Chúng là những con vật đầu tiên được đưa vào không gian với sứ mệnh lịch sử là giúp con người nghiên cứu không gian vũ trụ. Kỷ niệm 60 năm sự kiện trên, cùng nhìn lại lịch sử để xem động vật đã đóng vai trò như thế nào trong công cuộc chinh phục không gian của loài người.

Năm 1957, Laika là sinh vật sống đầu tiên được đưa lên quỹ đạo Trái đất. Nhưng chú chó xấu số đã ra đi chỉ sau 5 tiếng tàu Sputnik 2 cất cánh vì sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ và môi trường không trọng lượng.

Laika trong trang phục du hành vũ trụ trước khi được phóng lên không gian cùng tàu Sputnik 2. Nguồn: davidreneke.com

Tên tuổi Laika trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới với tư cách là sinh vật sống đầu tiên được đưa vào vũ trụ. Tuy nhiên, rất nhiều loài động vật khác đã được đưa lên tàu vũ trụ trước Laika.

Các nhà khoa học Mỹ sử dụng động vật để kiểm chứng khả năng tồn tại của sinh vật sống trong vũ trụ. Những vị khách đầu tiên là loài ruồi giấm. Chúng được phóng lên độ cao 68 dặm (tương đương 110 km) bằng một quả tên lửa Nazi V2 vào năm 1947. Những năm sau đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cố gắng thử nghiệm đưa khỉ vào không gian. Bốn con khỉ, có tên Albert I, II, III, IV lần lượt được phóng vào vũ trụ nhưng tất cả chúng đều chết.

Chú khỉ Albert I trước khi được NASA đưa vào vũ trụ. Nguồn: los primeros animales en la luna – blogger

Đến tháng 9/1951, chuyến bay đưa một con khỉ tên Yorick và 11 con chuột được các nhà khoa học tuyên bố là thành công khi được đưa vào không gian và trở về Trái đất mà vẫn còn sống. Từ thành công đó, các thí nghiệm tiếp theo được thực hiện càng tỷ mỷ và kỹ lưỡng hơn. Trong một chuyến bay khác, hai con chuột bạch Mildred và Albert được đặt trong một lồng xoay cho phép chúng tự do trôi nổi trong môi trường không trọng lượng, thay vì bị bó buộc như ở các chuyến bay trước đó.

Các nhà khoa học Liên Xô cũng tiến hành các thử nghiệm riêng của mình, đưa chuột, thỏ lên vũ trụ. Ngày 15/08/1951, Dezik và Tsygan được phóng lên quỹ đạo. Một vài cuộc thử nghiệm tiếp tục được tiến hành, trước khi cô chó Laika được đưa vào vũ trụ.

Khoang chứa Laika trên tàu vũ trụ. Nguồn: Magazín.sk – Centrum.sk

Nhắc đến chuyến bay của Laika, Martin Barstow- Giám đốc của Viện Quan sát Trái đất và Không gian ở Leicester, Anh cho biết: “Đây là bước tiến quan trọng khi hiểu biết của con người về vũ trụ rất hạn chế, Người ta không biết được liệu con người có thể tồn tại được bên ngoài vũ trụ hay không. Và Laika trở thành sinh vật tiên phong, mở đường cho công cuộc thám hiểm vũ trụ”.

Chuyến bay của Laika đã tạo tiền đề cho sự thành công của chuyến bay của nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin năm 1961. Người Liên Xô đã thử nghiệm được hệ thống cabin điều khiển, hệ thống cung cấp ô-xy, kiểm tra liệu bức xạ có gây nguy hiểm hay có ảnh hưởng gì khác đến sự tồn tại của sinh vật sống hay không.

Nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin- Người đầu tiên bay vào không gian vũ trụ. Nguồn: KhoaHoc.tv

Adilya Kotovskaya, nhà sinh vật học người Nga chính là người đã huấn luyện cô chó Laika trước khi nó được phóng lên vũ trụ. Nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện đó, bà cho biết: “Với việc bay 9 vòng quanh Trái đất, Laika xứng đáng được công nhận là nhà du hành vũ trụ đầu tiên, đã anh dũng hi sinh cho sự thành công của các chuyến thám hiểm vũ trụ sau này”.

Từ trái sang phải: Ham, con tinh tinh đầu tiên bay vào không gian; một chú chó chuẩn bị được đưa lên tàu vũ trụ. Nguồn: The Independent

Trong chuyến bay vào năm 1960, hai chú chó Belka và Strelka đã được phóng lên vào ngày 19 tháng 8 và trở lại Trái đất an toàn một ngày sau đó.

Năm 1968, Liên Xô phóng tàu vũ trụ chở hai con rùa, ruồi và sâu bột đến quỹ đạo của Mặt trăng. Ếch, mèo và nhện cũng lần lượt được thử nghiệm trong các chuyến bay vào vũ trụ. Vai trò của loài vật trong các chuyến thám hiểm chỉ kết thúc sau chuyến bay thành công chở người lên Mặt trăng năm 1969.

Rùa và nhiều động vật được con người đưa vào không gian vuc trụ. Nguồn: Internet

Thế nhưng đã có nhiều tranh cãi khi các nhà khoa học có ý định sử dụng động vật trong các chuyến bay đến thám hiểm các vùng xa của vũ trụ, ví dụ như sao Hỏa. Vì những nguy hiểm với các nhà du hành vũ trụ khi tiếp cận sao Hỏa là do mức độ bức xạ cao của hành tinh này nên các nhà khoa học Mỹ, châu Âu và Nga đều muốn dùng khỉ để thử nghiệm trước khi chính thức đưa con người lên thám hiểm sao Hỏa.

Boris Lapin, Giám đốc Viện nghiên cứu Linh trưởng ở Sochi (Nga) cho biết loài khỉ và con người có chung sự nhạy cảm đối với mức độ của các loại bức xạ. Do đó việc thử nghiệm bằng các loài linh trưởng sẽ tốt hơn so với sử dụng chó, mèo hay các loài vật khác.

Ông cho biết thêm: “Chúng ta đều biết về bức xạ và tác hại của chúng với con người và động vật. Vấn đề cần giải quyết ở đây là ở chỗ tìm hiểu lượng bức xạ với liều lượng như thế nào và thử nghiệm các hệ thống bảo vệ. Do đó, tôi không thấy lý do cần thiết để tiến hành các thử nghiệm với động vật để kiểm tra như ngày xưa. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về khoa học và có thể đo đạc cũng như thí nghiệm điều đó theo nhiều phương pháp hiện đại hơn nhiều”.

Toàn bộ 4 con khỉ Albert I, II, III, IV đều chết trước khi trở lại trái đất. Nguồn: Pinterest

Loài giun Caenorhabditis Elegan là sinh vật mới nhất được đưa lên quỹ đạo vì chúng có hệ thần kinh, cơ bắp và hệ tiêu hóa giống như con người. Chúng sẽ đến trạm ISS trong một năm tới như là một phần của thí nghiệm Molecular Muscle.

Libby Jackson, quản lý chương trình vi trọng lượng và các chuyến bay của con người của trung tâm vũ trụ Anh cho biết các cuộc thử nghiệm nhằm xác định tuổi thọ của loài giun trong vũ trụ và tác động của môi trường không trọng lượng lên chúng. Libby cho biết thêm: “Thí nghiệm sẽ giúp cho các nhà khoa học hiểu được cơ chế phản ứng của cơ quan, từ đó tìm ra biện pháp nâng cao tuổi thọ con người trên Trái Đất”.

Dù vậy, theo Julia Baines, cố vấn pháp lý khoa học của tổ chức Peta bảo vệ quyền của động vật cho biết: “Động vật không phải là các nhà du hành vũ trụ, chúng không tình nguyện như con người. Chúng không thể trở thành vật thí nghiệm, hy sinh mạng sống của chúng trong các nhiệm vụ đầy nguy hiểm và không chính đáng. Laika, cô chó đầu tiên bay vào quỹ đạo đã chết trong trạng thái hoảng loạn, đau đớn và là bài học nhắc nhở mỗi chúng ta”.

Hình ảnh chú chó Laika trên một vật lưu niệm. Nguồn: The Independent

Năm 2010, dưới sức ép của các tổ chức bảo vệ quyền của động vật, NASA tuyên bố đã từ bỏ kế hoạch thử nghiệm tác hại của bức xạ lên khỉ, sóc. Cơ quan Không gian châu Âu cũng đã từ bỏ các thí nghiệm với các loài linh trưởng, cho rằng chúng không cần thiết. Chỉ có Nga là chưa đưa ra tuyên bố gì về vấn đề này.

Động vật đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chinh phục không gian của loài người.

NASA lập luận rằng, nếu không có những thử nghiệm trên sinh vật sống trong giai đoạn đầu của công cuộc chinh phục không gian, các chương trình thám hiểm của Liên Xô và Mỹ có thể đã thất bại và phải hứng chịu những thiệt hại to lớn về con người.

“Các loài vật đã thực hiện sứ mệnh lịch sử của chúng với quốc gia của mình. Chúng đã cống hiến cả mạng sống của mình cho sự phát triển của khoa học công nghệ, mở đường cho bước tiến vĩ đại của loài người chinh phục không gian”.

Sơn Tùng