Siêu trăng lần thứ hai của năm nay được mang tên Mặt trăng Xanh và sẽ xuất hiện vào ngày 31/1/2018.

Theo Space.com, hiện tượng này xuất hiện mỗi hai năm rưỡi một lần. Vì vậy, nếu bạn không thể quan sát Mặt trăng Sói vào ngày 1/1 thì cũng không nên bỏ lỡ sự kiện Mặt trăng Xanh. Bởi nếu không, bạn sẽ phải chờ đợi tới hai năm rưỡi sau mới có thể chiêm ngưỡng được.

Sự kiện sẽ xảy ra vào lúc nửa đêm. Người dân khu vực Thái Bình Dương sẽ có cơ hội quan sát tốt nhất khi phần Trái đất này hướng về phía mặt trăng vào thời điểm đó. Trung Á, Đông Á, Indonesia, New Zealand và phần lớn Australia cũng có được góc quan sát tốt vào buổi tối. Các khu vực Tây Á, tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Đông và Đông Âu sẽ có thể quan sát được khi mặt trăng lên cao.

Điều đặc biệt hơn cả, theo NASA, Mặt trăng Xanh có thể cũng sẽ diễn ra cùng với nguyệt thực toàn phần. Mặt trăng sẽ bị che khuất, chỉ còn ánh sáng mờ do Mặt trời chiếu qua khí quyển Trái đất. Chúng thường có màu đỏ do khí quyển bẻ cong ánh sáng nên còn được gọi là “Mặt trăng Máu”.

Lần nguyệt thực toàn phần cùng Mặt trăng Xanh diễn ra gần nhất vào ngày 31 tháng 3 năm 1866, cách đây đúng 152 năm. Vậy nên, đây là một sự kiện thiên văn rất đáng được mong đợi và không nên bỏ lỡ.

Hoài Anh