Một bom tấn trong giới khảo cổ học, phát hiện cho thấy con người đã có mặt ở Mỹ từ rất xa xưa, khác hẳn giới khoa học từng biết.
Trong một thông báo mới đây do tạp chí National Graphic công bố ngày 26/4, các nhà nghiên cứu nói rằng họ đã tìm ra những dấu hiệu của con người cổ đại ở bang California từ 120.000 – 140.000 năm trước, cách xa hơn 100.000 năm so với thời điểm mà giới khoa học từng biết đến.
Nếu đây là sự thật thì lịch sử loài người phải viết lại.
Trưởng nhóm nghiên cứu Tom Deméré, nhà khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên San Diego, trưởng nhóm nghiên cứu, đã mô tả nghiên cứu của họ trên tạp chí Nature: “Tôi nhận ra rằng 130.000 năm là thực sự rất xa xưa và đây là địa điểm khảo cổ học lâu đời nhất ở Mỹ. Tất nhiên, những tuyên bố bất thường như thế này cần chứng cứ bất thường”.
Rõ ràng hơn, nhóm nghiên cứu không tìm thấy xương người cổ đại. Nhưng họ thấy chứng cớ khác: một bộ xương voi cổ đại, các mảnh xương vỡ và một vài hòn đá lớn, cho thấy đây là một điểm “chế tác xương voi”, trong đó những người cổ đại đã dùng đá đập xương voi để làm mũi tên hoặc để dùng làm các vật liệu khác.
Địa điểm khai quật cho thấy con người tồn tại từ 130.000 năm trước. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử San Diego)
“Theo hiểu biết hiện nay, con người có mặt ở Mỹ chỉ khoảng 12.000-14.000 năm trước. Vì vậy đây là sự khác biệt rất rất lớn”, theo John McNabb, nhà khảo cổ của Đại học Southampton.
Dưới đây là một số thông tin về phát hiện chấn động này:
Địa điểm khảo cổ và cách phát hiện
Địa điểm khảo cổ được phát hiện vào năm 1992, khi một máy xúc đào được những mảnh xương lớn trong lúc làm con đường số 54 của bang California đi qua quận San Diego (Mỹ).
Sở Giao thông California yêu cầu các nhà khảo cổ thực hiện khai quật. Lúc đó ông Demété và các nhà khảo cổ đã khoanh vùng khu vực và bắt đầu khai quật. Ngay từ đầu họ đã bất ngờ khi thấy các tảng đá lớn vùng với các mảnh xương xung quanh, và cách bố trí khác thường của xương voi ở đó. Một trong các ngà voi được cắm dựng đứng ở đó.
Xương voi cổ đại bị đập vỡ từ 130.000 năm trước. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử San Diego)
Tại sao phát hiện vào năm 1992 nhưng đến nay mới công bố?
Điều khó khăn chính là khó xác định chính xác thời gian của nơi này. Đến năm 2011, 2012, các nhà khoa học mới tìm ra được tuổi của xương voi cổ, dựa theo số lượng phóng xạ và hóa học còn lại bên trong.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu này cũng có nhiều dự án khác đang theo đuổi. Sau khi viết bản báo cáo ngắn gọn vào năm 1995 cho Sở Giao thông California, Demete chuyển sang một dự án nghiên cứu khác. Không những thế những bình luận online còn muốn “đình bản” báo cáo năm 1995 của Demete. Ông kể lại: “Họ nói rằng chưa ai từng nói điều đó, hãy quên điều này đi. Đó chỉ là vớ vẩn”.
Vậy có phát hiện gì mới?
Đầu tiên là các viên đá được phát hiện ở đây giống như một dạng công cụ của người cổ đại, dùng để đập hoặc mài xương voi. Các viên đá này khác với các cấu tạo đá xung quanh điểm khảo cổ, mà được mang từ nơi khác đến.
Ngoài ra, các mảnh xương voi bị vỡ từ khi còn mới, không phải bị vỡ bởi quá trình tự nhiên. Đồng thời các mảnh vỡ cho thấy dấu vết giống như các hòn đá tác động lên.
Nhưng một số nhà khoa học vẫn đặt câu hỏi: “Vậy ai đã mang các hòn đó này đến và từ đâu?”
Cận cảnh loại đá công cụ phát hiện từ 130.000 năm trước. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử San Diego)
Nếu đó là đá công cụ, vậy có phải do con người?
Con người không phải loài duy nhất sử dụng công cụ. Khoảng 4.000 năm trước, loài tinh tinh ở Bờ Biển Ngà đã dùng đá để đập vỡ các loại hạt. Và ở Brazil có loại khỉ dùng đá đập hạt điều trong hàng trăm thế hệ.
Nhưng những phát hiện mới tại California này lại có niên đại quá xa, từ 130.000 năm trước, và các viên đá ở đây nặng đến 13kg, lớn hơn nhiều so với các loài khác dùng.
Dorothy Fragaszy, nhà nghiên cứu của Đại học Georgia, nói: “Tôi đồng ý là nếu có đá công cụ ở đó thì là do con người đã dùng”.
Dương Lương
Xem thêm: