Xông hơi trị bệnh đơn giản nhưng thực ra ẩn chứa rất nhiều nguyên lý cao thâm của Đông y cổ xưa, vì vậy mà hiệu quả cũng thật kỳ diệu. Tuy nhiên để có tác dụng tối đa nhất thì bạn không thể bỏ qua những điểm này quan trọng này.

Nồi nước xông điều trị các trường hợp cảm cúm, cảm lạnh, thường sử dụng các loại cây cỏ quanh nhà với tác dụng chủ yếu làm ra mồ hôi, tà khí theo mồ hôi mà đi ra. Tùy theo từng địa phương mà thói quen sử dụng các loại lá có khác nhau. Nói chung, nồi xông thông thường sẽ có một số thành phần chủ yếu như các loại lá có tinh dầu giúp mở lỗ chân long, cho ra mồi hôi (lá chanh, bưởi, bạc hà, gừng, long não, cúc tần…), các loại lá có tính kháng khuẩn (lá trầu không, hành…), các loại lá có tác dụng hạ nhiệt (lá tre, lá duối…)

Nồi xông hơi. (Ảnh: vnexpress.net)

Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, dưới đây là một số điều bạn không thể bỏ qua khi chuẩn bị xông hơi.

1. Xông hơi trong phòng kín gió, đặc biệt tránh gió lùa

Khi xông hơi, các lỗ chân lông mở ra đưa mồ hôi và tà khí ra ngoài. Nếu phòng xông hơi không kín gió hoặc có gió lùa, phong tà sẽ theo lỗ chân lông ấy xâm nhập vào cơ thể có thể khiến cảm nặng hơn.

2. Xông hơi đến khi toàn than râm rấp mồ hôi là dừng lại

Nếu quá ít mồ hôi sẽ không đạt được tác dụng trị bệnh, nếu như mồ hôi quá nhiều sẽ làm cơ thể mất nước (Đông y gọi là tân dịch) khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi hơn. Sau khi xông xong cần lấy khăn khô lau sạch mồ hôi rồi nhanh chóng mặc quần áo lại đề phòng tà khí thừa cơ xâm nhập vào cơ thể.

3. Ăn uống sau khi xông hơi

Ảnh: baomoi.com

Trước khi xông hơi nên chuẩn bị một bát cháo ấm, có thể dùng cháo hoa, không nên dùng cháo có quá nhiều chất bổ. Khi ăn cháo, khí tinh hoa sẽ được tỳ vị đưa lên phế, phế lại có công năng chủ bì mao (da và lông) vì thế mà cốc khí từ bát cháo nóng sẽ trợ giúp tăng cường công năng tán tà của nồi nước xông.

Nếu bát cháo có quá nhiều chất bổ béo sẽ làm tỳ vị vốn đang hư nhược do bị cảm nay lại có thêm gánh nặng, vì thế mà giảm mất công năng của cháo. Nếu không có cháo có thể thay bằng một quả trứng gà luộc còn lòng đào.

Lưu ý: Không nên uống nước lạnh, nước đá sau khi xông hơi.

Một số trường hợp không nên sử dụng nồi nước xông

1. Bệnh đã vào sâu trong cơ thể

Chỉ sử dụng nồi nước xông trong giai đoạn đầu của bệnh, thông thường là trong 1-2 ngày đầu. Khi ấy bệnh tà còn ở phần ngoài cơ thể, có thể đi ra theo đường mồ hôi. Nếu xông khi bệnh tà đã vào sâu sẽ làm cơ thể mất nước, mệt mỏi mà không đuổi được tà khí ra ngoài.

2. Không sử dụng trong những trường hợp sốt do mất nước, sốt do cơ thể suy nhược.

Ảnh: klaipeda.diena.lt

3. Không sử dụng cho người thể trạng âm hư, cụ thể là có biểu hiện người gầy đen, miệng khô khát nước, hay nóng trong người, đại tiện thường táo, tiểu tiện ít, nước tiểu vàng, nhiều mồ hôi trộm…

4. Không dùng cho người đang có bệnh nặng, mới ốm dậy, phụ nữ có thai, mới sinh, trẻ em quá nhỏ, người đang bị tiêu chảy, xuất huyết, mới uống rượu bia…

Ngoài ra, các thầy thuốc cũng khuyến cáo không nên xông nhiều lần, không tắm ngay sau khi xông. Trong quá trình xông nếu có bất cứ biểu hiện gì bất thường cần dừng lại ngay và hỏi ý kiến thầy thuốc. Đề phòng bỏng nước trong quá trình xông.

Thác Chi