Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Thần kinh Trung Quốc đã nhân bản vô tính một nhóm năm con khỉ từ một con khỉ duy nhất. Thành công của họ đã làm phát khởi sự lên án rộng rãi từ những chuyên gia đạo đức và các tổ chức bảo vệ động vật, khi một vài gen của những con khỉ đã bị biến đổi để các nhà nghiên cứu có thể tiến hành các thí nghiệm y học trên chúng.

Các con khỉ nhân bản vô tính

BMAL1 là một gen giúp duy trì nhịp sinh học ở khỉ. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công cụ biến đổi gen CRISPR để khiến BMAL1 ngừng hoạt động. Do đó, những chú khỉ con được nhân bản vô tính hiện có nguy cơ mắc các vấn đề về nội tiết tố cao hơn, rối loạn giấc ngủ và nhiều loại bệnh khác. Trên thực tế, các con khỉ được cho là đã xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và hành vi giống như bị mắc tâm thần phân liệt.

Tiến sĩ Mu-ming Poo, Giám đốc Viện Khoa học Thần kinh Trung Quốc, đã biện minh cho việc nhân bản vô tính là điều cần thiết cho việc nghiên cứu y khoa. Vì quá trình này sẽ tạo ra những con khỉ có nền tảng di truyền thống nhất, ông cho rằng các thử nghiệm và phát triển thuốc hiện có thể được tiến hành với hiệu quả cao hơn.

Theo sau những đứa trẻ chỉnh sửa gen, Trung Quốc tiếp tục tạo ra những con khỉ nhân bản
Hai con khỉ nhân bản vô tính tại Trung Quốc. (Ảnh: YouTube)

Tiến sĩ Mu-ming Poo, Giám đốc Viện Khoa học Thần kinh Trung Quốc, đã biện minh cho việc nhân bản vô tính là điều cần thiết để phát triển y học.

“Những con khỉ nhân bản vô tính khác sẽ sớm được tạo ra… Một số trong chúng sẽ mang các đột biến gen vốn gây ra các rối loạn não người, để tạo ra các mô hình khỉ hữu ích trong việc phát triển và điều trị chứng nghiện ma túy… Với hiệu quả được cải thiện hơn, chúng tôi sẽ có thể tạo ra nhiều con khỉ nhân bản vô tính cho nghiên cứu y sinh, tương tự như các chủng chuột hiện đang được sử dụng rộng rãi”, ông nói trong một tuyên bố ( News.Com.Au ).

Không có gì đáng ngạc nhiên, khi các thí nghiệm này đã bị các nhóm bảo vệ động vật chỉ trích, bởi họ cho rằng chúng đã đặt ra một tiền lệ mà rốt cục sẽ dẫn đến việc nhân bản vô tính quy mô lớn hơn nữa các loài động vật nhằm mục đích bị tra tấn nhân danh khoa học. Một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về khả năng một ngày nào đó con người cũng có thể bị nhân bản vô tính cho các thí nghiệm như vậy, nhằm mục đích “nghiên cứu phát triển các loại thuốc tốt hơn”.

Biến đổi gen người

Việc tuân thủ các quy định về đạo đức và khoa học của Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi gen là khá sơ sài. Năm ngoái, nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê đã gây ra một cơn bão trong cộng đồng khoa học quốc tế khi thông tin lộ ra cho thấy ông đã biến đổi gen của hai đứa bé. Cha mẹ của những đứa trẻ này trước đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Hạ Kiến Khuê cho biết ông ta đã thay đổi DNA của các em bé để chúng không bị lây truyền HIV từ cha mẹ.

Ngay sau vụ việc này, ông Hạ đã sớm bị buộc tội phá vỡ ranh giới đạo đức của khoa học và ông ta được cho là đang bị chính phủ Trung Quốc quản thúc tại gia, theo sau sự dậy sóng từ cộng đồng quốc tế.

Theo sau những đứa trẻ chỉnh sửa gen, Trung Quốc tiếp tục tạo ra những con khỉ nhân bản
Ông Hạ Kiến Khuê bị buộc tội đã phá vỡ ranh giới đạo đức của khoa học và chính phủ Trung Quốc được cho là đã đưa ông vào quản thúc tại gia. (Ảnh: YouTube)

“Nếu để tôi xử lý vấn đề này, tôi sẽ không bao giờ nói với [cặp song sinh] rằng chúng đã bị biến đổi gen và cho phép chúng sống một cuộc sống bình thường như bao người khác. Tôi nghĩ rằng điều đó là tốt nhất … khi cánh cửa biến đổi gen rộng mở, loài người sẽ kết thúc. Khoa học công nghệ hiện rất mạnh, nhưng sự thật kinh hoàng là bất cứ ai được đào tạo một chút trong phòng thí nghiệm đều có thể thực hiện nó được”, ông Shao Feng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Sinh học Quốc gia, nói trong một tuyên bố ( South China Morning Post ).

Một cuộc điều tra về vấn đề này cho thấy ông Hạ đã đi ngược lại lệnh cấm của chính phủ và sử dụng các chứng nhận xét duyệt đạo đức giả để tiến hành thí nghiệm này. Dự kiến ​ông sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc cho các vi phạm liên quan, có khả năng sẽ bị kết án tử hình. Các em bé đang được theo dõi y tế để xác định xem liệu chúng có phát triển bất kỳ tác dụng phụ nào do hệ quả của việc biến đổi gen hay không.

Các trường hợp khỉ nhân bản vô tính và các em bé được biến đổi gen là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc không thắt chặt khía cạnh đạo đức trong việc phát triển khoa học tại nước này. Với việc chế độ cầm quyền đang tập trung mạnh mẽ vào việc duy trì quyền lực mà ít quan tâm đến quyền con người hoặc động vật, có khả năng rất nhiều thí nghiệm tương tự sẽ được tiến hành ở các cơ sở chưa được biết đến khác ở Trung Quốc.

Theo Vision Times
Quang Hải biên dịch