Ngày 11/8, còn tàu vũ trụ mang tên Parker Solar Probe sẽ khởi hành mang theo sứ mệnh nghiên cứu Mặt Trời. Sự kiện này sẽ được truyền hình trực tiếp trên trang chủ của NASA.
Để có thể tới gần Mặt Trời, con tàu sẽ phải rời Trái Đất với tốc độ nhanh chưa từng có. Đó chính là lý do vì sao NASA lại tạo ra quả tên lửa lớn như vậy. Nếu so sánh về sức mạnh, tên lửa đẩy Delta IV chỉ kém duy nhất tên lửa Falcon Heavy của SpaceX.
Hành trình của Parker Solar Probe cũng không hề đơn giản. Sau khi chào tạm biệt Trái Đất, nó sẽ bay quanh Sao Kim vài vòng để lợi dụng lực hút làm giảm tốc độ con tàu. Việc này dự tính sẽ kéo dài đến hết ngày 2/10, sau đó con tàu sẽ bay tới điểm mốc đầu tiên của chuyến hành trình vào ngày 5/11.
Tại điểm mốc cuối cùng, dự kiến đến được vào năm 2025, Parker Solar Probe sẽ đi vào một quỹ đạo cách Mặt Trời ở điểm gần nhất 6 triệu km, tức là nó đã bay xuyên qua bầu khí quyển vô cùng nóng của Mặt Trời, thứ mà các nhà khoa học hay gọi là “vòng ánh sáng”.
Nhiệt độ ở đó tuy rất cao, nhưng nhờ loại khiên chống nhiệt đặc biệt nên con tàu sẽ chịu đựng được trong vài năm. Loại khiên này ngoài tác dụng phân tán nhiệt, còn thu luôn nguồn năng lượng dồi dào tỏa ra từ Mặt Trời làm nhiên liệu, duy trì hoạt động cho các thiết bị bên trong.
Trong quá trình di chuyển quanh Mặt Trời, các thiết bị chuyên dụng trên tàu có nhiệm vụ chụp hình, ghi chép và giải mã 3 bí ẩn khoa học lớn nhất, đó là: Vì sao tầng khí quyển của Mặt Trời càng xa bề mặt lại càng nóng? Các đợt gió chứa hạt điện tích thổi ra khắp không gian vũ trụ xung quanh được sinh ra thế nào? Và điều gì tạo nên các cơn bão điện từ?
T.Vũ