Trong cảnh tượng hoang tàn sau 3 trận siêu bão khủng khiếp đánh vàonước Mỹ, người ta đều nhìn thấy những bức tượng Đức mẹ Mary đứng vững chãi và trang nghiêm, như thể đang nhắn nhủ một thông điệp nào đó.
Năm 2005, cơn bão Katrina đổ bộ vào Bờ Đông nước Mỹ. Được ghi nhận ở cấp độ 5 (cấp độ lớn nhất), đây là trận bão nhiệt đới mạnh thứ 3 trong lịch sử nước này.
Trong khung cảnh hoang tàn đổ nát của một trong những trận bão lớn nhất lịch sử, ở đâu đó trong một vài khu dân cư, người ta đã lác đác nhìn thấy những cảnh tượng kỳ lạ – những bức tượng Đức mẹ Mary đứng vững chãi trong khung cảnh tiêu điều.
Năm 2012, bão Sandy đổ bộ vào bờ đông Khu vực Bắc và Trung Mỹ, càn quét vùng bờ biển hoặc gây ảnh hưởng đến 8 nước trong khu vực. Chỉ tính riêng tại Mỹ, cơn bão này đã gây thiệt hại đến 22 tiểu bang. Là cơn bão cuồng phong cấp độ 3, với sức gió mạnh nhất lên đến 185 km/h, bão Sandy đã cướp đi tính mạng của hơn 200 người. Với tổng thiệt hại ước tính lên đến 68,7 tỷ USD, đây là cơn bão gây thiệt hại lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ.
Tại khu dân cư Breezy Point ở quận Queens, New York, vào quãng thời gian trận bão quét qua, một vụ chập điện đã khơi mào một đám cháy trong khu vực. Nhờ sức gió mãnh liệt của của cơn bão, đám cháy lan rất nhanh, thiêu rụi cả một vùng. Cùng lúc, trận lụt gây ra do bão đã phong bế khu dân cư, ngăn trở đội cứu hỏa tiếp cận khu vực để chữa cháy. Hậu quả là một bi kịch lửa thiêu bị gây ra gián tiếp do bão Sandy. Và đây là quang cảnh tại khu vực sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra.
Cũng giống với trận bão Katrina, trong đống đổ nát do lửa thiêu rụi, còn sót lại một bức tượng Đức mẹ Mary vẫn đứng vững chãi, nguyên vẹn không hề suy suyển.
Hình ảnh bức tượng Đức Mẹ tại Breezy Point này đã nhanh chóng lan nhanh khắp nước Mỹ, thậm chí cả thế giới, thông qua những bức tin ảnh sống động. Nhiều người dân đã hành hương đến đây để dâng đồ lễ: một bó hoa hồng màu vàng, đồng xu 25 cent, nến, …
Bức tượng sau này đã trở thành một biểu tượng tâm linh của trận siêu bão. Nó đã được chuyển vào bên trong một nhà thờ lân cận, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Năm 2017, bão Harvey đổ bộ vào nội địa Hoa Kỳ. Được đánh giá là cơn bão cấp độ 4, có thời điểm sức gió mạnh nhất được ghi nhận lên đến hơn 200 km/h. Bão Harvey đã gây thiệt hại tổng cộng 125 tỷ USD, là cơn bão cuồng phong nhiệt đới gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử.
Cũng như các cơn bão khác, bão Harvey quét qua đâu, khu vực đó nhanh chóng bị san bằng thành bình địa. Và tại đây, người ta cũng bắt gặp 2 bức tượng Đức Mẹ Mary – những vật thể duy nhất còn nguyên vẹn trong khung cảnh thê lương, u tịch.
Katrina, Sandy và Harvey đều là những cơn bão mạnh nhất nhì trong những thập kỷ gần đây. Với sức gió mạnh đến hàng trăm km/h và những cơn mưa dông với sức nước cuồn cuộn, rất nhiều ngôi nhà đã đổ, nhưng chúng vẫn không thể làm suy suyển được những bức tượng kia.
Mà những trường hợp như vậy hoàn toàn không phải hiếm. Lấy một ví dụ về một trường hợp bên ngoài nước Mỹ, tại một doanh trại quân đội ở Tây Ban Nha. Một ngọn lửa bốc lên đã thiêu rụi tất cả, chỉ ngoại trừ duy nhất bức tượng Đức mẹ Mary đứng giữa một khu vườn trống – tàn tích còn lại sau thảm họa. Không những thế, ngọn lửa còn không xâm phạm khu vực xung quanh tượng, mà bên trong đặt các bình hoa – một phép lạ rõ ràng.
Bức tượng đứng vững trong siêu bão – lời cảnh tỉnh với thế nhân?
Ngày nay, người ta biết đến Mỹ quốc như một siêu cường số 1 thế giới, đi đầu trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự … Tuy nhiên, có thể không nhiều người biết rằng, nước này còn có một điểm rất đặc trưng, một nhân tố không thể thiếu cấu thành nên bản sắc của một quốc gia hùng cường – một xã hội được kiến lập dựa trên nền tảng đức tin sâu sắc.
Một trong những yếu tố làm nên nước Mỹ là người Mỹ tin vào những giá trị tâm linh sâu xắc, vượt xa vật chất hiện thực như cách mà họ khẳng định trên tờ tiền của mình: “In God we trust – Chúng tôi tin vào Chúa”.
Tuy nhiên, có vẻ như, qua thời gian, sự phát triển mạnh mẽ theo dòng chảy của thời gian đã khiến giá trị tín ngưỡng căn bản trong văn hóa của dân tộc này phai mờ dần. Ngày càng nhiều vấn nạn xã hội xuất hiện, rất nhiều trong số đó bắt nguồn từ nguyên nhân trên.
Trong sự kiện Washington – A Man of Prayer được tổ chức hàng năm tại sảnh Statuary trên đồi Capitol năm 2017, nghị sĩ Randy Weber đã khóc và thay lời bài phát biểu của mình về vấn nạn nạo phá thai và hôn nhân đồng tính bằng lời cầu nguyện Chúa:
“Đức Chúa toàn năng, Đấng ở trên trời… Thưa Chúa, con đang thú nhận với Ngài những tội lỗi mà đất nước con đã được khuyến khích để hành động… Lạy Chúa, chúng con đã cố gắng thử và xóa bỏ lời răn của Ngài trong các trường công. Chúa ơi, chúng con đã cố gắng đưa Kinh Thánh ra khỏi lớp học, tháo “Mười Điều Răn” xuống khỏi bức tường. Ôi thưa Chúa, xin tha thứ cho chúng con. Chúa ơi, chúng con đã nghĩ rằng mình rất thông minh, chúng con đã cố gắng thay thế lời răn và giới luật của Ngài bằng những con chó đánh hơi ma túy, bằng những chiếc máy dò kim loại, bằng những nhân viên cảnh sát mặc đồng phục trong những ngôi trường.
Lạy Chúa, chúng con đã giẫm đạp lên những lời dạy linh thiêng của Ngài về sự thánh thiện của hôn nhân, cố gắng sửa đổi nó và chúng con gọi đó là một lối sống thay thế.
Thưa Chúa, xin Ngài tha thứ cho chúng con!
Chúa ơi, chúng con đã giết chết những sinh mệnh vô tội nhất trong số chúng con. Người đầy tớ trung thành của Ngài, Thánh Moses đã cảnh báo chúng con trong “Phục truyền Luật lệ ký 30:19” rằng hãy chọn sự sống, hãy cho chúng con và dòng dõi được sống. Thượng đế, chúng con đang giết chết con cháu của mình và chúng con gọi đó là một sự lựa chọn.
Lạy Chúa ở trên trời, xin hãy tha thứ cho chúng con!”
Dường như nghị sĩ Randy Weber đã nhận ra có tội với Chúa và xoá đi đức tin của mình sẽ phải gánh chịu hậu quả vô cùng lớn, mà trong trường hợp cụ thể này là hành động nạo phá thai và hôn nhân đồng tính – hậu quả trực tiếp của trào lưu giải phóng tình dục trong xã hội Mỹ thời cận đại. Và chỉ có niềm tin vào tâm linh, vào những gì Đấng Sáng Thế đã răn dạy, con người mới có một tương lai tốt đẹp. Mà đây vốn dĩ chính là những giá trị tín ngưỡng cốt lõi, căn bản của dân tộc này ngay từ khi thành lập.
Cũng giống như cách nói “thiện ác hữu báo” trong tín ngưỡng Phật giáo ở phương Đông, phải chăng những thảm họa xảy đến qua các thời kỳ, nhất là khi có sự hiện diện của các dấu tích tôn giáo như bức tượng Đức mẹ Mary, là một sự cảnh tỉnh đối với cuộc khủng hoảng đức tin, sự xa rời các giá trị tín ngưỡng truyền thống đang nhen nhóm trong xã hội Mỹ đương thời?
Vấn nạn này cũng đã được đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump nhận ra, và trong nỗ lực nhằm “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make American Great Again)”, như trong khẩu hiệu của ông hồi tranh cử, ông thường xuyên có những tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục lại yếu tố “tín ngưỡng và đức tin” của một “nước Mỹ vĩ đại” một thời. Như ông từng tuyên bố:
“Chừng nào tôi còn là Tổng thống, không một ai có quyền ngăn cản bạn thực hành đức tin hay thuyết giảng những điều trong trái tim bạn”.
Đức tin có thể cải biến nghịch cảnh một cách kỳ diệu
Nếu việc đánh mất đức tin có thể mang đến những hê lụy khôn cùng, thì ở phương diện đối lập, đức tin dường như có thể đóng một vai trò cứu tinh giúp người đang trong nghịch cảnh nhìn thấy tia hy vọng và ánh sáng.
Tháng 8/2010, truyền thông toàn thế giới liên tục đưa tin về một vụ tai nạn sập hầm mỏ ở Chile và vụ giải cứu thành công 33 thợ mỏ đầy ly kỳ và kịch tính. Với khoảng 1.300 hãng truyền thông tề tựu tại khu mỏ để đưa tin trực diện và hơn 1 tỉ người trên thế giới trực tiếp theo dõi quá trình giải cứu, sứ mệnh này có độ cân não không kém gì so với vụ giải cứu tàu Apollo 13 ngoài không gian.
Rất nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra trong toàn bộ quá trình, nhưng nổi bật nhất là, giới y học vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho việc, 33 người thợ mỏ ấy đã sống sót một cách ngoạn mục và thần kỳ trong suốt 17 ngày đầu mất liên lạc, khi trong tay chỉ có khẩu phần ăn chỉ đủ cho 24 người dùng trong đúng 2 ngày. Về sau qua lời kể của những người trong cuộc người ta mới biết được rằng, trong suốt quá trình chiến đấu với tử thần, với cơn đói khát cào xé ruột gan, họ đã cầu nguyện và đặt niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa. Và dường như niềm tin của họ đã được đáp trả. Một người trong họ đổ bệnh, nhưng sau khi 32 người còn lại đồng lòng cầu nguyện Thiên Chúa thì anh ấy đã phục hồi rất nhanh. Và dường như, “thực sự có người thứ 34 ở trong hầm mỏ, Thiên Chúa chưa bao giờ bỏ chúng ta ở đây”, một người thợ mỏ nói.
Đội khoan cứu hộ, trong quá trình tìm kiếm các thợ mở mất tích, cùng đã tự mình trải nghiệm những điều thần kỳ. Khó khăn lớn nhất đối với họ là xác định đúng vị trí nơi các thợ mỏ gặp nạn để đặt mũi khoan thăm dò. Và dường như có một phép lạ, khi mũi khoan thăm dò đã nhắm trúng vị trí trú ẩn của 33 thợ mỏ. Greg Hall, người dẫn đầu đội khoan cứu hộ khi đó đã nói, Đó thực sự có bàn tay Thiên Chúa giúp chúng tôi. Tất cả các mô hình máy tính, các định luật vật lý và mọi sự tính toán cho thấy mũi khoan chúng tôi sẽ khó trúng tới đích”. Đội cứu hộ cũng đã cầu nguyện rất nhiều, và dường như lời cầu nguyện của họ đã được đáp ứng.
Không chỉ là niềm tin thuần tin, đức tin có sức mạnh tích cực đối với sức khỏe
Cho đến nay, những trường hợp như vụ giải cứu 33 người thợ mỏ ở trên có thể được coi là một kỳ tích. Thông qua đó, người ta có thể phần nào thấy được sức mạnh của niềm tin, nhưng không phải là niềm tin và hy vọng đơn thuần được cứu sống, mà là niềm tin kiên định vào sự hiện hữu và bảo hộ của Thiên Chúa ở đằng sau, chắc chắn có thể mang đến những điều kỳ diệu. Nhưng những điều kỳ diệu này không chỉ xuất hiện trong nghịch cảnh, mà nó có thể xảy ra ngay trong cuộc sống thường nhật, thông qua những hành động nho nhỏ như cầu nguyện thường xuyên, và điều này đã được khoa học kiểm chứng.
Cầu nguyện có thể giúp giảm trao đổi chất, chậm nhịp tim, ổn định huyết áp,…
Đây được gọi là “phản ứng thư giãn” (response of relaxation) xảy ra trong thời gian cầu nguyện và thiền định, theo TS Herbert Benson, một chuyên gia tim mạch tại Trường Y Harvard và một người tiên phong trong lĩnh vực y học tâm – thân.
Trong một thí nghiệm của GS Ken Pargement từ Đại học Bowling Green, một nhóm người bị chứng đau nửa đầu được yêu cầu thiền 20 phút mỗi ngày, trong quá trình lặp đi lặp lại lời cầu nguyện, ví như “Thiên Chúa là tốt. Thiên Chúa là hòa bình. Thiên Chúa là tình yêu“. Các nhóm khác thì lặp lại những câu không có ý nghĩa tâm linh, như: “Cỏ là màu xanh lá cây. Cát mềm.” Kết quả cho thấy, những người thiền định và cầu nguyện từ nhóm I ít bị đau đầu hơn và chịu được các cơn đau tốt hơn so với nhóm còn lại.
Không chỉ vậy, thiền định thậm chí được chứng minh có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của gen. Theo TS. Herbert Benson, việc thực hành tâm linh hàng ngày về lâu dài sẽ giúp vô hoạt các gen kích hoạt viêm và làm chết tế bào nhanh chóng. Do đó, tâm linh/tinh thần thật sự có thể tác động đến sự hoạt hóa/biểu hiện các gen trong cơ thể chúng ta, và cầu nguyện có thể ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể ở cấp cơ bản và quan trọng nhất.
Quý Khải