Chuyên gia cho rằng, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN một lần nữa phơi bày sự yếu kém trong năng lực ngoại giao của ĐCSTQ và đồng thời càng phơi bày sự đối lập của Bắc Kinh với các giá trị phổ quát của thế giới. Bắc Kinh đã tạo ra kẻ thù từ mọi phía và ảnh hưởng đối với ASEAN hiện đang suy giảm.
Các ngoại trưởng ASEAN đã nhóm họp vào ngày 25/5, sau đó liên tiếp tổ chức các cuộc gặp với các ngoại trưởng hoặc đại diện của nhiều quốc gia. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng tới Lào, nhưng các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã né tránh tuyên bố của cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN, chỉ đưa tin về những phát biểu của ông Vương Nghị.
Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Dương Uy (杨威) cho rằng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này để làm sâu sắc thêm sự hợp tác với các nước phương Tây, nhưng ĐCSTQ đã vượt quá khả năng của mình ở Đông Nam Á và rõ ràng là thiếu sức mạnh để cạnh tranh với Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chuyên gia Dương Uy đã có bài nhận định rằng vị thế của Bắc Kinh đã suy yếu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Sau đây là những nội dung chính trong bài viết của ông Dương.
Chuyến đi Lào của ông Vương Nghị là vô ích
Trong số 10 nước ASEAN, Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam giáp Trung Quốc, Campuchia cũng nằm trên Bán đảo Đông Dương, còn 5 nước còn lại là Philippines, Malaysia, Brunei, Singapore và Indonesia nằm phía bên kia biển của Trung Quốc. Theo ông Dương, ĐCSTQ có ảnh hưởng lớn nhất đối với 10 quốc gia này. Bắc Kinh cũng tin rằng ASEAN là sân sau của mình và luôn giữ thái độ trịch thượng.
Trong các hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Trung-Nhật-Hàn hàng năm, Bắc Kinh chỉ cử Thủ tướng Quốc vụ viện tham dự. Trước đây ông Lý Khắc Cường vẫn là nhân vật quyền lực thứ hai của Trung Quốc, sau khi Lý Cường lên thay, ông mất vị trí này nhưng vẫn theo mô hình cũ, vẫn đặt Bắc Kinh ở vị thế cao so với các quốc gia ASEAN. Chuyên gia Dương Uy cho rằng, Bắc Kinh tự đặt mình quá cao, giờ đây đang phải trả giá cho sự kiêu ngạo đó, đồng nghĩa với việc liên tục bỏ lỡ cơ hội để các quốc gia khác gia tăng ảnh hưởng.
Việc ông Vương Nghị tham dự Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này, có thể coi là ngang hàng với các Bộ trưởng Ngoại giao các nước, nhưng ông không có khả năng lãnh đạo hội nghị. Trước khi Tần Cương lên thay, Vương Nghị đã đảm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trong 10 năm, giờ ông đã trở lại, tưởng là sẽ lại theo lệ cũ khi Bắc Kinh có tầm ảnh hưởng lớn, nhưng chuyến công du Đông Nam Á lần này lại trở thành một “hành trình vô ích” của ông Vương Nghị.
Tân Hoa Xã chỉ đưa tin một phần các bài phát biểu của Vương Nghị khi ông tham dự cuộc họp. Trong đó quan trọng nhất tất nhiên là sự phản đối của ông đối với “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” do Mỹ đứng đầu và sự tham gia của NATO vào các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương. Ông cũng nói rằng “sự can thiệp từ bên ngoài không thể giải quyết được vấn đề”. Ông cũng đã có bài phát biểu trước các nước ASEAN. Ông nói: “Dù vấn đề có phức tạp đến đâu, chúng ta cũng phải kiên trì đối thoại và tham vấn, dù xung đột có căng thẳng đến đâu cũng không được từ bỏ giải pháp chính trị”.
Chuyên gia Dương Uy cho rằng, các nước ASEAN đang tăng cường hợp tác với các nước phương Tây, ĐCSTQ không thể ngăn chặn được nữa nhưng vẫn phải tiếp tục lên tiếng.
Khối ASEAN đã đưa ra một tuyên bố ngắn, trong đó cho biết các ngoại trưởng ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã xem xét tiến trình hợp tác, nhưng các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc không đề cập đến điều này, chỉ công bố “Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác nhân đạo về rà phá mìn”. Chuyến thăm của ông Vương Nghị có thể nói là không có kết quả gì đáng được vinh danh, và các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc buộc phải giảm giọng điệu.
Sau cuộc họp các Ngoại trưởng ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), tuyên bố của ASEAN nêu rõ việc xem xét tiến triển của kế hoạch hợp tác 10+3; các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không đề cập đến nội dung này. Ông Vương Nghị vẫn tiếp tục lên án “một số nước bên ngoài khu vực” trong việc xây dựng các “câu lạc bộ nhỏ” độc quyền trong khu vực này; phản đối “tách rời, đứt gãy” và “tường cao vườn nhỏ”. Theo chuyên gia Dương Uy, những lời kêu gọi sáo rỗng này một lần nữa cho thấy sự bất lực trong ngoại giao của Trung Quốc.
Ngoại giao toàn diện của ASEAN
Ngày 27/7, các Ngoại trưởng ASEAN đã họp với các Ngoại trưởng của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cũng lần lượt họp với các Ngoại trưởng của Mỹ, Anh, Canada, Australia, New Zealand, Ấn Độ và đại diện của Liên minh Châu Âu để thảo luận về việc đẩy mạnh hợp tác hơn nữa.
ASEAN đã lần lượt công bố một loạt các thành quả ngoại giao, bao gồm: Xem xét tiến triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Mỹ; Kế hoạch hành động của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Australia; Khẳng định lại quan hệ đối tác chiến lược với Canada và hoạch định định hướng tương lai; Tuyên bố chung về kết nối ASEAN-Vương Quốc Anh; ASEAN và Ấn Độ cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; ASEAN và Liên minh Châu Âu thảo luận về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược; ASEAN và Nhật Bản thảo luận về tiến triển của quan hệ đối tác; ASEAN và Hàn Quốc thảo luận về tương lai của quan hệ đối tác; ASEAN và New Zealand thảo luận về hướng hợp tác trong tương lai.
Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN cho biết, quan hệ đối ngoại của ASEAN nhấn mạnh “xây dựng lòng tin và tăng cường cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, cởi mở, minh bạch, kiên cường, toàn diện và dựa trên luật lệ, duy trì trật tự pháp lý quốc tế”.
ASEAN đang tận dụng cơ hội hiếm có từ những thay đổi trong bối cảnh quốc tế, tiến hành ngoại giao toàn diện. Kinh tế Trung Quốc ngày càng suy giảm, “Vành đai và Con đường” khó có thể tiếp tục, các quốc gia ASEAN càng khó nhận được đầu tư từ Trung Quốc. Trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc đang nhanh chóng bị sụt giảm, các quốc gia ASEAN trở thành những người hưởng lợi lớn nhất, bao gồm cả một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyển nhà máy sang Đông Nam Á để tránh các mức thuế nhập khẩu cao của Mỹ. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và Liên minh Châu Âu cũng đều hướng tới “giảm thiểu rủi ro”, ASEAN liên tục gia tăng thị phần ở các thị trường của Mỹ, Châu Âu và các quốc gia khác, do đó cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với những quốc gia này.
Theo chuyên gia Dương Uy, chứng kiến sự hình thành vòng tròn bao vây ĐCSTQ của Hoa Kỳ và các đồng minh, một số nước ASEAN dù không muốn chọn phe cũng đã thấy rằng ĐCSTQ không còn nhiều sức mạnh để đối đầu với Hoa Kỳ. Tại thời điểm này, không ai thực sự muốn đứng về phía kẻ thua cuộc rõ ràng.
Bắc Kinh luôn hung hãn và chưa từ bỏ chiến lược bành trướng của mình. Sự xuất hiện gần đây của tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Hạm đội Biển Đông của Trung Quốc ở Biển Đông thực chất là một hình thức đe dọa các nước ASEAN; ASEAN gần như có lựa chọn duy nhất là tìm kiếm sự bảo vệ từ Hoa Kỳ và các đồng minh.
Thể hiện thiện chí với Hoa Kỳ
Trước thềm cuộc họp ASEAN, ngày 25/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen một lần nữa kêu gọi chính quyền Trung Quốc giải quyết vấn đề dư thừa công suất và thương mại không công bằng tại cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm G20 để các công ty toàn cầu và người lao động có thể đạt được môi trường cạnh tranh công bằng. Bà nhấn mạnh Mỹ phải đóng vai trò lãnh đạo, bao gồm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Ngày 25/7, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng bắt đầu chuyến thăm 6 nước châu Á. Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết trọng tâm của chuyến thăm này là nhằm vào đối thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ là Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 27/7, Antony Blinken đến thăm Việt Nam để viếng cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; gặp Chủ tịch nước, Quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông Tô Lâm cho biết ông Nguyễn Phú Trọng “rất coi trọng việc phát triển quan hệ với Hoa Kỳ” trong suốt cuộc đời của mình và nhấn mạnh “Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam và hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục cam kết hỗ trợ một nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập, tự chủ và thịnh vượng”.
Một ngày trước đó, ngày 26 tháng 7, ông Tô Lâm cũng đã gặp ông Vương Hỗ Ninh, Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, người đã đến bày tỏ lời chia buồn. Ông Tô Lâm cho biết: “Việt Nam xác định coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa”.
Ông Tô Lâm, quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, gọi Hoa Kỳ là “đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam”; và quan hệ với Trung Quốc được xác định là “ưu tiên hàng đầu”.
Chuỗi cung ứng của Mỹ rút lui khỏi Trung Quốc, với hầu hết các công ty chuyển đến Việt Nam. Chuyên gia gốc Hoa – Dương Uy cho rằng, mặc dù Việt Nam cùng ý thức hệ với Trung Quốc, nhưng xét trên các khía cạnh chính trị, kinh tế và an ninh, lúc này Việt Nam rất cần mở rộng quan hệ với Mỹ.
ĐCSTQ rơi vào bẫy chiến lược
Ngoại trưởng Mỹ Blinken sau đó đã đến thăm Nhật Bản và tham gia cuộc họp “2 + 2” giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Nhật Bản vào ngày 28 tháng 7, ông đã gọi ĐCSTQ là “thách thức chiến lược lớn nhất” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Ông trực tiếp chỉ trích các vấn đề Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan, Biển Đông và vấn đề nhân quyền của Trung Quốc… đồng thời thông báo sẽ nâng cấp đáng kể cấu trúc chỉ huy của lực lượng Mỹ ở Nhật Bản.
Ngày 29/7, Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đã họp Hội nghị cấp Ngoại trưởng “Bộ tứ” tại Tokyo, một lần nữa bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về các hành động đe dọa và nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Sau đó, Ngoại trưởng Blinken cũng thăm Philippin, tham gia cuộc họp “2+2″ giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Philippin. Ngày 28/7, chiến đấu cơ của Pháp cũng lần đầu tiên xuất hiện tại Philippin. Pháp và Philippin đã bắt đầu đàm phán sơ bộ “Hiệp định về quy chế lực lượng” (status-of-forces). Philippin cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán tương tự với Canada và New Zealand, dự kiến sẽ nối gót thỏa thuận phòng thủ tương tự với Nhật Bản mà Philippin đã ký kết đầu tháng 7.
ĐCSTQ tiếp tục khiêu khích ở eo biển Đài Loan cũng như Nhật Bản và Philippines. Chuyên gia Dương Uy cho rằng, Bắc Kinh đã rơi vào bẫy chiến lược do chính mình giăng ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nếu để mất ASEAN một lần nữa, mọi thứ sẽ mất đi. Tuy nhiên, khi ông Vương Nghị tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không đưa tin thêm về một số sự kiện bên lề, bao gồm cuộc gặp của ông với ông Blinken, cuộc gặp của ông Vương Nghị với Bộ trưởng Ngoại giao Nga.
Ngày 27/7, hai ông Blinken và Vương Nghị gặp nhau ở Lào, tiếp tục nêu lên các hành vi khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, thúc giục hợp tác chống chất cấm gây nghiện, tăng cường giao lưu giữa các lực lượng vũ trang để ngăn ngừa những tính toán sau lầm, và giải quyết các vấn đề như việc Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt giữ trái phép công dân Hoa Kỳ; và một lần nữa cảnh báo ĐCSTQ không hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraina. Tuy nhiên, tuyên bố của Bắc Kinh không nhắc đến những vấn đề này, vẫn chỉ lặp đi lặp lại quan điểm của mình.
Ông Dương Uy cho rằng, dù tham dự Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, ông Vương Nghị cũng không có đóng góp gì đáng kể, chỉ không quên giới thiệu về Hội nghị Toàn thể Trung ương 3 của ĐCSTQ và “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Dù là Tần Cương hay Vương Nghị, họ chỉ biết nói những lời hùng biện ngoại giao như vậy, sự suy thoái trong nền ngoại giao Trung Quốc là không thể tránh khỏi.
Kết luận
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN một lần nữa phơi bày sự yếu kém trong năng lực ngoại giao của ĐCSTQ và đồng thời càng phơi bày sự đối lập của Bắc Kinh với các giá trị phổ quát của thế giới. Ông Dương Uy khẳng định, Bắc Kinh đã tạo ra kẻ thù từ mọi phía và ảnh hưởng đối với ASEAN hiện đang suy giảm.
ĐCSTQ khó có thể giải quyết nhiều vấn đề trong nền kinh tế Trung Quốc, và các nước trên thế giới ngày càng thấy rõ bản chất của ĐCSTQ. Dù quốc gia nào cũng có thể tránh xa ĐCSTQ càng sớm thì càng dễ tránh bị lừa dối lần nữa. Có quá nhiều bài học tương tự. Chuyên gia Dương Uy còn cho rằng, điều các quốc gia nên suy nghĩ nhiều hơn là làm thế nào để phát triển quan hệ ngoại giao bình thường với Trung Quốc sau khi ĐCSTQ sụp đổ, cùng nhau bảo vệ hòa bình thế giới và các giá trị phổ quát, đồng thời cùng thúc đẩy sự thịnh vượng thực sự của nhân loại!.