Những năm gần đây, điện năng lượng mặt trời tạo được sức hút lớn và có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong 2 đến 3 thập kỷ nữa, khi những tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn thì vấn đề môi trường lại đặt ra một dấu hỏi lớn. Việc Việt Nam đang muốn nối gót các nước phát triển đầu tư mạnh vào lĩnh vực này đặt ra nhiều dấu hỏi lớn cho hệ lụy tiềm tàng của nguồn năng lượng vẫn thường được coi là sạch này. Liệu đây có phải là giải pháp cho vấn đề môi trường hiện nay?
Ồ ạt đầu tư năng lượng điện mặt trời
Theo báo Pháp Luật Net, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, sẽ hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư để các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019. Lý giải việc các doanh nghiệp đang chạy đua đưa dự án đi vào vận hành trước thời gian này là do, đây chính là thời điểm kết thúc áp dụng mức giá mua điện 9,35 cent/kWh điện mặt trời (theo quyết định 11/2017 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam). Sau thời gian trên có thể sẽ có cơ chế khuyến khích phát triển, khả năng giá điện sẽ giảm. Với tình hình đầu tư mở rộng và công nghệ tiến bộ suất đầu tư điện mặt trời ngày càng rẻ hơn.
Do đó, các doanh nghiệp như Tập đoàn Bamboo Capital (BCG), CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, GEC, Fujiwara, Trí Việt, Bách Khoa Á Châu, … đều tìm cách tăng tốc để không bị lỡ cơ hội.
Chẳng hạn, BCG đang có 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất là 200 MWh tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An với tổng mức đầu tư là 200 triệu USD. Ngoài ra, BCG đang trong tiến trình thực hiện các dự án năng lượng trên mặt hồ tại tỉnh Quảng Nam và năng lượng tái tạo trên mái nhà trong các khu công nghiệp tại TP.HCM và các khu vực lân cận.
Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam hiện đang tiến hành 2 dự án điện mặt trời, 1 tại Ninh Thuận (204 MWh) và 1 ở Trà Vinh (140 MWh).
Tây Ninh hiện đã có 8 nhà đầu tư đang triển khai thực hiện 10 dự án điện năng lượng mặt trời tại 4 huyện:Trảng Bàng, Bến Cầu, Tân Châu và Dương Minh Châu với tổng công suất phát điện là 808 MWh, tổng mức đầu tư là 19.646,4 tỷ đồng và tổng diện tích đất sử dụng cho các dự án là 1.083 ha, trong đó, gần 900 ha sử dụng đất bán ngập trong lòng hồ Dầu Tiếng. Đến nay Tây Ninh đã có 9/10 dự án khởi công xây dựng, phấn đấu hoàn thành đưa vào phát điện trước tháng 6/2019.
Pin năng lượng mặt trời không ‘sạch’ như nhiều người nghĩ
Điện năng thu được từ mặt trời đúng là năng lượng ‘sạch’ nhưng những tấm pin mặt trời thì lại không sạch như nhiều người nghĩ. Theo các nhà khoa học từ Trung tâm Kỹ thuật Chuyên nghiệp chuyên Nghiên cứu về Ô nhiễm Không khí CITEPA , việc sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời làm tăng đáng kể khí thải nitơ trifluoride (NF3), độc hại gấp 17.200 lần so với carbon dioxide (CO2) nếu tính theo chu kỳ 100 năm. Khí thải NF3 đã tăng tới 1.057% trong vòng 25 năm qua. Trong quãng thời gian đó, lượng khí thải CO2 chỉ tăng khoảng 5% ở Mỹ.
Ở một vấn đề khác, cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho biết các tấm pin năng lượng mặt trời thường có tuổi thọ từ 20 – 30 năm, mất dần năng suất theo thời gian và rất khó tiêu hủy. IRENA cũng ước tính cuối năm 2016 thế giới có 250.000 tấn pin năng lượng mặt trời hết hạn và trở thành rác thải. Dự kiến đến năm 2050 số rác thải từ loại vật liệu này sẽ đạt đến con số 78 triệu tấn. Cần phải biết rằng, các tấm pin năng lượng mặt trời có chứa chì, cadmium và một số chất độc hại khác có thể gây ung thư.
Quá trình xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng là không thể đốt bởi sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tại một số quốc gia đang phát triển, người ta thường đốt chúng để lấy phần dây đồng rồi bán lại. Quá trình này sẽ phải đốt cháy nhựa, gây ra khói chứa chất độc hại sẽ khiến có người có khả năng bị ung thư hoặc dị tật bẩm sinh khi hít phải.
Vào tháng 11/2016, Bộ Môi trường Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo rằng lượng chất thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời mà nước này sản sinh ra mỗi năm có khả năng tăng từ 10.000 đến 800.000 tấn vào năm 2040. Cơ quan này cũng cho biết Nhật Bản không có kế hoạch xử lý an toàn với lượng rác thải sinh ra này. Một báo cáo khác cũng đến từ Nhật Bản cho biết đến 2034, sản lượng chất thải từ pin mặt trời sẽ lớn hơn gấp khoảng 70 – 80 lần so với năm 2020.
Trung Quốc hiện tại đang là đất nước có nhiều nhà máy năng lượng mặt trời nhất thế giới. Thậm chí, số tấm pin mặt trời ở nước này cũng gấp đôi của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc không có kế hoạch xử lý lượng rác thải mà các tấm pin cũ hết hạn sản sinh ra trong 20 – 30 năm nữa. Các số liệu thống kê chỉ ra vào năm 2050, quốc gia đông dân nhất thế giới có thể sẽ có tới 20 triệu tấn chất thải từ pin mặt trời – gấp 2.000 lần trọng lượng tháp Eiffel.
Thậm chí việc pin mặt trời biến thành rác thải cũng không cần phải đợi đến khi chúng hết hạn mà có thể đến ngay từ yếu tố thời tiết. Vào năm 2015, một cơn lốc xoáy đã phá hủy 200.000 mô-đun năng lượng mặt trời tại công ty năng lượng mặt trời ở California. Không lâu sau đó, một cơn bão lớn đã khiến trang trại điện mặt trời rất lớn – nơi tạo ra 40% điện năng cho Puerto Rico bị hư hại nghiêm trọng.
Một số nhà khoa học còn cho rằng, rác thải của pin năng lượng mặt trời khi hết hạn còn khó xử lý hơn rác thải của điện hạt nhân. Họ đặt giả thuyết trong 25 năm tới điện mặt trời sản xuất ra lượng điện năng bằng với điện hạt nhân của năm 2016. Khi đó, nếu xếp lượng rác thải sinh ra vào một sân bóng đá thì rác thải của năng lượng mặt trời sẽ cao tới khoảng 16.000 mét (gấp đôi chiều cao của đỉnh Everest) trong khi rác thải của điện hạt nhân chỉ cao khoảng 53 mét.
Rất khó xử lý chất thải từ pin năng lượng mặt trời
Một báo cáo khoa học chỉ ra rằng các tấm pin năng lượng mặt trời có sử dụng kim loại nặng như chì, crom (chromium) hay cadimi (Cadmium) rất độc hại cho con người và môi trường. Những rủi ro từ chất thải hạt nhân là không thể bàn cãi nhưng có thể chuẩn bị trước để ứng phó còn rủi ro từ chất thải năng lượng mặt trời thì đến nay gần như vẫn chưa có phương pháp nào thực sự thiết thực. Đồng thời, các chất có hại trong tấm pin năng lượng mặt trời có thể tồn tại trong môi trường trong khoảng thời gian rất dài, việc lưu trữ chúng trong các bãi rác sẽ gây ô nhiễm cho toàn bộ khu vực.
Cùng với đó, quá trình sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời thường sử dụng một số chất liệu nguy hiểm như axit sunphua và khí phosphine độc hại. Điều này khiến việc tái chế chúng là rất khó khăn. Và kể cả khi tái chế được thì chi phí bỏ ra cũng thường cao hơn giá trị kinh tế mà chúng mang lại. Thậm chí gần đây có tin đồn rằng một số nước phát triển đang bán lại các tấm pin mặt trời đã qua sử dụng với giá rẻ cho các nước đang phát triển dù rằng năng suất thu được điện năng của chúng là khá thấp.
Trả lời báo Phapluatnet trong thời gian gần đây, ông Phan Trọng Khang, Quản lý các dự án điện mặt trời tại Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (EVN), cho biết: ‘Khi chúng ta không dùng pin mặt trời nữa thì buộc phải chôn xuống đất. Khu vực chôn chắc chắn sẽ không trồng trọt cây trái được, “phải mất thêm phần diện tích đất cho xử lý việc này’.
Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới lại khuyến cáo rằng việc chôn các tấm pin mặt trời có thể khiến các chất độc hại ngấm vào đất, gây ra vấn đề nghiêm trọng với nguồn nước uống.
Việt Nam mới phát triển điện năng lượng mặt trời nhưng một số nước phát triển đã sử dụng công nghệ này từ lâu và hiện đang đau đầu với bài toán rác thải từ chúng. Tái chế gần như là cách hiệu quả nhất nhưng lại vấp phải vấn đề từ chi phí. Hiện tại Mỹ có bang Washington là nơi duy nhất yêu cầu nhà sản xuất pin mặt trời phải có quy trình cho việc tái chế. Tuy nhiên, chính quyền bang lại không phân bổ tài chính cho việc này khiến các nhà sản xuất gặp khó khăn.