Các hạt hạ nguyên tử trút xuống Trái Đất từ ngoài không gian đang giáng một “đòn tàn phá cấp thấp” lên các thiết bị điện thoại và máy tính của chúng ta.

Nghiên cứu mới từ Đại học Vanderbilt (Mỹ) cho hay các vụ máy tính bị crash và smartphone bị treo có thể được gây nên bởi các hạt điện tích sản sinh từ bức xạ vũ trụ bắt nguồn từ bên ngoài Hệ Mặt Trời chúng ta.

(Ảnh: Internet)

Giáo sư Bharat Bhuva miêu tả đây là một “vấn đề lớn, nhưng gần như vô hình trước mắt công chúng”.

Nghiên cứu cho hay bức xạ vũ trụ di chuyển tại một phần vận tốc ánh sáng liên tục đánh vào bầu khí quyển Trái Đất, tạo nên cơn mưa hạt thứ cấp. Theo GS Bhuva, hàng triệu hạt này xâm nhập và xuyên qua cơ thể chúng ta mỗi giây, dù rằng chúng ta không cảm thấy sự hiện hữu của chúng, và chúng cũng không có ảnh hưởng gây hại nào được biết đến đối với các sinh vật sống.

Đây  là một vấn đề lớn, nhưng gần như vô hình trước mắt công chúng.

– Giáo sư Bharat Bhuva

Tuy nhiên, tình cảnh lại không mấy tích cực đối với các thiết bị công nghệ.

Các nhà khoa học phát hiện chỉ một lượng nhỏ hạt này là có đủ năng lượng để tác động đến hệ mạch vi điện tử. Khi tương tác với vi mạch (còn gọi là chip), chúng có khả năng cảnh báo các bít thông tin riêng lẻ trữ trong bộ nhớ – gọi là xáo trộn sự cố đơn lẻ (single event upset – SEU).

Nghiên cứu cũng cho hay rất khó để biết được những hạt này sẽ đánh vào thiết bị điện tử cụ thể ở đâu và vào lúc nào, do không có bất kỳ hư hại vật lý nào được ghi nhận, nên cũng cực kỳ khó để xác định các lỗi trục trặc chúng gây nên. Do đó, đo lường tính phổ biến của SEU là một việc không hề đơn giản và dễ làm.

GS Bhuva giải thích:

“Khi xảy ra sự đảo bít, có thể có nhiều nguyên nhân khả thi. Ví dụ, đó có thể là do lỗi phần mềm hoặc lỗi phần cứng. Cách duy nhất để xác định đây là một SEU là thông qua việc loại trừ tất cả các nguyên nhân khả thi khác”.

Tuy việc xác định những lỗi này là khó, nhưng lại rất quan trọng vì vấn đề chúng gây nên thường vô cùng nghiêm trọng.

Các hạt điện tích có thể ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử – như điện thoại của bạn. (Ảnh: Internet)

Lấy ví dụ, vào năm 2003, sự đảo bít trong một máy bầu cử điện tử tại thị trấn Schaerbeek ở Bỉ đã giúp một ứng viên nhận thêm 4096 phiếu bầu. Lỗi này được phát hiện sau vì người ta nhận thấy ứng viên này nhận được nhiều hơn số phiếu bầu cho phép, và nguyên nhân rốt cục đã được truy ngược về một sự đảo bít đơn lẻ trong một máy ghi số phiếu bầu.

Một ví dụ khác xảy ra vào năm 2008, một máy bay của hãng Qantas trên hành trình từ Singapore đến Perth gặp phải sự cố SEU, khiến hệ thống tự lái ngừng hoạt động. Do đó, máy bay đã lao xuống 210 m chỉ trong vòng 23 giây, làm bị thương ⅓ số hành khách khiến máy bay buộc phải đổi hướng đến sân bay gần nhất.

hạtCác hạt điện tích được sản sinh từ bức xạ vũ trụ bắt nguồn từ bên ngoài Hệ Mặt Trời chúng ta. (Ảnh: Internet)

Theo GS Bhuva, có một số trục trặc chưa có lời giải trong hệ thống máy tính của hãng hàng không – mà theo các chuyên gia một trong số đó hẳn phải là SEU – dẫn đến việc hủy hàng trăm chuyến bay gây thiệt hại to lớn về kinh tế.

Ông nói:

“Các nhà sản xuất vật liệu bán dẫn đang rất quan ngại về vấn đề này bởi nó đang ngày một trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi kích thước bóng bán dẫn (transistor) trong chip máy tính giảm và năng suất cùng công suất của hệ thống kỹ thuật số gia tăng. Ngoài ra, mạch vi điện tử hiện có mặt ở khắp mọi nơi và xã hội chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào chúng”.

“Chỉ phân khúc điện tử tiêu dùng mới bị tụt lại đằng sau trong việc ứng phó với vấn đề này. Đây là một vấn đề lớn đối với ngành công nghiệp và giới kỹ sư, nhưng không phải điều gì đó công chúng nói chung cần phải quá lo lắng”.

Quý Khải (theo Express)

Xem thêm: