Cô Châu Đình, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng ở Hồng Kông cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm mạnh trong cuộc bầu cử hội đồng quận vào cuối tuần qua không chỉ đơn giản là do sự thờ ơ về chính trị.

Châu nói với báo Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến từ Toronto vào ngày 11/12 rằng: “Công dân Hồng Kông không muốn tham gia vào một cuộc bầu cử giả. Vấn đề không phải là mọi người mất hứng thú với chính trị mà là nhiều người trong số họ cảm thấy họ không nên quan tâm vì có những lo ngại rằng bạn có thể bị bắt nếu có quan điểm đối lập”.

Châu Đình, 27 tuổi, là nhân vật mang tính biểu tượng trong các cuộc biểu tình năm 2019 chống lại dự luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục. Cô Châu đã vận động thanh niên tham gia chính trị, giúp nâng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại cuộc bầu cử hội đồng quận năm 2019 lên mức kỷ lục 71,23%.

Cuộc bầu cử đó được tổ chức theo một hệ thống dân chủ hơn nhiều so với hiện tại. Phe dân chủ đã giành được hơn 80% số ghế ở 18 quận và chiếm đa số tuyệt đối trong tất cả các hội đồng quận.

Tuy nhiên, kết quả này đã khiến Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc vào tháng 6/2020 và sau đó cải tổ hệ thống bầu cử. Trong cuộc bầu cử cuối tuần qua, chưa đến 20% số ghế được công chúng trực tiếp chọn – giảm so với hơn 90% bốn năm trước đó – và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm xuống còn 27,54%.

Các ứng cử viên ủng hộ dân chủ không được phép tranh cử vì tất cả họ đều đã bị kiểm duyệt.

Cô Châu nói: “Tất cả các cuộc bầu cử ở Hồng Kông hiện hoàn toàn do chính phủ Trung Quốc kiểm soát, chỉ những người yêu nước được chính phủ Trung Quốc thừa nhận mới có thể tranh cử”.

Kể từ khi luật an ninh quốc gia được áp dụng, hầu hết người dân không dám biểu tình trên đường phố hoặc nói về sở thích chính trị của mình một cách tự do và cởi mở. Châu cho biết cô đã chứng kiến nhiều người, trong đó có cả cô, bị giam giữ vì làm như vậy. Cô Châu nói: “Hồng Kông đã biến thành một xã hội tràn ngập sự sợ hãi”.

Cô Châu đã sang Canada du học vào tháng 9. Về quyết định không quay lại Hồng Kông, Châu cho biết cô có “cảm xúc lẫn lộn” khi coi thành phố này là quê hương của mình và xác định chắc chắn là người Hồng Kông. Cô nói: “Ít nhất, tôi cảm thấy an toàn hơn so với khi ở Hồng Kông và cuối cùng tôi cũng bớt sợ hãi”.

Châu cho biết, nỗi sợ hãi của liên quan đến việc phải ngồi tù 10 tháng vì tham gia tụ tập trái phép trong các cuộc biểu tình năm 2019. Sau khi được trả tự do, cô vẫn bị cảnh sát Hồng Kông giám sát chặt chẽ.

Ngoài việc bị yêu cầu trình báo cảnh sát ba tháng một lần, cô cho biết đôi khi cô bị thẩm vấn từ sáu đến bảy giờ mỗi ngày. Châu Đình bị thẩm vấn thường xuyên hơn sau khi cho biết cô dự định học thạc sĩ ở Canada.

Cuối cuộc phỏng vấn với báo Nikkei Asia, cô Châu nhắn nhủ thông điệp tới những người ủng hộ dân chủ.

Châu nói: “Chính phủ Trung Quốc và chính phủ Hồng Kông luôn tuyên truyền rằng có ‘một quốc gia, hai chế độ’, luật pháp và phân quyền ở Hồng Kông”. Cô cho biết thêm, những giá trị này “đang bị phá hủy hoàn toàn” do việc áp dụng luật an ninh quốc gia.

Châu kêu gọi: “Dù bạn đang sống ở đâu, tôi hy vọng bạn [có thể] để mắt đến tình hình Hồng Kông và ủng hộ những người đang đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ”.