Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Chúng tôi đã từng giới thiệu về vị đại quốc sư này trong một chương trình trước đây của mình. Khi cuộc kháng chiến chống Nhật đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, ông ấy đã dùng tám chữ “Dời đô Trùng Khánh, kháng Nhật khả thắng” để giúp Tưởng Giới Thạch thoát khỏi nguy hiểm chí mạng, nghênh đón thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nhật. Sau đó, ông lại dùng tám chữ “Thắng bất ly An, bại bất ly Loan” dự ngôn thành công vận mệnh rút lui về Đài Loan của chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch.

Ông là Chương Gia đời thứ bảy, được mệnh danh là “quốc sư của ba triều đại”, là lãnh tụ tôn giáo của địa khu Nội Mông Cổ. Cuộc đời sóng gió và bi tráng của ông mãn đầy màu sắc huyền thoại. Hôm nay chúng tôi xin kể về câu chuyện của ông.

Trước tiên hãy bắt đầu với cái tên của ông. Chương Gia (章嘉) kỳ thực không phải là tên họ của ông, mà là xưng hiệu lãnh tụ tôn giáo của ông, ý nghĩa của nó cũng giống như Đạt Lai Lạt Ma. Chương Gia thứ bảy chính là nói đây là lần chuyển thế thứ bảy của ông. Dưới thời trị vì của hoàng đế Khang Hy, bốn lãnh tụ tôn giáo của Phật giáo Tây Tạng đã được sách phong, Chương Gia là một trong số đó. Ba vị còn lại là Đạt Lai Lạt Ma tiền Tạng, Ban Thiền Lạt Ma hậu Tạng, và Jebtsundamba Hutuktu, người thống lãnh Ngoại Mông.

Trong số bốn vị lãnh tụ tôn giáo, Chương Gia không thống lãnh khu vực lớn nhất, cũng không phải là người có nhiều tín chúng nhất, tuy nhiên, ông lại là người được các hoàng đế nhà Thanh kính trọng nhất. Ngay sau khi hoàng đế Khang Hy lên nắm quyền, đã phong Chương Gia đời thứ hai làm quốc sư, và ban cho ông xưng hiệu “Quán đính phổ thiện quảng từ Đại Quốc sư”. Thời kỳ Càn Long, còn phong cho Chương Gia đời thứ ba làm thủ lĩnh lãnh tụ bốn tôn giáo lớn, cung Ung Hòa được chuyển đổi thành miếu Lạt Ma để cấp cho ông sử dụng.

Tại sao các hoàng đế nhà Thanh lại coi trọng Chương Gia đến vậy? Điều này phải bắt đầu nói từ tín ngưỡng của các hoàng đế.

Hóa thân của Bồ Tát Văn Thù

Hoàng đế các triều đại ở Trung Quốc cổ đại đều có sở thích tín ngưỡng riêng. Đại Đường hưng Phật, đại Tống tôn Nho, các hoàng đế nhà Minh đều là tín đồ của Trương Tam Phong. Còn nhà đại Thanh thì sao?

Nhà Thanh nhập chủ Trung Nguyên có thể nói là kỳ tích trong số kỳ tích. Nhà Minh năm đó có thể đuổi được những kỵ binh sắt Mông Cổ kiêu dũng thiện chiến bật trở lại thảo nguyên, họ hẳn là tương đối có thực lực. Tuy nhiên, đến thời kỳ mạt vận, họ đầu tiên bị Ngụy Trung Hiền làm bại hoại triều cương, sau lại có Lý Tự Thành khởi binh tạo phản, lại bồi thêm một trận ôn dịch không cách nào giải thích, khiến cho khí số nhà Minh cạn kiệt. Điều đáng kinh ngạc nhất là Ngô Tam Quế hiến thành, không yêu cầu một xu tiền mà vứt bỏ cả Sơn Hải Quan. Tám trăm thiết kỵ của nhà đại Thanh dễ dàng tràn vào biên giới, mở ra quốc vận 268 năm. Lịch sử Trung Quốc không có triều đại nào như đại Thanh, lấy được giang sơn một cách dễ dàng như vậy.

Vận khí quá tốt như vậy thậm chí còn khiến chính hoàng đế nhà Thanh bối rối. Không có lời giải thích nào khác cho điều này, chỉ có thể nói là nhờ sự trợ giúp của Thần Phật. Ai là vị Thần hộ pháp của nhà Thanh? Các hoàng đế nhà Thanh đã chọn Bồ Tát Văn Thù.

Mối quan hệ giữa Bồ Tát Văn Thù và nhà Thanh bắt đầu từ thời trị vì của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Theo tuyên bố chính thức của nhà Thanh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích khi kiến quốc đã đặt tên cho quốc gia của mình là Mãn Châu quốc, theo tiếng Mãn Châu thì là manju gurun, ý tứ là thổ địa của Bồ Tát Văn Thù. Bồ Tát Văn Thù là cách gọi của người Hán. Nếu tên dịch theo nghĩa đen thì nó được gọi là Mañjuśrī, cách phát âm gần như giống hệt nhau. Vì vậy bắt đầu từ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, nhà Thanh nhất tâm nhất ý tuân tòng Bồ Tát Văn Thù.

Không biết Văn Thù Bồ Tát có thực sự bảo vệ họ từ phía sau hay không, sau khi thành lập Mãn Châu quốc, quân đội của họ trở nên thế như chẻ tre trên chiến trường, nhanh chóng thôn tính những vùng đất rộng lớn ở phía bắc, 28 năm sau, họ đã thành công bước vào làm chủ Trung Nguyên.

Sau khi vào Trung Quốc, các hoàng đế nhà Thanh càng sùng kính Bồ Tát Văn Thù, bắt đầu từ hoàng đế Thuận Trị là người đầu tiên, họ tin rằng ông là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù, ông tự xưng mình là “Văn Thù hoàng đế”. Người tộc Mãn gọi Bồ Tát Văn Thù là “Phật da”, do đó cũng gọi các hoàng đế triều Thanh là “Phật da”, xuất xứ chính là như vậy.

Trong Phật giáo Tây Tạng, các lãnh tụ tôn giáo cũng được coi là hóa thân của Đức Phật. Ví dụ, Đạt Lai được coi là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm; Ban Thiền là hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Còn Chương Gia thì sao? Chương Gia, giống như các hoàng đế nhà Thanh, cũng được coi là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù.

Vì đều là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù, nên mọi người đều là người một nhà. Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các hoàng đế nhà Thanh càng coi trọng Chương Gia. Chương Gia và các hoàng đế nhà Thanh cũng là những người bạn rất tốt ở các triều đại trước. Họ trường kỳ ở bên hoàng đế, giúp ông bài ưu giải hoặc, cũng được các hoàng đế vô cùng tin tưởng. Đến Chương Gia đời thứ bảy cũng không ngoại lệ.

Quốc sư 10 tuổi hiển thần tích

Chương Gia thứ bảy sinh ra ở huyện Đại Thông, Thanh Hải vào năm 1890. Khi mới 8 tuổi, ông được xác nhận là chuyển thế linh đồng của Chương Gia đời thứ 6. Hoàng đế Quang Tự nhanh chóng tiếp nạp ông, để ông tiếp tục kế thừa xưng hiệu đại quốc sư vào năm sau. Thái hậu Từ Hi rất thích vị quốc sư nhỏ này, thường xuyên giữ cậu ở bên cạnh.

Vị quốc sư Chương Gia này mặc dù còn nhỏ, nhưng tu vi không nông cạn. Khi ông mười tuổi, tức là vào năm 1900, có một đợt hạn hán nghiêm trọng. Hoàng đế Quang Tự hạ chiếu cầu mưa. Chương Gia thắp hương tụng kinh trước tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Ba ngày sau, mưa lớn sầm sập kéo đến, khô hạn lập tức được hoãn giải.

Không lâu sau, liên quân tám nước chiếm được Bắc Kinh, thái hậu Từ Hi hoảng sợ bỏ chạy cùng hoàng đế Quang Tự đến Thái Nguyên. Lúc đó Chương Gia tình cờ đang trên đường tới Ngũ Đài sơn, nghe tin thái hậu và hoàng đế bỏ trốn, lập tức đổi đường, mang theo một ngàn lượng bạc đến tiến cống. Thái hậu Từ Hi đã bật khóc khi nhìn thấy ông, nói rằng ta không có gì để tặng lại, nên ta sẽ tặng ngài một chiếc quạt gấp do chính tay ta vẽ làm quà hồi lễ. Lý Liên Anh bế cậu bé Chương Gia lên, hỏi: “Quốc sư, quốc sư, chúng ta nên đi đâu?” Chương Gia dùng bàn tay nhỏ bé của mình chỉ về phía tây và nói, hãy đi về phía tây. Mọi người đều vâng lời, đi về phía tây, cuối cùng đặt chân ở Tây An, thoát khỏi tai họa.

Về việc tị nạn đến Tây An, hình ảnh thứ 36 trong Thôi Bối Đồ sớm đã dự ngôn rằng: “Mẫu tử bất phân tiên hậu, Tây vọng Trường An nhập cận” (母子不分先後, 西望長安入覲). Do đó có người nói, lịch sử chính là một kịch bản, thuận theo trật tự thời gian mà triển khai. Cậu bé Chương Gia mới mười tuổi chỉ bằng ngón tay tính toán ra tương lai, hay là cậu đã dùng cách đó để đọc được kịch bản này, chúng ta không biết. Tuy nhiên từ đây có thể thấy, bản lĩnh dự ngôn của quốc sư Chương Gia đã có từ khi ông còn rất nhỏ. 

Năm 1908, Từ Hi và Quang Tự lần lượt qua đời, mọi người đều thấy nhà Thanh khí số đã tận, bắt đầu lên kế hoạch cho riêng mình. Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng tính liên minh với Anh để thành lập vương quốc độc lập của riêng mình. Jebzundamba Hutuktu ở phía bắc cũng tiếp xúc với Nga, tìm kiếm độc lập cho Ngoại Mông, để bản thân trở thành ông vua hợp nhất chính trị và tôn giáo. Chỉ có Chương Gia đời thứ bảy vẫn trung thành thủ túc bên cạnh vị hoàng đế nhỏ Phổ Nghi.

Đúng như dự đoán, Trung Hoa Dân Quốc thực sự đến. Nhưng điều mà mọi người không bao giờ ngờ tới là Chương Gia đã nhanh chóng tuyên bố thừa nhận Trung Hoa Dân Quốc, thậm chí còn quay trở lại Nội Mông bôn ba tứ xứ, dùng lực ảnh hưởng của mình để thuyết phục mọi người quy thuận chính phủ mới. Nhiều người không lý giải nổi, cho rằng chẳng phải ông ấy đã quay lưng quá sớm? Nhà Thanh đối đãi ông không bạc mà.

Phụ trợ Trung Hoa Dân Quốc

Kỳ thực, quá trình chuyển đổi giữa Trung Hoa Dân Quốc và nhà Thanh có thể nói là sự thay đổi triều đại hòa bình nhất trong lịch sử Trung Quốc. Không hề bộc phát chiến tranh, không hề ảnh hưởng lớn đến trăm họ. Thiên hạ là do Phổ Nghi chủ động hạ chiếu thoái vị, trao nó cho Trung Hoa Dân Quốc, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc sau này cũng đối đãi với Phổ Nghi rất ưu đãi, cho phép ông tiếp tục làm hoàng đế trong Tử Cấm Thành, trang phục và chế độ ăn uống vẫn giữ nguyên như cũ. Do đó giữa hai nhà không hề có thâm cừu đại hận. Chương Gia chuyển sang phù trợ Trung Hoa Dân Quốc, cũng không thể tính là đã quay lưng phản bội nhà Thanh.

Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cũng rất biết ơn ân đức của ông, càng tôn kính ông hơn. Chính phủ Bắc Dương của Trung Hoa Dân Quốc và sau này là chính phủ Quốc Dân của Tưởng Giới Thạch cũng long trọng bổ nhiệm ông làm quốc sư. Đây là nguồn gốc của danh hiệu “Quốc sư ba triều đại” của Chương Gia. Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Loan vẫn còn lưu giữ văn kiện và ấn chương năm 1947, trong đó Chính phủ Quốc Dân của Tưởng Giới Thạch phong cho ông danh hiệu “Hộ quốc tịnh giác phụ giáo đại sư”. 

Cuộc đời của Chương Gia cũng có những chuyển biến rất lớn kể từ đó. Nhưng Trung Hoa Dân Quốc và nhà Thanh có phương thức thống trị hoàn toàn khác nhau. Nếu Chương Gia muốn hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, ông ấy chắc chắn sẽ phải có một số giao tiếp xã hội, hoặc phải đối mặt với một số mối quan hệ nhân tế phức tạp. Nhưng ông ấy là một nhà sư, việc giao vãng với người thường cả ngày có ảnh hưởng đến tu hành của ông ấy không?

Chúng ta không biết lúc đó Chương Gia tuổi thanh niên có bối rối như vậy hay không, nhưng các đệ tử của Chương Gia nói rằng, ông thường kể cho họ nghe một câu chuyện thế này.

Một mùa đông nọ, trời lạnh buốt đất đóng băng. Chương Gia đang ở trong nhà ăn quẩy chiên, đột nhiên ngoài cửa có một vị tăng nhân nhất quyết muốn gặp ông. Để tăng nhân kia bước vào, thì thái độ của vị ấy thập phần ngạo mạn, chỉ cúi đầu chào chứ không quỵ bái. Khi được hỏi tên là gì, tăng nhân nói mình họ Phật. Vị tăng nhân nhận quẩy mà Chương Gia đưa cho rồi rời đi ngay sau đó, ra cửa liền biến mất, chỉ để lại một chiếc sọt tre. Mọi người trong phòng đều tò mò, mở ra xem, họ thấy bên trong có một đóa sen trắng tươi rói. Hoa sen đến từ đâu trong băng thiên tuyết địa này?

Chương Gia lập tức ngộ ra, nói rằng đó khẳng định là Bồ Tát Văn Thù đã điểm hóa cho tôi. Hoa sen mọc ra từ bùn mà không bị ô nhiễm. Phải chăng điều này để nói với ông rằng, việc ông đặt thân mình trong tục sự cũng không sao, chỉ cần tâm ông bụi trần bất nhiễm như đóa sen này?

Có lẽ nhận được sự khải thị từ bông hoa sen này, Chương Gia sau đó đã giữ một vị trí cao trong chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, cũng luôn trung thành xuất mưu hoạch sách cố vấn cho chính phủ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, ông đã đồng hành cùng Tưởng Giới Thạch vượt qua không ít quan nạn. Đến năm 1949, Tưởng Giới Thạch quả nhiên rút lui về Đài Loan như trong dự ngôn của ông. Nhưng lần này, Chương Gia không chọn ở lại đại lục để phò tá chính phủ mới, mà cùng Tưởng Giới Thạch đến Đài Loan. Những người từng nói ông ấy chỉ giỏi xoay theo chiều gió, lần này đều bị tát vào mặt.

