Ngày 26/5, Tòa án Liên bang California’s Northern District đã xử Google thắng kiện, công nhận việc copy cấu trúc API (giao diện lập trình ứng dụng – những nền tảng cốt lõi cho phép sử dụng và phát triển thêm các chức năng) được phát triển bởi Java và do Oracle sở hữu là hợp lý, theo quy định về quyền sử dụng hợp lý (Fair use) trong luật bản quyền của Mỹ. Luật này cho biết việc copy phần cấu trúc thiết kế, chứ không phải là phần code của Google là hoàn toàn hợp pháp.

Việc này khiến Google không cần bồi thường 9 tỷ USD cho Oracle.

Cuộc đấu pháp lý trên giữa Google và Oracle bắt đầu vào năm 2010 và hai bên lần đầu đối mặt nhau ở tòa án vào tháng 5/2012. Một Tòa án Liên bang đã xử Oracle thua cuộc, nhưng công ty này đã kháng cáo. Sau nhiều tranh cãi, vụ kiện cuối cùng lại được đưa trở lại tòa án.

Vụ việc xoay quanh một cấu trúc API được phát triển bởi Java và do Oracle sở hữu (sau khi Oracle mua lại Sun Microsystems với giá 7,4 tỷ USD vào năm 2010). Hệ điều hành phổ biến trên điện thoại thông minh Android của Google đã dùng cấu trúc API tương tự và Oracle đã kiện Google vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của họ, yêu cầu Google phải bồi thường 9 tỷ USD. Năm 2014, một Tòa án Liên bang đã phán quyết rằng Oracle có bản quyền hợp lý trên những dòng code của API này.

Trong phiên xử mới nhất, Google cho rằng việc tái bổ sung cấu trúc API thuộc về quyền sử dụng hợp lý (fair use), là điều được phép dùng mà không vi phạm bản quyền của Oracle. Cuối cùng, tòa án thấy rằng lập luận này thuyết phục và hợp pháp.

(Ảnh: genk.vn)
Việc copy phần cấu trúc thiết kế, không phải phần code của chúng, là hoàn toàn hợp pháp. Điều này đã được quy định rõ trong luật Sử dụng hợp lý (Fair Use) trong luật bản quyền của Mỹ. (Ảnh: genk.vn)

Bất chấp kết quả được công bố ngày 26/5, luật sư Dorian Daley của Oracle nói công ty này sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện.

Chúng tôi thực sự tin rằng Google đã phát triển Android bằng cách sao chép bất hợp pháp công nghệ lõi của Java để tiến nhanh vào thị trường thiết bị di động”, ông Daley phát biểu.

Tin vui cho cộng đồng lập trình

Ở Việt Nam, mảng kinh doanh công nghệ thông tin phần lớn là cạnh tranh trong lĩnh vực Outsourcing (Thuê ngoài). Đây là hình thức chuyển một phần chức năng nhiệm vụ của công ty hay toàn bộ chức năng ra gia công ở bên ngoài để tiết kiệm chi phí.

Ví dụ một công ty ở Mỹ sẽ phải trả lương rất cao nếu thuê lập trình viên ở Mỹ, thay vì phải thuê lập trình viên toàn thời gian, công ty này chuyển một phần chức năng của họ sang Việt Nam, các công ty Việt Nam đảm nhận một phần công việc của công ty nước ngoài với mức lương thấp hơn. Công việc này thường xuyên phải sao chép cấu trúc API có sẵn nào đó. Hay trong việc khởi nghiệp lập trình cần sáng tạo nên một phần mềm ứng dụng đặc sắc thì phần lõi của ứng dụng có thể là một cấu trúc API thuộc sở hữu của một tập đoàn lớn nào đó, vốn đã chứng minh tính ổn định của mình theo thời gian.

(Ảnh: pnw3dev.com)
Nếu Oracle thắng kiện, Google sẽ mất 9 tỷ USD, nhưng sẽ có cơ sở để kiện bất cứ một công ty nào có dịch vụ sử dụng chung API với Google Maps, Google Calendar, YouTube, Gmail, Google Docs, Google Works… Những công ty này sẽ bị trói buộc vào Google. (Ảnh: pnw3dev.com) (Ảnh: pnw3dev.com)

Mặt khác, nếu Oracle thắng kiện, thì trong tương lai toàn cầu hóa, rất nhiều vụ kiện tương tự sẽ có thể diễn ra. Những nhà khởi nghiệp, công ty nhỏ và trung khó có thể phát triển vì vấn đề bản quyền API.

Theo tờ The Register trước đó, chỉ vài phút sau khi phán quyết được đưa ra, phát ngôn viên của Google có nói: “Phán quyết cho rằng Android đã sử dụng hợp lý các API Java đã đại diện cho chiến thắng của toàn bộ hệ sinh thái Android, cộng đồng lập trình viên Java cùng tất cả các nhà phát triển sử dụng các ngôn ngữ lập trình mở miễn phí để xây dựng nên các sản phẩm sáng tạo mà chúng ta vẫn đang dùng ngày nay.

Minh Đạo tổng hợp 

Xem thêm: