Bị ảnh hưởng bởi cơn bão Gaemi, mưa lớn đã gây ra thảm họa ở nhiều nơi ở Trung Quốc từ miền nam tới miền bắc, và việc các hồ chứa xả lũ đã khiến thảm họa thêm trầm trọng. 

Báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung cho hay, cư dân mạng than thở rằng, “những người ở hạ lưu đang cố gắng cầm cự” và “việc xả lũ đã gây thiệt hại cho người dân ở hạ nguồn”. 

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước lại đưa tin một số lượng lớn cá từ hồ chứa đã bị nước lũ cuốn ra đường phố và nhảy lên khỏi mặt nước, mô tả những cảnh tượng như vậy là “ngoạn mục” và “chúc may mắn cho những ai nhìn thấy chúng”.

Ngày 29/7, cư dân mạng đăng tải đoạn video cho biết, mực nước sông Áp Lục ở Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh đã dâng cao đến các con đường ven sông. 

Truyền thông Trung Quốc đưa tin Đan Đông đã đóng cửa đập trong đêm 28/7.

Cán bộ thành phố Đan Đông cho biết, nguyên nhân mực nước dâng cao là do thượng nguồn xả lũ, mực nước sông lên quá cao.

Nhân viên của Trụ sở Cứu trợ Hạn hán và Kiểm soát Lũ lụt Đan Đông cho biết, các hồ chứa ở thượng nguồn vẫn đang xả lũ và mực nước vẫn đang dâng cao.

Theo truyền thông chính thức, trong ngày 28/7, tổng cộng 11 con sông ở tỉnh Liêu Ninh có nước dâng cao đáng kể, trong đó có 6 sông lớn và 5 sông vừa và nhỏ. 

Toàn tỉnh có tổng cộng 67 hồ chứa trong đó có 8 hồ lớn, nhưng tuyên bố chính thức về việc xả lũ là “nước đang được xả một cách có trật tự”. 

Cư dân mạng bình luận: “Nếu không có việc gì thì đừng ra sông. Mực nước đã dâng cao rồi!”

Cư dân mạng đã đăng một đoạn video có nội dung: “Do mưa lớn ở nhiều nơi tại Liêu Ninh, mực nước đã dâng cao. Hồ chứa nước ở Bản Khê đã mở cửa xả lũ. Người dân ở hạ lưu hãy cố gắng lên!”

Đài NTDTV đăng thông tin cho thấy, phía nam, thành phố Nghi Hưng thuộc tỉnh Hồ Nam hứng chịu mưa lớn và mực nước hồ chứa Đông Giang dâng cao. 11h ngày 27/7, hồ chứa Đông Giang mở cửa xả lũ, lũ tràn ngập nhiều thành phố ở hạ lưu.

Nguồn tin đăng lại đoạn video từ một cư dân mạng cho thấy, khi hồ chứa Đông Giang xả lũ, dòng nước chảy xiết đã cuốn trôi một tàu du lịch.

Tính đến 13h ngày 28/7 giờ địa phương, mực nước hồ chứa Đông Giang đã lên tới 285,1 mét, lũ đã xả trở lại kể từ 14h.

Đoạn video do báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung đăng tải đưa tin rằng, hồ chứa nước Đông Giang xả lũ 2 ngày liên tiếp, các thành phố ở hạ lưu bị ảnh hưởng nặng nề.

Nguồn tin cho hay, những ngày gần đây, lũ từ các hồ chứa đã xả lũ ở nhiều nơi khắp Trung Quốc từ Nam ra Bắc.

Vào ngày 26/7, tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, một số lượng lớn cá lớn dạt vào đường phố do nước từ hồ chứa xả ra.

Tờ Tân Hoa Nhật báo, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, đưa tin “sau một trận mưa lớn, hồ chứa xả nước, một đàn cá nhảy ra khỏi cổng rồng. Ai nhìn thấy đều được may mắn, bình an, thịnh vượng”.

Đoạn video từ báo Nhật báo Thanh niên cho biết: “Sau những trận mưa lớn, hồ chứa đã xả lũ và làm ngập các con sông trong thành phố. Những đàn cá nhảy khỏi sông rất ngoạn mục”.

Thẩm Dương trải qua lượng mưa lớn nhất được ghi nhận kể từ năm 1951 qua các quan sát khí tượng. 

Thành phố này hiếm khi bị ngập lụt, nước tích tụ nghiêm trọng trên đường phố và ở các khu dân cư. Một số cư dân mạng cho rằng nguyên nhân có liên quan đến việc chính quyền xả lũ.

Ngày 27/7, một cư dân mạng địa phương đã quay video có nội dung: 

“Sau một trận mưa lớn, đập cao su trên sông ở Thẩm Dương bị sập và xả nước. Hơn 20 năm qua tôi chưa từng thấy con sông này dữ dội như vậy”. 

Cư dân mạng các tỉnh, thành khác cũng đăng tải video nói rằng các hồ chứa đã mở cửa xả lũ, cảnh báo người dân ở hạ lưu hãy cố gắng cầm cự.

Nhiều cư dân mạng đã để lại tin nhắn đặt câu hỏi về những khó khăn do việc chính quyền xả lũ gây ra cho người dân.

Thời gian gần đây, mưa lớn liên tục xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc, các hồ chứa lớn tiếp tục xả lũ. 

Trong số đó, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử từng mở 9 cửa xả, gây lũ lụt ở trung và hạ lưu. Việc xả lũ ở nhiều nơi khiến nước sông dâng cao trong đêm, thường xuyên gây ra sự phàn nàn của người dân.

Các phương tiện truyền thông chính thức trước đây đưa tin, tính đến 4 giờ chiều ngày 17/7 giờ địa phương, 33 hồ chứa lớn và vừa ở Hà Nam đã “vượt mực nước lũ hạn chế”, và thực hiện “xả lũ có trật tự”. 

Quan chức này không giải thích “có trật tự” nghĩa là gì, cũng không giải thích trước bao lâu họ sẽ đưa ra cảnh báo và thông báo cho người dân về việc xả lũ, sơ tán.

Trước đó, người dân Quảng Tây, Phúc Kiến và các nơi khác đã biểu tình phản đối việc chính quyền xả lũ gây thiên tai. 

Chuyên gia thủy lợi nổi tiếng người Đức gốc Hoa, Vương Duy Lạc, từng nói với báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung rằng, nhiều trận lũ lụt ở Trung Quốc được kiểm soát nhân tạo thông qua các cổng. 

“Nếu các quan chức Trung Quốc cho rằng tình hình không nghiêm trọng thì họ sẽ xả lũ ít hơn. Nếu tình hình nghiêm trọng thì họ sẽ xả nhiều lũ hơn.

Điều này sẽ gây ra mối đe dọa lớn hơn cho người dân ở hạ nguồn. Về số người thiệt mạng, chính quyền không báo cáo hoặc luôn “nói giảm nói tránh’”.

Chuyên gia Vương cho biết thêm rằng, trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã phá bỏ một số lượng lớn đập, nhưng ĐCSTQ vẫn chi số tiền khổng lồ hàng năm để duy trì các hồ chứa đầy nguy hiểm. 

Theo chuyên gia Vương, Trung Quốc hiện có gần 100.000 hồ chứa, nói một cách nhẹ nhàng thì 3/4 số hồ chứa đó không an toàn.