Dựa trên các bằng chứng khảo cổ, các nhà nghiên cứu cho rằng có tồn tại một tượng Nhân sư thứ hai tại Cao nguyên Giza.

“Người Ai Cập cổ đại không phải là những người duy nhất đề cập đến sự tồn tại của bức tượng Nhân sư thứ hai, mà còn cả người Hy Lạp, La Mã và Hồi giáo nữa”

– Nhà khảo cổ Michael Poe

Được vùi lấp dưới hàng tấn đá và cát, ẩn mình dưới cao nguyên Giza là một trong những bí ẩn lớn nhất của Ai Cập cổ đại. Bức tượng nhân sư thứ hai trên cao nguyên Giza, một tượng đài cổ xưa đi kèm bức tượng thứ nhất mà hiện vẫn còn đứng sừng sững giữa sa mạc bao la quanh năm gió cát.

tượng nhân sư thứ hai Ai Cập
Bức tượng Nhân sư lớn trên Cao nguyên Giza. Nhưng liệu đây có phải là bức tượng duy nhất? Ảnh: theepochtimes.com

Tượng nhân sư thứ hai dường như đã biến mất dưới những hoàn cảnh kỳ lạ, nhưng vẫn để lại cho chúng ta những chi tiết cho thấy nó cũng rất thực như bức Tượng nhân sư lớn đang đứng gần các kim tự tháp ngày nay.

Đây không phải là một tuyên bố tùy tiện, mà là kết luận của nhiều nhà Ai Cập học, sử học sau hàng thập kỷ nghiên cứu.

Nhưng dựa vào đâu để nói rằng có một bức tượng nhân sư thứ hai tại cao nguyên Giza?

Trước tiên, khi bàn đến lịch sử của Ai Cập cổ đại, và các tượng Nhân sư đã được tìm thấy trên khắp Ai Cập, bạn luôn tìm thấy bằng chứng về tính cặp đôi, và tất cả các tượng nhân sư khác được tìm thấy ở Ai Cập đều đi thành cặp. Vì vậy trên thực tế tượng Nhân sư trên cao nguyên Giza, nếu đứng một mình như vậy, thì có thể được coi là một điểm dị thường.

Cũng vậy, trong truyền thuyết sáng thế của người Ai Cập cổ đại, thần Atum tối cao đã hạ sinh con trai tên Shu và con gái Tefnut. Hai người con này có hình dạng của một con sư tử đực và một con sư tử cái.

tượng nhân sư thứ hai Ai Cập
Shu và Tefnut. Ảnh: landofpyramids.org

Bên cạnh đó, người Ai Cập còn tin rằng, vào thời điểm hoàng hôn, mặt trời sẽ du hành vào bên trong một đường hầm trong lòng Trái Đất và nổi lên ở đầu bên kia đường hầm lúc bình minh. Hai đầu đường hầm được canh gác bởi hai vị thần, được khắc họa dưới dạng hai con sư tử riêng biệt hoặc hợp nhất phần đuôi, mắt nhìn về phía đối diện.

Những tư liệu phác họa miêu tả điều này có rất nhiều. Chẳng nói đâu xa, chính ngay ở giữa hai chân bức tượng Nhân sư lớn hiện tại, có đặt tấm bia “Giấc mơ Stela”, bên trên khắc họa rõ ràng hai bức tượng nhân sư, một nam một nữ.

tượng nhân sư thứ hai Ai Cập
Tấm bia Giấc mơ Stela được đặt giữa 2 chân trước của tượng Nhân sư hiện tại. Ảnh: ecoev.us
tượng nhân sư thứ hai Ai Cập
Ảnh: cothechuabiet.com

Theo nhà nghiên cứu Gerry Cannon, cũng giống như người Trung Quốc xem chú chó là linh vật canh giữ trung thành, người Ai Cập cổ đặt đôi tượng sư tử ở cửa hầm mộ, đền thờ để bảo vệ những nơi này khỏi ma quỷ.

Vậy điều gì đã xảy ra với bức tượng nhân sư thứ 2?

Có thể nó được chôn vùi dưới lớp cát sa mạc, tại gò đất trước một kim tự tháp Ai Cập trên cao nguyên Giza, khá gần bức tượng Nhân sư lớn, theo giả thuyết được nhà nghiên cứu Gerry Cannon đưa ra trong cuốn “Tiết lộ bí mật cao nguyên Giza và tượng Nhân sư thứ hai”.

tượng nhân sư thứ hai Ai Cập
Vị trí gò đất bí ẩn có thể đang chôn vùi một công trình chạm khắc khổng lồ. (Ảnh: Ancient Origins)

Giả thuyết về tượng Nhân sư thứ 2 không chỉ được dựa trên bằng chứng tài liệu dựa trên các phân tích văn bản và biểu tượng tượng trưng của người Ai Cập cổ đại. Nhà nghiên cứu El Shammaa cũng đã cung cấp bằng chứng hiện trường dựa trên kết quả phân tích ảnh chụp mới nhất của NASA, cụ thể là dựa trên số liệu phân tích mật độ các lớp địa chất tạo thành bề mặt và các công trình trên cao nguyên Giza. Quan sát bức ảnh chụp dưới đây, chúng ta có thể thấy trong khu vực có một cấu trúc mà NASA tô màu vàng, có thể là dấu vết của tượng Nhân sư thứ 2.

tượng nhân sư thứ hai Ai Cập
Ảnh: Ancient Code

Bên cạnh niềm tin cho rằng lúc ban đầu có hai bức tượng Nhân sư tọa lạc trên cao nguyên Giza, các nhà nghiên cứu còn phát hiện thêm một số điều thú vị xoay quanh công trình này.

Họ nhận định rằng các bức tượng Nhân sư này đều phải được khắc từ đá tự nhiên, từ rất lâu trước khi sa mạc cát phủ chùm lên khu vực, có nghĩa là các tượng nhân sư phải được chạm khắc khi khu vực này có khí hậu ôn đới hoặc phì nhiêu, bởi khi có cát sa mạc thì không thể tiến hành chạm khắc tượng.

Và trên thực tế, vào khoảng hơn 10.000 năm trước, sa mạc Sahara – sa mạc lớn nhất thế giới nơi Ai Cập tọa lạc – từng là một đồng cỏ xanh màu mỡ, thay vì có khí hậu khô cằn như ngày nay. Đó là thời điểm sớm nhất hai tượng Nhân sư có thể được tạo tác, nhưng lúc đó nền văn minh Ai cập chưa xuất hiện. Do đó hẳn là hai tượng Nhân sư này thuộc về một nền văn minh tiền sử trước thời Ai Cập cổ đại. Họ sở hữu một nền công nghệ tiên tiến vượt xa cả những gì con người có hiện nay, một điều mà những người tôn sùng thuyết tiến hóa không cách nào giải thích được.

Quý Khải