Trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc dự kiến sẽ rơi xuống Trái Đất trong vòng 2-3 tuần tới, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán được nơi mà mô-đun nặng tới 8,5 tấn này va chạm với mặt đất.
Các chuyên gia cho biết rất khó để xác định được nơi mà mô-đun này tiến nhập bầu khí quyển của chúng ta, có nhiều khả năng nó sẽ đáp xuống nơi nào đó ở châu Âu, Mỹ, Úc hay New Zealand.
Tổng công ty Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ ước tính Thiên Cung 1 sẽ quay lại bầu khí quyển trong tuần đầu tiên của tháng Tư, cũng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn một tuần so với mốc thời gian đó. Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết mô-đun rơi xuống trong khoảng thời gian giữa ngày 24 tháng 3 cho đến ngày 19 tháng 4.
Tuyên bố của Aerospace – một tổ chức nghiên cứu chuyên tư vấn cho chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân về du hành vũ trụ cho biết “có khả năng một lượng nhỏ các mảnh vỡ từ mô-đun còn sót lại tái nhập bầu khí quyển và va trúng trái đất”.
Tổ chức này đã cảnh báo rằng trạm không gian có thể mang theo một loại nhiên liệu có đặc tính ăn mòn và độc tố cao có tên hydrazine.
Bản báo cáo bao gồm một bản đồ cho thấy mô-đun này dự kiến sẽ rơi ở vị trí giữa vĩ độ 43° bắc và 43° nam. Khả năng rơi ở Trung Quốc, Trung Đông, trung tâm nước Ý, Tây Bắc Tây Ban Nha và các bang phía Bắc của Hoa Kỳ, New Zealand, Tasmania, các khu vực ở Nam Mỹ và Nam Phi là cao hơn so với các nơi khác trên thế giới.
Tuy nhiên, Aerospace khẳng định xác xuất các mảnh vỡ này có thể làm nguy hiểm hiểm tới tính mạng con người là rất nhỏ. Trong trường hợp xất nhất, xác xuất một người cụ thể có thể bị các mảnh vỡ của Thiên Cung 1 rơi trúng còn nhỏ hơn 1 triệu lần so với cơ hội bạn có thể trúng giải xổ số Powerball. Trong lịch sử của các chuyến bay vũ trụ, chưa từng có một ai bị thương bởi các mảnh vụn từ tàu vũ trụ khi tái gia nhập bầu khí quyển như thế này. Chỉ có duy nhất một trường hợp khi một người được báo cáo là bị một mảnh vụn va trúng nhưng rất may người phụ nữ này không bị thương.
Jonathan McDowell là nhà thiên văn học thuộc trường Đại học Harvard, ông là một người đam mê ngành công nghiệp vũ trụ. Khi nhắc đến trường hợp này của Thiên Cung 1, ông đã tỏ ra rất thận trọng. McDowell cho biết các mảnh vỡ từ một tên lửa có kích cỡ tương tự đã trở lại bầu khí quyển và rơi xuống Peru vào tháng Giêng. Ông cho biết: “Cứ vài năm lại có những vụ va chạm thế này xảy ra nhưng Thiên Cung 1 là một trạm không gian lớn và đồ sộ vậy nên tốt hơn hết chúng ta vẫn nên theo dõi nó thật sát sao.”
McDowell cho hay quá trình Thiên Cung 1 hạ cánh đã tăng tốc trong những tháng gần đây và bây giờ là khoảng 6km/tuần, so với tốc độ 1,5km/tuần vào tháng Mười năm ngoái. Rất khó để dự đoán được khi nào mô-đun có thể hạ cánh vì tốc độ của nó bị ảnh hưởng bởi “thời tiết” đang thay đổi liên tục trong không gian.
Thiên Cung 1 và phòng thí nghiệm Thiên Cung đã được giới thiệu vào năm 2011 và được mô tả là một “biểu tượng chính trị mạnh mẽ” của Trung Quốc – một phần của nỗ lực trong lĩnh vực khoa học để nước này có thể trở thành một siêu cường không gian.
Nó đã được sử dụng cho cả nhiệm vụ có người lái cũng như không người lái và đã được viếng thăm bởi phi hành gia nữ đầu tiên của Trung Quốc Liu Yang vào năm 2012.
Năm 1991, trạm vũ trụ Salyut 7 nặng 20 tấn của Liên Xô đã đâm xuống Trái đất trong khi vẫn liên kết với một tàu vũ trụ 20 tấn khác là Cosmos 1686. Hai tàu này nứt vỡ khỏi nhau ở khu vực Argentina, làm vung vãi các mảnh vụn khắp thị trấn Capitán Bermúdez.
Trạm vũ trụ Skylab nặng 77 tấn của Nasa cũng đã rơi xuống Trái đất trong một hành trình gần như hoàn toàn không kiểm soát được vào năm 1979, với một số mảnh vỡ lớn rơi xuống bên ngoài thành phố Perth thuộc miền Tây nước Úc.
Nhật Quang