Tòa Bạch Ốc hơn 200 năm tuổi sở hữu rất nhiều căn phòng với kiến trúc độc đáo và những câu chuyện ly kỳ thú vị bên trong.
Nhà Trắng – tòa nhà nổi tiếng và quyền lực nhất thế giới, nơi 45 đời Tổng thống của nước Mỹ làm việc và cư ngụ, nơi cho ra những quyết định mang tính đại sự, ảnh hưởng đến toàn thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được mọi ngóc ngách trong tòa nhà này. Dưới đây là những câu chuyện thú vị, ly kỳ và rùng rợn ở Nhà Trắng mà mỗi tên phòng được nhắc tới đây đều gắn liền với những sự kiện độc nhất vô nhị.
Cảm nhận đầu tiên khi vào tham quan Nhà Trắng không phải là sự hoành tráng của tòa nhà mà là mùi hương thơm ngát của cỏ cây hoa lá, đặc biệt khi vào Blue Room (Phòng Xanh). Một lọ hoa tươi rất to được hái ở Vườn Hồng thu hút sự chú ý cuả du khách. Lọ hoa được đặt trên chiếc bàn cẩm thạch mà TT James Monroe (TT thứ 5, nhiệm kỳ 1817-1825) tự bỏ tiền túi ra mua. Hoa được cắm trong tất cả các phòng vào dịp đặc biệt, nhưng riêng Blue Room ngày nào cũng có hoa tươi. Trường hợp ngoại lệ này bắt đầu từ câu chuyện thú vị đầu tiên.
Blue Room (Phòng Xanh): Nơi diễn ra đám cưới duy nhất của một vị Tổng thống Hoa Kỳ
Ngày 2/6/1896, khi đồng hồ của Nhà Trắng điểm đúng 19 tiếng cũng là lúc chuông các nhà thờ đồng loạt vang lên trong thành phố, báo hiệu một sự kiện trọng đại bắt đầu: Đám cưới của tổng thống Grover Cleveland (tổng thống thứ 24, NK 1893-1897) và cô dâu Frances Folsom. Cô dâu kém chú rể 27 tuổi, mặc chiếc váy sa tanh, đội mũ lụa Ấn Độ, tay cầm bó hoa cam, theo sau là đoàn phù dâu phù rể bước vào Blue Room. Grover Cleveland trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất (tính đến thời điểm này) kết hôn tại Nhà Trắng.
Entrace Hall (Sảnh vào): Điểm nhấn lịch sử
Ngày nay, việc tham quan Nhà Trắng là chuyện rất bình thường, nhưng cách đây 2 thế kỷ, đó là một sự kiện vô cùng đặc biệt. Vị khách đầu tiên được tổng thống Thomas Jefferson (tổng thống thứ 3, NK 1801-1809) mời đến Nhà Trắng là hai nhà thám hiểm Zebulon Pike và Meriwether Lewis. Họ sướng đến “phát điên” khi đứng trước số 1600 Đại lộ Pennsylvania (địa chỉ Nhà Trắng) đến nỗi những người qua đường tưởng có vụ… đánh nhau nên cấp báo cho lính bảo vệ.
Nhà thám hiểm Zebulon Pike đã tặng tổng thống Jefferson hai chú gấu xám mà ông bắt được ở miền Tây nước Mỹ. Thời ấy, hầu hết người dân Mỹ chưa hình dung ra cuộc sống ở miền Tây xa xôi của đất nước do giao thông cách trở. Vì thế năm 1806, TT quyết định trưng bày các mẫu vật dụng, trang phục của người Anh-điêng và hóa thạch của các loài thú để người dân vào xem.
Mỗi ngày từ 10h sáng đến 3h chiều, người dân được vào tham quan các hiện vật tại Entrace Hall, chiêm ngưỡng chân dung các tổng thống tại Cross Hall, rồi vào East Room đọc lưu bút của các đại biểu quốc hội. Điều này đã khơi dậy niềm hãnh diện của người Mỹ sau sự chia rẽ và tàn phá của cuộc nội chiến, cũng như giúp người dân hiểu rõ lịch sử nước Mỹ. Cùng với hai chú gấu xám, cuộc “triển lãm” của tổng thống Jefferson rất thành công, là sự kiện trọng đại trong đời sống người dân thời ấy.
Cross Hall (Sảnh ngang): Giải mã bức chân dung bí ẩn
Có một bức chân dung gây tò mò cho các nhân việc phục vụ trong Nhà Trắng khi Chester A.Arthur trở thành tổng thống thứ 21 (NK 1881-1885). Đó là chân dung một người phụ nữ xinh đẹp được tổng thống Arthur đặt trang trọng trên bàn ở Cross Hall. Dù nhiều người thắc mắc nhưng ông vẫn kín tiếng không tiết lộ. Đã thế, tổng thống còn yêu cầu những người làm vườn ngày nào cũng phải có hoa tươi đặt trước tấm chân dung ấy.
Mãi sau này, người ta mới biết người phụ nữ bí ẩn đó là Ellen Nell Arthur, người vợ đã khuất của tổng thống. Ông đã thành hôn với Ellen Nell Lewis Herndon ngày 25/10/1859. Tình yêu của hai người vô cùng mãnh liệt, nhưng họ chẳng được ở bên nhau lâu vì nội chiến, rồi những hoạt động chính trị chiếm gần như trọn thời gian của Arthur. Tháng 1/1880, Ellen bị viêm phổi và qua đời. Vì bận việc nên ông đã không thể kịp về gặp mặt vợ lần cuối. Những năm tháng về sau, ông sống trong dằn vặt và chưa bao giờ nguôi thương tiếc bà để rồi lựa chọn cuộc sống độc thân đến cuối đời.
East Room (Phòng phía Đông): Chứng kiến niềm vui, nỗi buồn
Khi tổng thống John Adams (tổng thống thứ 2, NK 1789-1796) và vợ là Abigail Adams chuyển tới Nhà Tổng Thống (tên của Nhà Trắng khi ấy), tòa nhà đang xây sửa, mái bị dột và cầu thang chưa xây xong. Xung quanh tòa nhà chưa có hàng rào ngăn cách với bên ngoài. Vì thế phu nhân Abigail đã phải giặt giũ tại phòng lớn phía Đông tòa nhà thì chẳng có gì lạ.
Ngày nay, khó có thể tưởng tượng nổi East Room tuyệt đẹp này khi xưa từng là phòng giặt quần áo, thậm chí đệ nhất phu nhân Abigail còn phơi phóng quần áo ở hông căn phòng này. Vì thế mà chồng bà, tổng thống John Adams từng rất phiền lòng khi phải làm việc ngay cạnh East Room.
Ngày 9/9/1893, Nhà Trắng hân hoan vui mừng khi bé Esther Cleveland, con tổng thống Grover Cleveland chào đời. Đệ nhất phu nhân đã sinh bé tại căn phòng này và Esther là “cô chiêu” đầu tiên và duy nhất (tính đến thời điểm này) sinh ra tại Nhà Trắng. Kể từ tháng 11/1800, Nhà Trắng trở thành tổ ấm cho gia đình tổng thống cư ngụ suốt nhiệm kỳ của họ, chứ không còn là nơi làm việc đơn thuần khi tổng thống John Adams và phu nhân Abigail trở thành cư dân đầu tiên chính thức sống và làm việc tại đây. Nhiều đám cưới của các con gái tổng thống như Nellie Grant, Alice Roosevelt và Lynda Johnson đã diễn ra tại East Room.
Tuy vậy, East Room cũng từng chứng kiến những chuyện buồn thảm. Căn phòng này được chọn làm nơi để thi hài của William Wallace “Willie” Lincoln, con trai thứ ba của tổng thống Abraham Lincoln (tổng thống thứ 16, NK 1861-1865) và phu nhân Mary Todd Lincoln. Không khí tang thương bao trùm Nhà Trắng vào lúc 5 giờ chiều ngày 20/2/1862, khi cậu bé trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 12, gây ra cú sốc lớn cho gia đình. Phải mất ba tuần sau tổng thống Lincoln mới bình tâm trở lại công việc, trong khi bà Mary vì quá đau lòng mà gần như mất sự tỉnh táo.
Ba năm sau, tổng thống Lincoln bị ám sát bởi một sát thủ vào tháng 4/1865 và thi hài của ông cũng được đặt tại chính căn phòng này. Sau này, có thêm 6 Tổng thống nữa, trong đó có di hài tổng thống John F.Kennedy cũng đặt tại đây.
Red Room (Phòng Đỏ): Nơi xóa bỏ tập tục lạc hậu
Ngày hội của các nghị sĩ độc thân: Đối với các nghị sĩ độc thân sống ở Washington D.C vào năm 1809, tối Thứ Tư không phải là một tối bình thường. Nhà Trắng có hẳn Wednesday Drawing Room (Phòng Giải trí ngày Thứ Tư) tiếp đón họ. Khoảng 200 nghị sĩ tới đây để thư giãn nghe nhạc, đọc sách, tranh luận và ăn tối do bà Dolley Madison, phu nhân của tổng thống James Madison (tổng thống thứ 4, NK 1809-1817) tổ chức.
Sự nồng hậu và chu đáo của bà làm các nghị sĩ cảm thấy thoải mái, họ trò chuyện, tranh luận về mọi vấn đề mà không sợ bị đánh giá hay để ý. Điều đặc biệt là phu nhân mở rộng cửa Wednesday Drawing Room cho tất cả các thành viên Quốc hội, kể cả các thành viên đảng đối lập. Chỉ duy nhất tại đây, các đối thủ chính trị mới có dịp ngồi gần nhau và trò chuyện. Thứ Tư đặc biệt như vậy được tổ chức suốt 5 năm và chỉ kết thúc vào ngày 24/8/1814, khi quân Anh tràn vào Washington đốt phá Nhà Trắng. Từ đó cho tới khi mãn nhiệm, tổng thống Madison không có dịp được ở trong Ngôi nhà này nữa. Ngày nay, dù được trang trí với màu sắc giống với tên gọi. nhưng xưa kia phu nhân Dolley Madison lại trang hoàng căn phòng toàn màu vàng, chỉ trừ duy nhất rèm cửa màu đỏ.
Xóa bỏ “tập tục”phóng viên nữ không được vào họp báo: Một thời gian ngắn sau khi tổng thống Franklin Roosevelt (tổng thống thứ 32, NK 1933-1945) nhậm chức, đệ nhất phu nhân Eleanor đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên tại Red Room với hầu hết là phóng viên nữ. Thời đó, phóng viên nữ không được phép tham dự những cuộc họp báo của tổng thống, đó là đặc quyền của phái mày râu. Phu nhân Eleanor đã xóa bỏ tục lệ này và từ đó Nhà Trắng mở rộng cửa cho phóng viên vào đưa tin không phân biệt nam hay nữ. Không những thế, bà còn thường xuyên tổ chức các cuộc thảo luận về chuyện bếp núc và chăm sóc gia đình với phóng viên nữ.
Diplomatic Room (Phòng Ngoại giao): Nơi chứng kiến các sự kiện trọng đại
Căn phòng này từng chứng kiến nhiều sự kiện mang tính lịch sử, là nơi mà tổng thống Franklin Roosevelt đọc những bài diễn văn nổi tiếng qua sóng phát thanh, trong đó có diễn văn tuyên bố Mỹ chính thức tham gia Thế chiến Thứ hai. Nó cũng là nơi chứng kiến mối bang giao mới giữa hai cựu thủ.
Vào sáng mùa hè oi bức năm 1939, lính cận vệ của Nhà Trắng trang trọng nghiêng mình mở cửa chiếc limousine mời 4 nhân vật bước vào cổng 1600 đại lộ Pennsylvania. tổng thống Franklin Roosevelt và vua nước Anh là George vẫy chào đám đông khoảng 400.000 người đang reo hò đón chào họ. Đệ nhất phu nhân Eleanor và Hoàng hậu Elizabeth cũng vẫy tay đáp lại. Họ đi qua Vườn Hồng, tiến tới South Portico (Vòm phía Nam) của Nhà Trắng rồi tiến thẳng vào Diplomatic Room.
Căn phòng tuyệt mỹ này đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp đối với Vua và Hoàng hậu nước Anh. Họ là lãnh đạo cao nhất đầu tiên của nước Anh đến thăm Nhà Trắng. Nhớ rằng trước đó, hai nước là thù địch sau vụ quân đội Anh tấn công Washington và đốt cháy Nhà Trắng vào năm 1812. Sự kiện nổi tiếng này gọi là “Trận đốt cháy Washington”.
Tuệ Phương