Mưa đá là hiện tượng khá quen thuộc đối với chúng ta, dù chúng không xảy ra thường xuyên như mưa rào. Bạn đã từng thắc mắc vì sao lại xuất hiện mưa đá và nguyên nhân đằng sau là gì chưa?

Vào cuối mùa đông và trong mùa hè, khi nhiệt độ không khí lên cao, những cơn mưa thường quăng xuống mặt đất vô số hạt băng hình cầu, hình côn và các hình dạng khác. Người ta gọi chúng là mưa “đá”. Vậy mưa đá là gì?

Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ 5 mm đến hàng chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối. Nước bị đóng thành viên băng nhỏ trước khi rơi xuống đất. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào.

Hiện tượng mưa đá. (Ảnh: vov.vn)

Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Nguyên nhân là do sự bất ổn định trong không khí khi 2 luồng khí nóng và lạnh tiếp xúc với nhau, ở những nơi có khí hậu nóng bức vào ban ngày và lạnh vào ban đêm dễ xảy ra hiện tượng mưa đá hơn. Sự đối lưu của không khí càng bị kích thích do xung đột giữa 2 luồng khí nóng và lạnh.

Vào mùa nóng ẩm, hàm lượng hơi nước trong không khí rất cao. Khí quyển ở tầng thấp nhận được nhiều nhiệt năng sẽ nóng lên, hình thành cột không khí dưới nóng trên lạnh, rất không ổn định. Lúc này hiện tượng đối lưu mãnh liệt phát sinh, tạo ra những đám mây vũ tích có khả năng gây mưa đá.

Tại tầng khí quyển cao hơn, nhiệt độ của những đám mây là – 20oC và hơi nước bốc lên từ tầng thấp sẽ đóng băng,  ngày càng tăng khối lượng và rơi xuống, mặc dù trên đường rơi xuống đã tan dần thành mưa nhưng trong điều kiện có 1 lớp không khí lạnh xen giữa làm các giọt nước đã tan ra đóng băng trở lại. Thêm phần hơi nước bốc lên từ dưới sẽ bị đông lại khi gặp không khí lạnh tích góp làm tăng kích thước cho viên đá và khi đủ nặng nó sẽ rơi xuống thành mưa đá.

Cơ chế xuất hiện mưa đá. (Ảnh: Pinterest)

Khi có sự thay đổi nhiệt độ từ trung bình tới thấp trên quãng đường hạt mưa rơi từ trên cao, cụ thể là khi mưa rơi qua một lớp không khí lạnh có nhiệt độ dưới nhiệt đông đặc của nước là 0°C, lớp không khí này nằm ở độ cao khác nhau sẽ có những hiện tượng mưa khác nhau.

Mưa đá xuất hiện khi lớp không khí này cách mặt đất khoảng từ 900 – 1200m, nếu vượt qua độ cao này thì xảy ra hiện tượng tuyết rơi và khi ở dưới độ cao này thì sẽ có mưa băng.

(Ảnh: meteoweb.eu)

Mưa đá thường hay xuất hiện vào mùa hè khi nhiệt độ lên cao, còn mùa đông thì hiếm khi hiện tượng này xảy ra, dù những hôm giá rét nhất cũng không bao giờ có mưa đá. Lý do đằng sau hiện tượng ngược đời này là bởi sự chênh lệch nhiệt độ không khí đáng kể ở độ cao khoảng 4km so với mặt đất, dưới nóng trên lạnh. Phần không khí phía dưới nóng góp phần làm cho hơi nước bốc hơi nhiều, độ ẩm trong không khí tăng, phía trên thì lạnh góp phần đóng băng hơi nước sau khi ngưng tụ và tích thêm cho viên nước đá đủ nặng để rơi xuống thành mưa đá.

Mưa đá thường kéo dài khoảng 10-20 phút trường hợp dài nhất được ghi nhận lên đến 30 phút với những viên đá có kích thước và hình dạng hoàn toàn khác nhau, với vận tốc tương đối lớn khi rơi xuống, mưa đá gây thiệt hại  không nhỏ đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người.

Sơn Tùng