Rất nhiều người đã nghĩ đến việc kỷ niệm ngày lễ Giáng Sinh bằng việc quay trở lại các lễ hội truyền thống vốn mang đậm nét tâm linh hơn ngày nay, nhưng một người đàn ông đã đẩy việc này lên một tầm cao mới, khi quyết định tiến hành một cuộc hành hương thời Trung Cổ dọc Anh Quốc. Ông hiện đang sống và hành hương như họ đã làm vào thế kỷ 14, khi cuốc bộ và chỉ sử dụng quần áo và trang thiết bị mang tính tạm thời. Cuộc hành hương của ông thậm chí đã nhận được sự chúc phúc của Giáo hoàng Francis.

Steven Payne, cựu giáo viên vật lý đang tái hiện lại một cuộc hành hương có niên đại 700 năm tuổi. Ông đã khởi hành từ công viên Mayflower ở Southampton đến Canterbury bằng chân, chỉ mang theo mình bộ quần áo và các vật dụng có thể tìm thấy vào thế kỷ 14. Cuộc hành hương theo dự kiến sẽ kéo dài trong 2 tuần. Trong khoảng thời gian đó ông sẽ cuốc bộ dọc nước Anh, và ngủ ngoài trời hay trong các công trình được xây dựng vào khoảng năm 1365, với “chỉ một tấm áo choàng len bảo vệ và món thịt hươu nướng với cách chế biến từ thời trung cổ”, kênh BBC cho hay.

Cựu giáo viên vật lý Steven Payne. Tất cả trang phục và thiết bị của ông đã được làm thủ công như vào năm 1365. (Ảnh: Steven Payne)
Cựu giáo viên vật lý Steven Payne. Tất cả trang phục và thiết bị của ông đã được làm thủ công như vào năm 1365. (Ảnh: Steven Payne)
Ông Payne sẽ không trú trong lều mà sẽ ngủ ngay bên dưới lớp áo choàng hay trong các công trình được xây dựng vào năm 1365. (Ảnh:Steven Payne)
Ông Payne sẽ không trú trong lều  mà sẽ ngủ ngay bên dưới lớp áo choàng hay trong các công trình được xây dựng vào năm 1365. (Ảnh:Steven Payne)

Theo kế hoạch, ông sẽ đến nhà thờ Canterbury vào ngày lễ Giáng Sinh, và chuyến hành trình của ông sẽ kết thúc vào ngày 29/12.

Lần tìm những bước chân thời Trung Cổ

Chuyến hành hương của ông Payne sẽ đi lại lộ trình của Coluccio de Carrara, một giáo viên người Ý vào thế kỷ 13, người cũng đã khởi hành trong cùng ngày vào năm 1365 sau khi dong thuyền từ Florence (Ý) đến Southampton (Anh).

Một phần trong những bước chuẩn bị của ông Payne là viết một lá thư gửi đến Giám mục thành phố Portsmouth (Anh) và Tòa thánh Vatican (Ý), thông báo với họ về hành trình dự kiến của ông, kênh BBC cho biết. Trước sự ngạc nhiên của ông Payne, Giáo hoàng Francis đã gửi một bức thư phản hồi, trong đó Giáo hoàng chúc ông thành công.

Ông Payne chia sẻ với kênh BBC, “Tôi khá ngạc nhiên, ông [Giáo hoàng] không thường viết thư cho tôi”.

Bức thư phản hồi của Giáo hoàng Francis, trong đó ông bày tỏ sự ủng hộ trước dự định của ông Payne. (Ảnh: Steven Payne)
Bức thư phản hồi của Giáo hoàng Francis, trong đó ông bày tỏ sự ủng hộ trước dự định của ông Payne. (Ảnh: Steven Payne)

Toàn văn bức thư của Giáo hoàng Francis:

Steven Payne thân mến,

Bức thư đề nghị của con vào ngày 15/11/2015 đã được tiếp nhận.

Ta gửi lời chúc phúc cho con trong cuộc hành trình. Con sẽ được ghi nhớ trong lời cầu nguyện của chúng ta đến Chúa.

Giáo hoàng Francis

Điện Tông Tòa

Thành Vatican

19/11/2015

————————

“Tôi khá ngạc nhiên, ông [Giáo hoàng] không thường viết thư cho tôi”.

-Cựu giáo viên vật lý Steven Payne

Ông Payne nói rằng bức thư phản hồi từ tòa thánh Vatican này có thể trở nên khá thuận tiện nếu ông cần một chỗ trú ẩn về đêm tại các nhà thờ hay di chỉ tôn giáo.

Trang phục, lương thực và đồ tiếp tế mang tính tạm thời

Lịch trình của chuyến hành hương là thành quả của nhiều tháng nghiên cứu.

Tất cả mọi thứ, “từ quần trong cho đến chiếc mũ, đều là các trang phục từ giai đoạn giữa thế kỷ 14”, ông Payne nói, và chúng được tái tạo dựa trên các vật phẩm được tìm thấy trên người một thi thể vùng đầm lầy ở Scandinavia.

Ông được cho là đã gói ghém ít đồ đạc, chủ yếu dựa vào trang phục và lương thực tạm thời. Ông mặc một chiếc áo choàng nặng, bằng len chống nước cùng một bộ quần áo mang tính tạm thời. Ông mang theo bên mình bánh xà phòng làm từ tro gỗ và dầu ô-liu, cũng như một khối phèn để khử mùi. Ông có một viên đá lửa và miếng sắt để tạo lửa. Lương thực của ông gồm có nước, táo khô, bánh yến mạch mật ong, một vài miếng quế và hạt, cùng rượu gừng không cồn – tất cả các vật phẩm của những người hành hương vào thời đó.

Ông Payne, một người hành hương thời hiện đại, đã gói ghém các thực phẩm mang tính chất tạm thời. (Ảnh: Steven Payne)
Ông Payne, một người hành hương thời hiện đại, đã gói ghém các thực phẩm mang tính chất tạm thời. (Ảnh: Steven Payne)

Để đảm bảo an toàn, ông cũng mang theo mình một chiếc điện thoại di động để ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp, cũng như một chiếc máy iPad để ghi chép lại các sự kiện trong hành trình của ông. Một chiếc bánh mince pie nhỏ (một món quà Giáng Sinh tương đối hiện đại) cũng được bao hàm trong đó.

Các cuộc hành hương thời Trung Cổ

Nhà thờ Chính tòa Canterbury, một di chỉ hành hương nổi tiếng ở Kent, Anh (quang cảnh nhìn từ hướng tây bắc, chụp trong khoảng giai đoạn 1890–1900). Nhà thờ này được xây dựng ban đầu vào năm 596 SCN. (Ảnh: Wikipedia)Nhà thờ Chính tòa Canterbury, một di chỉ hành hương nổi tiếng ở Kent, Anh (quang cảnh nhìn từ hướng tây bắc, chụp trong khoảng giai đoạn 1890–1900). Nhà thờ này được xây dựng ban đầu vào năm 596 SCN. (Ảnh: Wikipedia)

Vào thời Trung Cổ, có nhiều người thường thực hiện các chuyến hành hương, hay các cuộc hành trình tâm linh, đến các di chỉ tôn giáo. Người ta tin rằng lời cầu nguyện tại điện thờ hay nhà thờ có thể giúp xoa dịu sự đau khổ hay tiêu trừ các tội lỗi. Trang web về lịch sử Spartacus Educational viết, “Những người giàu có đôi lúc còn thích trả tiền cho người khác để đi hành hương giúp họ. Lấy ví dụ, vào năm 1352, một thương nhân ở London đã trả một người đàn ông £20 để thực hiện một cuộc hành hương đến núi Sinai (ở Ai Cập)”.

Các cuộc hành hương đôi lúc chỉ là các sự kiện mang tính địa phương, hoặc chúng có thể là những cuộc hành trình mang ý nghĩa lịch sử, băng qua cả biển cả và đất liền. Những cuộc hành trình như vậy, đôi lúc khá nguy hiểm, đã được dựng lên như một bài kiểm tra đức tin của những người hành hương. Các chuyến hành hương thời Trung Cổ là một cách sống, và lúc ban đầu chúng là một loại hoạt động sẽ mang những người hành hương đến các di chỉ Công giáo có liên hệ với cuộc đời Chúa Giê-su—đặc biệt là các điểm đến trên vùng Đất Thánh như Jerusalem, Nazareth, và Bethlehem, nằm cách Châu Âu khoảng 4800 km. Khi thời gian dần trôi, các địa điểm hành hương được dịch chuyển lại gần hơn với quê nhà với các hoạt động như tham quan các thánh tích và nơi chốn của những người tử vì đạo hay các vị thánh, và trở thành những ngày nghỉ lễ đầu tiên của người Trung Cổ.

