Theo nghiên cứu mới của Viện SETI, một số mặt trăng của sao Thổ và một số bộ phận trong vành đai của nó đã được hình thành sau khi loài khủng long ngự trị trên Trái đất, tức chỉ khoảng 100 triệu năm trước đây.

Theo lý thuyết, các tương tác hấp dẫn, hay lực đẩy và lực kéo giữa các nội mặt trăng (hay nội vệ tinh: có quỹ đạo ngắn, gần hơn với bề mặt) sao Thổ và chất lỏng bên trong hành tinh khí khổng lồ này sẽ làm biến đổi các mặt trăng của sao Thổ và vành đai của nó theo thời gian, kéo chúng ra xa hoặc nghiêng theo một góc.

Lực tương tác hấp dẫn giữa các mặt trăng cũng có thể thúc đẩy sự dịch chuyển và độ nghiêng của quỹ đạo. Đôi khi, những mặt trăng này tiến vào trạng thái cộng hưởng quỹ đạo, khi chúng tiến lại gần nhau và bị khóa trong các quỹ đạo có liên hệ mật thiết – cả hai sẽ bị kéo hoặc nghiêng đi so với các quỹ đạo lúc ban đầu phụ thuộc vào các mức tỷ lệ tương ứng (Ví dụ: Quỹ đạo cộng hưởng 2:1 – Tính từ điểm gặp nhau, khi A quay được 1 vòng thì B đã quay được 2 vòng và chúng gặp nhau chính xác tại cùng một vị trí.)

Tuy nhiên, sau khi các chuyên gia nghiên cứu tại SETI (Search for Extraterrestrial Intelligence- chương trình Tìm kiếm các sinh vật thông minh ngoài Trái đất) xây dựng một hình mô phỏng những thay đổi của quỹ đạo của các mặt trăng và vành đai sao Thổ theo thời gian, rồi quan sát quỹ đạo của một vài nội mặt trăng và các vành đai – bao gồm ba mặt trăng Tethys, Dione và Rhea – họ đã nhận thấy những thay đổi khiêm tốn hơn về khoảng cách và độ nghiêng của các mặt trăng so với mong đợi.

Sự khác biệt giữa thực tế và mô hình cho thấy một vài mặt trăng của sao Thổ đã chịu ít lực hấp dẫn hơn, đồng nghĩa với việc có ít cơ hội tiến vào vào trạng thái cộng hưởng quỹ đạo hơn. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng một số những mặt trăng và vành đai này đã không xuất hiện ở đây từ lâu.

Kết hợp với mô hình của mình, các nhà nghiên cứu đã ước tính cường độ lực hấp dẫn của sao Thổ dựa trên các số liệu ghi nhận được về hoạt động địa nhiệt của mặt trăng Enceladus. Hoạt động địa nhiệt đáng kể và đồng đều của mặt trăng băng giá này cho thấy lực hấp dẫn của sao Thổ là khá mạnh.

Với lực hấp dẫn mạnh và sự thay đổi tối thiểu ghi nhận được của các nội mặt trăng của Sao Thổ như vậy, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng các nội mặt trăng của hành tinh khí khổng lồ này có niên đại không quá 100 triệu năm. Trong khi đó, những con khủng long đầu tiên trên Trái đất xuất hiện vào kỷ Trias (hay kỷ Tam Điệp), cách đây 231,4 triệu năm.

“Vậy câu hỏi đặt ra là, cái gì đã thúc đẩy sự hình thành có phần mới của các nội mặt trăng này?”, trưởng nhóm nghiên cứu Matija Cuk của Viện SETI đặt câu hỏi.

“Phỏng đoán tốt nhất của chúng tôi [hiện nay] là trước đây sao Thổ đã có một loạt các mặt trăng tương tự quay quanh nó, nhưng quỹ đạo của chúng đã bị xáo trộn bởi trạng thái cộng hưởng quỹ đạo liên quan đến chuyển động của sao Thổ xung quanh Mặt trời”, Ông Cuk nói trong một thông cáo báo trí. “Rốt cục, quỹ đạo của các mặt trăng lân cận đã giao cắt , khiến chúng đụng phải nhau. Từ đống đổ nát này, một hệ thống các mặt trăng và vành đai mới đã được hình thành”.

Theo Upi

Thu Hiền

Xem thêm: