Theo Tổ chức Y Tế thế giới (WHO), chỉ số huyết áp tốt nhất là 120/80 mmHg. Tăng huyết áp là bệnh mãn tính, là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh tim mạch, gây nên nhiều biến chứng cho cơ thể.

Điều trị tăng huyết áp phải điều trị lâu dài chứ không thể điều trị cấp tính. Tuy nhiên, điều trị lâu dài không hẳn là điều trị suốt đời, vì cuộc đời của chúng ta từng thời kỳ có sự thay đổi về sinh lý, cần phải theo dõi tùy từng trường hợp cụ thể để có phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Mục tiêu điều trị tăng huyết áp

Mục tiêu điều trị là nhằm giảm tối đa nguy cơ tim mạch trước mắt cũng như lâu dài, ngăn ngừa tiến triển của tăng huyết áp, phòng ngừa các biến chứng và tử vong do nguyên nhân tim mạch, kéo dài tuổi thọ và chất lượng sống…

Huyết áp mục tiêu cần đạt là dưới 140/90mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Khi người bệnh bị tăng huyết áp có kèm theo đái tháo đường hoặc có nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao hoặc đã có biến chứng thì huyết áp mục tiêu cần đạt là dưới 130/80 mmHg. Khi điều trị đã đạt được huyết áp mục tiêu thì cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài và theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời.

Ảnh: baomoi.com

Nguyên tắc chung khi điều trị tăng huyết áp

Điều trị không dùng thuốc nên là bước điều trị đầu tiên trong mọi trường hợp, dù là cao huyết áp nhẹ hay nặng, đã có biến chứng hay chưa có biến chứng. Tức là cần chú ý thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và tăng cường tập luyện…

Dùng đúng thuốc: căn cứ theo từng bệnh cảnh và cơ địa bệnh nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra phương thức điều trị hợp lý nhất cho người bệnh. Liều lượng thuốc chống tăng huyết áp phải hợp lý, thận trọng, đủ giữ huyết áp ở mức độ an toàn dễ chịu.

Nếu huyết áp thường xuyên cao, bệnh nhân cần theo dõi hàng ngày để bác sĩ kiểm soát và đưa huyết áp về mức thích hợp, an toàn. Tránh hiện tượng hạ huyết áp đột ngột gây nên các biến chứng thiếu máu não, thiếu máu tim.

Dùng thuốc đều đặn và liên tục, không được gián đoạn nếu không có lý do đặc biệt, ngay cả khi đạt được chỉ số huyết áp bình thường. Khi huyết áp ổn định, bác sĩ thường giảm liều thuốc dần trong nhiều ngày, bệnh nhân cần chấp hành tốt.

Tác dụng điều trị sẽ tăng khi phối hợp hai hoặc nhiều thuốc với liều thấp hơn đồng thời nó giảm đi được tác dụng phụ khi phải sử dụng duy nhất một loại thuốc nhưng liều cao. Nếu trị liệu đã có tác dụng thì không nên thay đổi nếu không có những tác dụng phụ nặng nề của thuốc.

Trong quá trình điều trị, người bệnh phải điều chỉnh các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến cao huyết áp, đặc biệt là bệnh tiểu đường và bệnh mỡ trong máu cao.

“Quy tắc vàng” điều trị tăng huyết áp

Ảnh: mountharvard.com

Điều kiện cơ bản để thành công trong điều trị tăng huyết áp là sự phối hợp tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân. Để điều trị bệnh tăng huyết áp hiệu quả, đòi hỏi người mắc bệnh phải thật kiên trì và điều trị theo quy tắc “vàng” để huyết áp có thể xuống hoặc các biến chứng đến rất chậm hoặc không đến được với bệnh nhân.

Không thể coi chữa tăng huyết áp là chữa cho mạch chậm xuống coi như xong. Để việc điều trị tăng huyết áp hiệu quả, phải điều trị lâu dài với thế kiềng 3 chân: chế độ ăn uống hợp lý; dùng thuốc đều đặn và tạo thói quen vận động thường xuyên.

Chế độ ăn uống hợp lý

Nên ăn nhạt

Duy trì chế độ ăn nhạt 5 – 6g muối/ngày với người trưởng thành. Càng ăn mặn thì khối lượng máu càng tăng, áp lực lên thành mạch máu cũng tăng. Nếu mạch máu bị xơ cứng (xơ vữa), nhất là mạch máu ở não có nguy cơ bị vỡ, gây tai biến mạch máu não – một thảm họa đối với người cao huyết áp.

Không ăn thức ăn có quá nhiều mỡ động vật

Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Một số loại chất béo trong máu có thể làm tăng huyết áp.

Nên ăn nhiều cá, hải sản và giảm các loại thịt đỏ như: thịt lợn, thịt bò; ăn giảm mỡ động vật, lòng đỏ trứng và nội tạng động vật vì chúng có hàm lượng mỡ bão hòa cao, là nguồn gốc phát sinh ra các chứng xơ vữa. Do đó, các nhà khoa học khuyên nên chuyển dần chế độ ăn nhiều thịt sang ăn nhiều cá, đạm thực vật và chất béo có nguồn gốc thực vật.

Bổ sung nhiều rau, quả, kali trong bữa ăn

Ăn nhiều rau xanh, hoa quả sẽ rất tốt cho người cao huyết vì có chứa nhiều chất xơ, các nguyên tố vi lượng như kali, canxi, magiê và các vitamin, nhất là các loại rau quả giàu vitamin C, E, β-caroten. Lượng kali ăn vào cao giúp chống lại tăng huyết áp và kiểm soát tốt huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp vì kali gây giãn mạch, do vậy làm giảm huyết áp. Rau quả, gạo, khoai là nguồn cung cấp chính kali cho khẩu phần ăn.

Đặc biệt hạn chế rượu, bia, thuốc lá

Do rượu, bia là yếu tố gây tăng huyết áp và thuốc lá có chứa nicotin gây co mạch ngoại vi và biến chứng ở phổi.

Kiểm tra thường xuyên, dùng thuốc đều đặn

Ảnh: helobacsi.com

Bệnh nhân cần đến khoa tim mạch để thăm khám, uống thuốc đều đặn để kiểm soát huyết áp, tránh tai biến. Tăng huyết áp là bệnh không thể khỏi hoàn toàn được, nhưng nếu phát hiện và điều trị đúng cách có thể giảm đáng kể nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Việc sử dụng thuốc tùy thuộc vào thể trạng từng người, nên cần phải có sự chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Việc hạ huyết áp đến mức nào cũng phải do bác sĩ quyết định. Thông thường thì nên dưới 140/90 mmHg, trong trường hợp đã có biến chứng tim mạch, đái tháo đường hoặc suy thận thì cần hạ thấp hơn nữa dưới 130/80 mmHg.

Hiện nay, có khoảng 300 loại thuốc chữa tăng huyết áp, và thể trạng mỗi người phù hợp với từng loại thuốc khác nhau. Chính vì lẽ đó, người bệnh tuyệt đối không tự ý đổi thuốc khi chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Điều trị cần hết sức tích cực ở bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích (các cơ quan đích quan trọng là: tim, thận, mắt, não). Không nên hạ huyết áp quá nhanh để tránh biến chứng thiếu máu ở các cơ quan đích trừ tình huống cấp cứu.

Tạo thói quen vận động thường xuyên

Vận động là yếu tố không thể thiếu trong điều trị cao huyết áp. Vận động thường xuyên giúp máu được lưu thông tốt hơn, tránh xuất hiện cục máu đông hay xơ vữa thành mạch. Đồng thời cũng giúp người bệnh duy kiểm soát cân nặng, tránh nguy cơ béo phì. Do đó, người bệnh nên tập thể dục, vận động làm ấm cơ thể trước khi ra bên ngoài.

Vào mùa đông, nhiệt độ buổi sáng thường thấp, không nên dậy sớm quá, thời gian tập thể dục sẽ muộn hơn mùa hè. Mỗi ngày chúng ta chỉ cần đều đặn đi bộ nhanh khoảng 30 phút, hoặc luyện tập các động tác đốt cháy mỡ và tích cực thay đổi lối sống sẽ đem lại những hiệu quả bất ngờ trong việc điều trị.

Khi kết hợp nhuần nhuyễn và nhịp nhàng các quy tắc “vàng” này thì việc kiểm soát huyết áp không phải là khả năng ngoài tầm tay. Việc điều trị tăng huyết áp theo chiều hướng tích cực của thế kiềng 3 chân đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Các nước công nghiệp phát triển đã làm và hạn chế được một số bệnh như liệt nửa người, suy tim. Ở những nước này, trong khoảng 10 năm trở lại đây số lượng người bị biến chứng do tăng huyết áp đã giảm đi đáng kể.

BS. Thu Trang