Những người hành hương di chuyển với hành trang gọn nhẹ, mặc những bộ trang phục khiêm tốn mà thông qua đó người ta có thể biết rõ họ là một người hành hương, bao gồm mũ vành rộng, một cây gậy hay ba tong, một chiếc áo choàng, và một chiếc túi hoặc bao tải bên trong đựng các cuốn sách tôn giáo. ‘Đồng phục’ của những người hành hương giúp họ dễ dàng xin tá túc ở những khu nhà ở hay quán trọ, hay được đảm bảo một sự an toàn tương đối trên đường đi. Một cái kẹp hay huy hiệu bằng chì từ điểm đích sẽ được đeo trên đường trở về nhà nhằm minh chứng cho một cuộc hành trình thành công.

Các tấm huy hiệu bằng chỉ như trên đã từng được những người hành hương mua mang về như quà kỷ niệm của những di tích tôn giáo họ từng ghé thăm. Lúc đầu các mảnh huy hiệu này có những cái móc ở trên và dưới để người hành hương có thể khâu chúng vào một mũ hay áo choàng. [Trái] Huy hiệu thánh Adrian. (Ảnh: Wikimedia) [Phải] Huy hiệu của một vị thánh chưa rõ danh tính. (Ảnh: Wikimedia)Các tấm huy hiệu bằng chỉ như trên đã từng được những người hành hương mua mang về như quà kỷ niệm của những di tích tôn giáo họ từng ghé thăm. Lúc đầu các mảnh huy hiệu này có những cái móc ở trên và dưới để người hành hương có thể khâu chúng vào một mũ hay áo choàng. [Trái] Huy hiệu thánh Adrian. (Ảnh: Wikimedia) [Phải] Huy hiệu của một vị thánh chưa rõ danh tính. (Ảnh: Wikimedia)

Những người hành hương sẽ gói ghém các loại lương thực có thể cầm tay và không bị hỏng hóc trong cuộc hành trình. Thịt sẽ được ướp muối hay hun khói, hoặc thậm chí được mang theo khi vẫn còn sống, để cắt xẻ trên đường. Cá bắt dưới sông sẽ được nấu chín và dùng ngay, hay được phơi khô và ướp muối trước, hoặc thậm chí được chế biến thành một loại bánh cầm tay. Bữa tối hàng ngày có thể bao gồm hoa quả, các loại quả hạch, pho mai, bánh mỳ cứng, và rượu vang gia vị.

Tranh miêu tả những người hành hương ở Châu Âu thời Trung Cổ. (Ảnh: Wikimedia)
Tranh miêu tả những người hành hương ở Châu Âu thời Trung Cổ. (Ảnh: Wikimedia)

Sinh sống như trong quá khứ

Những thú vui tiêu khiển như vậy là các thí nghiệm tuyệt vời để hiểu được sự gian khổ và niềm vui của cuộc sống vào những niên đại xa xưa.

Năm ngoái, một người chàng trai 24 tuổi người Nga đã sống một mình trong 8 tháng trong vùng rừng hoang vu băng giá của nước Nga như một ẩn sĩ từ thế kỷ 10, như một phần của một thí nghiệm xã hội. Pavel Sapozhnikov đã sinh sống giống như tổ tiên của anh vào hơn 1000 năm trước.

Anh Sapozhnikov tu sửa ngôi nhà của anh bên trong trang trại. (Ảnh: EAST2WEST)
Anh Sapozhnikov tu sửa ngôi nhà của anh bên trong trang trại. (Ảnh: EAST2WEST)

Anh Sapozhnikov đã sinh sống trong một ngôi nhà trang trại giống hệt như vào thế kỷ 10 trong một khu rừng phát quang cách thủ đô Moscow 75 km về phía bắc. Với sự trợ giúp từ các nhà khảo cổ học, trang trại đã được dựng lên sử dụng chỉ các nguyên vật liệu và kỹ thuật từng được người Nga cổ đại sử dụng.  Ví như những ngọn đèn dầu hạt lanh, những chiếc giường gỗ, những bộ quần áo và ga trải giường làm từ lông thú và một cuốn lịch được cào lên bức tường ngôi nhà. Anh Sapozhnikov chỉ được phép rời khỏi khu vực quây rào của trang trại để săn bắt và tìm kiếm thức ăn, bị cấm tất cả các loại hình giao tiếp, và chỉ được cung cấp các công cụ sinh hoạt có vào thời cổ đại ở Nga.

Những chuyến hành hương và thử nghiệm như vậy đã đưa ra ánh sáng cái thực tại của việc sinh sống vào những niên đại ít tiện nghi và nhiều gian khổ hơn trước đây, và cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết tốt hơn về cuộc sống của tổ tiên.

Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: