Nghiên cứu mới đây cho thấy Mặt Trăng từng trải qua nhiều lần biến đổi khí hậu toàn diện, trong đó đã từng có những thời kỳ tồn tại các dạng sinh vật sống nguyên thủy.

Giáo sư người Đức Dirk Schulze-Makuch đang làm việc tại Đại học Bang Washington (Mỹ) là một trong những chuyên gia đầu ngành sinh học vũ trụ và địa chất học. Ông vừa công bố một nghiên cứu lâu năm của mình mà theo đó, Mặt Trăng cách đây khoảng 4 tỷ năm từng được bao phủ bởi một bề mặt có rất nhiều núi lửa.

Theo ông, khí ga bốc lên từ các miệng núi lửa đã phân tán đi một lượng hơi nước khổng lồ, sau này kết tủa lại trở thành các cơn mưa lớn, tạo nên hệ thống sông và hồ trên Mặt Trăng. Tuy nhiên trải qua bao lần biến đổi cho đến nay, điều kiện lý tưởng nuôi dưỡng mầm sống tại đây đã không còn nữa. Mặt Trăng đã mất đi bầu khí quyển và chất lỏng trên bề mặt đã hoàn toàn chuyển hóa thành khí ga. Các mạch ngước ngầm thì nguội lạnh, trở thành những khối băng vĩnh cửu.

Nghiên cứu của vị giáo sư này cũng chỉ ra rằng Mặt Trăng 4 tỷ năm trước đã từng ở rất gần Trái Đất. Điều đó đã tạo điều kiện giúp cho Mặt Trăng hình thành nên vòng từ trường bảo vệ riêng. Quỹ đạo và tốc độ quay cũng nhanh hơn hiện tại, nên bề mặt Mặt Trăng vào ban ngày sẽ không quá nóng, và cũng không quá lạnh khi về đêm.

Cùng khoảng thời gian trên thì Trái Đất vẫn còn đang phải gánh chịu vô vàn các trận mưa thiên thạch. Nhiều khối đá bị vỡ do chấn động quá khủng khiếp đã bắn ra ngoài không gian, và với tỷ lệ rất thấp chúng đã đáp xuống Mặt Trăng, mang theo mầm sống từ Trái Đất. Nghiên cứu của giáo sư Dirk tuy chưa được chứng thực nhưng nhiều lập luận song lại hết sức thuyết phục. Hôm 20/7 vừa qua là kỷ niệm 49 năm ngày con người đặt chân lên Mặt Trăng. Đã 46 năm trôi qua con người chưa từng quay lại hành tinh này và vẫn còn rất nhiều chân tướng chưa được sáng tỏ.

T.Vũ

Từ Khóa: