bay Mondulkiri rằng: “Tôi không thấy bất kỳ cơ sở kinh tế nào khác đằng sau nó”. “Tôi không thấy bất kỳ hy vọng nào về sự gia tăng đột ngột của nhu cầu nội địa và khách du lịch”.
Các nhà phân tích tin rằng khi Campuchia thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ và tiêu tốn số tiền khổng lồ, lợi ích chính trị thường lớn hơn các tính toán về kinh tế.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã rút lui, để lại tình trạng hỗn loạn khó giải quyết cho khu vực địa phương. Trong khi đó, người dân địa phương cho biết họ đã bị đuổi khỏi đất đai của mình để nhường chỗ cho việc xây dựng.
Sophal Ear, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bang Arizona và là học giả gốc Campuchia, cho biết: “Người ta không thể không hỏi liệu chính trị và an ninh có đóng vai trò lớn hơn lợi nhuận kinh tế hay không.
Trong trường hợp này, Đầu tư Trung Quốc đang hạ nhiệt, có thể vì nhiều lý do, và với việc nguồn tài trợ đang cạn kiệt các yếu tố chính trị và an ninh sẽ không đủ thể thúc đẩy các quyết định”.
Vào năm 2022, Power China đã rút khỏi Thỏa thuận phát triển sân bay Mondulkiri trị giá 80 triệu USD. Chính phủ Campuchia đã phải tự mình tìm kiếm các đối tác tài trợ mới.
Trước đó, năm 2021, dự án sân bay quốc tế mới Phnom Penh cũng mất đi sự hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã từ bỏ phần lớn nguồn vốn cam kết tài trợ cho sân bay với số tiền 1,5 tỷ USD, và điều này đã buộc đối tác Campuchia phải phát hành trái phiếu để lấp đầy khoảng trống.
Mặc dù các dự án này tuyên bố sẽ thúc đẩy sự phát triển của địa phương nhưng những sân bay chưa hoàn thiện này lại gây ra xung đột về nhu cầu sử dụng đất đai.
Người bản địa quanh dự án sân bay ở tỉnh Mondulkiri nói rằng họ không thể giành được quyền sở hữu trên vùng đất truyền thống của mình.
Người dân cho biết: “Dự án sân bay đã ảnh hưởng đến nhiều gia đình có đất nằm trong phạm vi thu hồi phục vụ dự án sân bay. Nhiều người dân đã bị sức ép phải bán phần lớn đất nông nghiệp của mình để phục vụ việc xây dựng sân bay rộng 300 ha.
Những người dân nói với truyền thông quốc tế rằng, họ gần như bị đuổi khỏi nhà của chính mình nhưng không thể nhận được khoản bồi thường thỏa đáng. Và họ nói rằng, Chính quyền đã hứa với họ về những vùng đất tái định cư mới nhưng thực tế cho đến nay “vẫn chưa có gì xảy ra”.
Trong khi đó, Người phát ngôn của Cơ quan Hàng không Dân dụng Campuchia cho biết nhà chức trách đang nỗ lực giải quyết những nỗi lo của người dân.
Tại Campuchia có nhiều dự án đang gặp phải tình thế khó khăn như dự án sân bay tỉnh Mondulkiri. Và nguyên nhân phần lớn đều đến từ việc gián đoạn nguồn vốn đầu tư. Nguồn vốn này từng được đảm bảo và cam kết trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.