Đông Nam Á là một khu vực đang phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình 5,1%. Tốc độ tăng trưởng này đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng năng lượng đang cao hơn bất kỳ nơi nào.

Theo trang Asean Post, từ năm 2000 đến 2016, nhu cầu năng lượng tại khu vực Đông Nam Á đã tăng 70%. Chính phủ của các nước thuộc khu vực này đang thực hiện hàng loạt chính sách để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Trên quy mô khực vực, hệ thống Lưới điện ASEAN (APG) ​​trải khắp 10 quốc gia thành viên ASEAN đã được khởi động vào cuối những năm 90. Về cơ bản, lưới điện thể hiện một tầm nhìn tới tương lai nhằm tăng cường thương mại điện xuyên biên giới trong khu vực, giúp tăng nguồn cung điện năng.

Việc mở rộng lưới điện khu vực không thể được thực hiện nếu không có nguồn đầu tư nước ngoài. Do đó, cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài đã được mở ra.

Theo con số của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Đông Nam Á sẽ cần khoảng 1,2 nghìn tỷ USD đầu tư từ nay đến năm 2040 để hiện đại hóa và mở rộng lưới điện.

Các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như một số ngân hàng đa phương và các tổ chức tài chính.

Đối với Trung Quốc, động cơ rõ ràng để đầu tư là tiếp tục củng cố mối quan hệ kinh tế và chính trị với các nước trong khu vực – một số trong đó giáp với các vùng phía Nam. Từ năm 2003, Trung Quốc đã đầu tư 66 tỷ USD vào sản xuất điện ở Đông Nam Á, chiếm 48% tổng đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực này.

Nhật Bản cũng đã tích cực đầu tư 1,5 tỷ USD vào các dự án thủy điện, năng lượng mặt trời và gió vào Đông Nam Á từ năm 2009.

dau tu vao nganh dien dong nam a dang nong hon bao gio het
Nhu cầu sử dụng điện của Đông Nam Á đang tăng mạnh. (Ảnh: The Asean Post)

Một quốc gia Đông Á khác là Hàn Quốc cũng tỏ ra quan tâm khi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc đầu tư 150 triệu USD vào năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á từ năm 2009 đến 2016. Chính quyền Nhà Xanh đã hứa hẹn sẽ tăng cường hợp tác năng lượng với các đối tác ở Đông Nam Á.

Xa ngoài châu Á, Tổng công ty Đầu tư Tư nhân ở Mỹ đã đầu tư hơn 400 triệu USD từ năm 2009 đến năm 2016. Hơn nữa, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ bơm 750 triệu USD tăng cường năng lực tái tạo của các nước thành viên ASEAN.

Ở châu Âu, các khoản đầu tư chủ yếu đến từ Đức. Tổ chức phát triển của Đức, Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ), đã tích cực hợp tác với Trung tâm Năng lượng ASEAN thông qua Chương trình Năng lượng ASEAN – Đức (AGEP). GIZ đã hỗ trợ và tài trợ một loạt các hoạt động nhằm cải thiện hợp tác khu vực và kỹ thuật giữa Đức và các nước ASEAN.

Các ngân hàng đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai tái tạo trong khu vực. Cả hai tổ chức tài chính đã đầu tư lần lượt hơn 2 tỷ USD và 1 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Đông Nam Á kể từ năm 2009.

Năng lượng tái tạo

Hầu hết khoản đầu tư từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tập trung vào các loại nhiên liệu không tái tạo như than đá, cho dù cái mà thế giới đang hướng đến là năng lượng tái tạo như thủy điện và năng lượng mặt trời.

ASEAN đặt mục tiêu 23% nguồn năng lượng sơ cấp đến từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025. Tính theo các chính sách đang được thực hiện và dự kiến trong tương lai, tỷ trọng năng lượng tái tạo của khu vực chỉ đạt 17% cho đến năm 2025.

Tuy nhiên, chi phí năng lượng tái tạo gần đây đã rẻ hơn khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang nguồn năng lượng này.

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), chi phí cho quang điện mặt trời (PV) giảm 45% – nhiều nhất trong số các nguồn năng lượng tái tạo khác trong giai đoạn 2012 – 2016, từ mức 3.915 USD/kW xuống còn 2.134 USD/kW. Chi phí cho năng lượng gió trên đất liền cũng giảm tương đối trong giai đoạn 2013 – 2016, từ 2.627 USD xuống còn 2.342 USD.

Mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng sẽ là bài toán khó với giới quan chức và nhà đầu tư. Với những khoản đầu tư nước ngoài hấp dẫn, chính phủ các quốc gia trong khu vực cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định để đảm bảo được mục tiêu tương lai xanh chung.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)