Tới Đài Loan

Kỳ thực, sự lựa chọn của Chương Gia rất sáng suốt. Hãy nhìn vào hai nhà lãnh đạo tôn giáo khác ở lại đại lục. Đạt Lai Lạt Ma miễn cưỡng ở lại thêm mười năm nữa, thấy tình hình không ổn, bèn tìm cơ hội trốn thoát. Ban Thiền Lạt Ma tương đối ngây thơ, đã viết hàng chục ngàn chữ cho chính phủ mới đề xuất ý kiến, kết quả là ông bị giam trong giám ngục hơn mười năm.

Vì vậy đi Đài Loan là sự lựa chọn vô cùng chính xác. Chương Gia trong tâm biết rất rõ bản chất của chính quyền ở đại lục là gì. Thậm chí ngay cả khi qua đời, ông vẫn nói rằng, trước khi ánh sáng khôi phục trở lại nơi đại lục, ông sẽ không chuyển thế. Mặc dù Đạt Lai cho rằng đã tìm thấy một vị Chương Gia mới, nhưng chính phủ Trung Hoa Dân Quốc không thừa nhận. Do đó Chương Gia đời thứ bảy đã trở thành vị Chương Gia cuối cùng. 

Nhưng khi đến Đài Loan, rời xa dân chúng của mình, cũng không thuộc về thổ địa của mình, Chương Gia có thể làm gì khác? Ngoài việc tiếp tục nhậm chức vụ trọng yếu trong chính phủ, ông cũng bắt đầu phục hành chức trách chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Khi rảnh rỗi, ông đi tuần du khắp Đài Loan để hoằng dương Phật pháp. Để khiến mọi người dễ tiếp thụ hơn, ông đã cởi bỏ y phục Lạt ma, khoác lên mình áo cà sa kiểu người Hán, bắt đầu nói về kinh điển Phật giáo tại Hán địa.

Chương Gia tuy từ nhỏ đã bác học đa văn, thành tựu Phật học Trung Quốc cũng rất cao. Nhưng có người lại không ưa, nói rằng Phật gia chẳng phải giảng “Bất nhị pháp môn” sao? Cứ tam tâm nhị ý như vậy có được không? Như thường lệ, Chương Gia không tranh biện. Chỉ những người theo ông mới biết ông đã là một vị cao tăng giác ngộ. Người ta nói rằng, ngay cả khi vị đại sư không nói gì, ở bên cạnh ông cũng luôn có thể cảm giác được sự bình tĩnh an yên.

Cho đến trước khi ông qua đời, ngoại giới vẫn có rất nhiều tranh nghị, nói ông là một hòa thượng chính trị, không phải là người chân tu. Tuy nhiên, vào ngày ông qua đời và được hỏa táng, thần tích đã xuất hiện.

Hàng ngàn hàng vạn xá lợi tử

Theo những người có mặt ngày hôm đó kể lại, hôm đó vốn là một ngày mưa phùn, nhưng ngay khi ngọn lửa bốc lên, hình ảnh hoa sen liền hiển hiện, quang huy ngoạn mục, trong ngọn lửa còn có một mùi thơm kỳ lạ tỏa ra, cách xa mười dặm đều có thể ngửi thấy. Nhưng thần tích không chỉ vậy, mà sau khi hỏa hóa, hàng ngàn hàng vạn xá lợi tử đã xuất hiện.

Trong giới Phật giáo, nếu có một danh sách xếp hạng tu hành, thì tiêu chí để đánh giá, tiêu chí duy nhất, chính là xá lợi tử, xem xem bạn sau khi hỏa thiêu có thể hiển ra bao nhiêu xá lợi tử. Đối với một hòa thượng bình thường, chỉ cần đốt được một ít, đã là khá tốt rồi. Nhưng số lượng xá lợi tử của Chương Gia đạt tới hàng vạn. Một số thông tin trên mạng nói rằng có 6.000 viên, một số khác cho biết có hơn một vạn viên. Tóm lại, nhiều đến không đếm xuể, có lớn có nhỏ, muôn hình vạn trạng, tản ra ánh sáng nhu hòa. Khi đó, rất nhiều cơ quan báo chí có mặt để chụp ảnh và đưa tin. Sau khi tin tức truyền ra, thanh danh của Chương Gia cuối cùng cũng được chứng tỏ.

Những xá lợi tử này được bảo tồn trong quần thể Tháp Xá lợi Phật sống Chương Gia, nằm trên sườn đồi phía sau Trung hòa Thiền tự ở quận Bắc Đầu, Đài Bắc, mọi người có thể đến tham quan nếu có cơ hội.

Bằng cách này, không chỉ những người đã từng coi thường ông, mà cả các đệ tử của ông cũng đều kinh thán. Về số lượng xá lợi tử mà nói, ít nhất ở Trung Quốc cận đại, cảnh giới của Chương Gia đã vượt qua sức tưởng tượng của mọi người.

Các đệ tử có mặt tại hiện trường đều chấn động, đã chia sẻ mọi chi tiết về thời gian mình ở bên vị đại sư. Trong những năm cuối đời, Chương Gia thu nạp một đệ tử, từng dẫn dắt anh trong ba năm. Người đệ tử này nói rằng Chương Gia luôn là hình mẫu của anh. Ngôn truyền thân giáo của đại sư đã khiến anh minh bạch thế nào là từ bi.

Thế nào là từ bi?

Người đệ tử này kể lại rằng Chương Gia là người thầy khai sáng đầu tiên của anh trong học Phật. Tại thời điểm đó, Chương Gia đã là một thành viên trọng yếu trong chính phủ, bận rộn với sự vụ, còn anh chỉ là một gã thanh niên lơ ngơ gì cũng không có, ngay cả đối với Phật pháp cũng không có chút nền tảng nào. Nhưng Chương Gia vẫn gặp anh mỗi tuần một lần. Mỗi tuần từ sáng sớm, ông đều sắp xếp cho anh một lớp học kéo dài hai giờ, giảng Phật pháp cho một mình anh, liên tục trong ba năm, mỗi tuần đều như vậy. 

Khi mới bắt đầu học Phật, Chương Gia đã dạy anh rằng, học Phật trọng ở thực chất, không phải ở hình thức. Ta cho con sáu chữ: “Khán đắc phá, phóng đắc hạ”. Là ý tứ gì? Chính là hãy phóng hạ chấp trước xuống, phóng hạ vọng tưởng xuống, tâm mới có thể chân chính đạt đến sự thanh tịnh. Phóng hạ rồi mới có thể nhìn thấu, nhìn thấu rồi, trí huệ mới xuất lai. Từ xá lợi tử mà xét, ba chữ “phóng đắc hạ”, bản thân Chương Gia đã ngộ đến cảnh giới cao thâm.

Người đệ tử này nói: “Trong ba năm đó, tôi chưa từng cung dưỡng thầy một xu tiền, trái lại có lúc tôi đi học muộn, đến trưa thầy còn mời tôi ăn cơm.” Có hai lần vì lý do gì đó không đến lớp, Chương Gia phái người đi tìm anh, hỏi anh vì sao không đến, có phải là ốm rồi không? Hay là nguyên nhân nào khác? Quan tâm như vậy đó, nên anh không thể không đến lớp. Chương Gia chính là dùng phương thức này để dạy cho học trò thế nào là từ bi.

Kỳ thực, trong văn hóa truyền thống của chúng ta, sư phụ đối đãi với đệ tử chính là như vậy. Tôi có thể dốc túi dạy bạn mọi thứ tôi có, cũng có thể một xu cũng không lấy, chỉ cần bạn xứng đáng với những gì bạn học, xứng đáng với thế giới này, vậy là đủ.

Nếu bên cạnh bạn có một người thầy như vậy, thì xin hãy nhớ trân quý duyên phận của mình.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch