Không cần đến những di chỉ, những tác phẩm nghệ thuật, những đại công trình kì vĩ và tráng lệ, đôi khi chỉ những cổ vật hết sức đơn sơ và nhỏ bé cũng giúp chúng ta hiểu thêm rất nhiều về một thời đã qua trong suốt con sông dài lịch sử.

1. Trang sức từ xương người

Trong xã hội ngày nay hay trong hầu hết những nền văn hóa Đông Tây, đeo xương của những thành viên trong gia đình đã khuất là một điều trái phép tắc và bị bài xích ghê gớm. Tuy nhiên, khoảng 1.300 năm trước đây, tại Mexico, với những người Zapotecs cổ, điều này lại mang một hàm nghĩa khác hẳn. Tại một di chỉ đàn tế lễ được tìm thấy vào năm 2015, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những chiếc xương hàm và các cổ vật khác như tượng, còi được tạo tác từ xương người. Chúng được chạm khắc và sơn cẩn thận.

Mặc dù một số các bức tượng nhỏ mô tả thần Xipe Totec, một vị thần đại diện cho sự hy sinh của con người, các nhà khảo cổ tin rằng những chiếc xương hàm được tìm thấy không phải là từ các nạn nhân tế thần. Thay vào đó, để củng cố quyền của mình trở thành một phần của cộng đồng, con cháu đã chọn một mảnh xương của những người thân đã khuất để mang theo người dưới dạng vật dụng hay đồ trang sức như một cách chứng minh sự liên hệ của họ với những thế hệ trước.  

2. Bộ răng giả cổ nhất thế giới

Trong quá trình khai quật bên ngoài  tu viện San Francesco ở Lucca, các nhà khảo cổ Ý đã phát hiện hơn 200 bộ xương cổ. Đặc biệt có một ngôi mộ gia đình với một hài cốt mang răng giả – đây có lẽ là bộ răng giả lâu đời nhất từng được phát hiện. Nó bao gồm năm răng cửa, răng nanh, và một số răng thật nhưng có khả năng có nguồn gốc từ răng của những người khác.

Những chiếc răng đơn lẻ được liên kết với nhau bởi một miếng vàng được đúc để vừa với nướu răng dưới của người dùng. Kết quả phân tích cho thấy rằng các lớp phủ trên răng chứa vàng, bạc và các kim loại khác. Cao răng tích tụ đã chứng minh rằng bộ răng giả đã được sử dụng trong một thời gian dài.

Những mô tả đầu tiên về răng giả được giới nghiên cứu tìm thấy trong các thư tịch cổ có từ thế kỷ 14 đến 17 nhưng bộ răng giả được tìm thấy tại San Francesco là nguyên mẫu đầu tiên được phát hiện, đánh dấu một mốc son sáng chói trong lịch sử nha khoa.

3. Cây kim Denisova

Là một trong những phát hiện khảo cổ giá trị nhất năm 2016, đây là một cây kim có chiều dài 7,6cm và được cho là chế tác bởi một loài người nguyên thủy đã tuyệt chủng, người Denisovan. Điều đặc biệt của cây kim này là nó được làm từ xương của một con chim cổ đại và vẫn có thể sử dụng tốt dù đã có tuổi đời lên tới 50.000 năm.

Nó cũng được công nhận là cây kim dài nhất từng được phát hiện tại khu vực hang Denisova. Theo giáo sư Mikhai Shunkov, viện trưởng Viện Khảo cổ và Nhân chủng học ở Novosibirsk, Siberia, cho biết. “Phát hiện này là bằng chứng cho thấy người Denisova vốn tuyệt chủng từ lâu có trình độ chế tác tinh xảo hơn rất nhiều so với quan niệm trước đây“. 

4. Ly cốc dùng một lần

Đồ gốm sứ dùng một lần là một xu hướng thịnh hành của giới tinh hoa Đức thế kỷ 15. Khi các nhà khảo cổ đào trong sân lâu đài Schloss Wittenberg tại Đức, họ đã tìm thấy rất nhiều mảnh vỡ của các loại cốc uống rượu. Chúng là các ly sứ được trang trí lộng lẫy với hình ảnh hoa văn và phù điêu. Ở đây, việc ném cốc chén sau khi đã ăn no, uống đủ dường như được xem như là một dấu hiệu của sự sung túc mà chỉ giới quý tộc mới có.

Cùng với cốc dùng một lần, người ta cũng tìm thấy rất nhiều xương động vật hoang dã. Rõ ràng, những buổi tiệc ngoài trời thường có rất nhiều rượu và một lượng lớn thịt thú rừng. Người ta dường như cũng chẳng quan tâm mấy đến việc thu dọn những mảnh vỡ vào ngày hôm sau bởi giới khảo cổ phát hiện được rất nhiều lớp gốm vỡ và xương động vật khác nhau.

5. Đồ chơi đất sét hình đầu gấu

Làm bằng đất sét nung, bên trong rỗng có tiếng “keng keng” là những gì người ta tìm thấy trong một vật thể lạ được cho là đồ chơi của trẻ em cổ đại tại Novosibirsk.

Khối vật thể lạ này có thể là đồ chơi giải trí của trẻ em thời tiền sử cách đây khoảng 4000 năm trước và nó cũng là một trong những đồ chơi cổ đại được tìm thấy lâu đời nhất trên thế giới cho đến hiện nay.

Dựa vào kết quả chụp X-quang, các chuyên gia cho rằng người tạo ra chúng đã thêm những viên đá nhỏ vào bên trong trước khi phong kín nó lại để tạo ra tiếng kêu khi lắc.

6. Trứng thảm họa

Sardis là một trong những thành phố cổ xưa của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó bị tàn phá bởi một trận động đất vào thế kỷ 17. Thiệt hại do trận động đất này đem lại khiến người ta phải mất rất nhiều thập kỷ để xây dựng lại. Trong năm 2013, trong một cuộc khai quật một tòa nhà được xây dựng lại sau thảm họa đó, cuối cùng người ta cũng hiểu làm thế nào người dân địa phương ứng phó với thảm họa. Bên dưới sàn nhà là hai chiếc hộp, mỗi hộp có chứa những món đồ giống hệt nhau: những công cụ nhỏ bằng đồng, một đồng xu, và một vỏ trứng.

Người dân Sardis sống vào thời kỳ mà những quả trứng có thể dùng để bảo vệ hay nguyền rủa một ai đó. Các đồng xu có niên đại từ năm  54-68 sau công nguyên – không lâu sau thảm họa, và một đồ vật mang hình ảnh của gấu và sư tử – được cho là nữ thần Cybele cai quản núi non và bão tố. Tượng điêu khắc bà là niềm hi vọng cho người dân khi đó rằng bà sẽ xua đi những trận động đất tương tự trong tương lai. Như vậy, những đồ vật kia dường như là cách của một cá nhân nào đó đối phó với những sự không chắc chắn và hiểm họa. Và các nghi lễ là một nỗ lực để bảo vệ tòa nhà mới và người cư ngụ từ những lời nguyền và các thảm họa thiên nhiên.

7. Kem bôi cổ đại

Hai ngàn năm trước đây, có lẽ một người đàn ông La Mã hoặc người phụ nữ đã đóng nắp hộp kem của họ, và nó vẫn chưa từng được mở cho đến tận năm 2003. Chiếc hộp đã được khai quật tại Quảng trường Tabard của một ngôi đền tại London có niên đại vào khoảng năm 50 sau Công nguyên. Chiếc hộp tròn này được làm bằng thiếc có đường kính khoảng 6 cm và nắp đậy không thấm nước. Do được làm bằng thiếc – một kim loại quý trong thời La Mã, chiếc hộp chỉ ra rằng nó thuộc về một người nào đó thuộc giới thượng lưu trong xã hội La Mã.

Thông thường, giới khảo cổ thường chỉ tìm thấy những vỏ hộp hoặc lọ đựng mỹ phẩm cổ xưa mà không có gì bên trong. Nhưng khi mở nắp chiếc hộp này, bên trong nó là một hỗn hợp thuốc mỡ trắng có mùi của lưu huỳnh. Không dừng lại ở đó, khi các nhà nghiên cứu nhìn bên dưới chiếc nắp, họ tìm thấy dấu vân tay của chủ sở hữu chiếc hộp in lên một lớp kem. Những thí nghiệm sau đó chắc chắn sẽ hé lộ thành phần của hỗn hợp và rất nhiều điều thú vị theo sau.

8. Những di vật dưới ống cống ở La Mã

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một cách khá độc đáo để tìm hiểu về cuộc sống của những người La Mã cổ đại, đó là khảo sát dọc theo đường ống dẫn nước tắm công cộng cổ. Nghe qua, phương pháp có vẻ là một công việc bẩn thỉu nhưng thực sự lại đem đến nhiều khám phá đầy hứa hẹn. Người ta đã kiểm tra các bể tắm từ năm quốc gia châu Âu. Tất cả đều được xây dựng và sử dụng từ khoảng thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ tư sau Công nguyên và chứa đựng rất nhiều điều thú vị.

Ngoài nước hoa, lọ dầu, nhíp kẹp dùng cho việc tắm, một con dao và những mẫu răng được tìm thấy chỉ ra rằng thời bấy giờ cũng tồn tại những hoạt động chăm sóc y tế. Trong khi đó, việc tìm thấy xúc xắc và tiền xu khiến người ta liên tưởng đến những thú chơi cờ bạc. Tiếp theo, hàng đống đồ trang sức quý cũng là bằng chứng cho thấy người La Mã đã cởi bỏ quần áo trước khi xuống bể, nhưng vẫn mang theo mình những món đồ giá trị.

Họ cũng thường sử dụng đồ ăn trong khi ngâm mình dưới nước vì rất nhiều chén, bát và vỏ hến, sò ốc, hạt thuốc phiện, xương thịt nai, thịt dê, thịt lợn, thịt cừu, thịt bò và gà đã được tìm thấy. Bất ngờ hơn, người ta cũng phát hiện cả những chiếc kim và cọc chỉ. Điều này chứng tỏ rằng người thời đó cũng thường may vá tại các khu vực không dành cho việc tắm.

9. Đồng hồ mặt trời bỏ túi

Vào năm 1760, người ta tình cờ phát hiện trong đống đổ nát sau vụ phun trào núi lửa Vesuvius một vật thể kim loại khá đặc biệt. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học xác định rằng nó là một chiếc đồng hồ mặt trời bỏ túi. Tuy nhiên, người ta đặt biệt danh cho nó là “đồng hồ con lợn” vì nó có hình dạng như một chiếc đùi lợn được treo lên. Gần đây, người ta chế tạo ra một bản sao bằng nhựa bằng cách sử dụng máy in 3-D.

Chiếc đồng hồ hài hước này cần một bàn tay lành nghề để sử dụng, vì nó được treo lủng lẳng trên một sợi dây và không dễ để đọc ra thông tin do nó thường chịu ảnh hưởng của gió. Từ xưa đến nay, các nhà khảo cổ chỉ phát hiện được 25 đồng hồ mặt trời, và đồng hồ Herculaneum có lẽ là một trong những chiếc lâu đời nhất.

10. Mô hình xe ngựa đua bí ẩn

Trong Bảo tàng Anh có đặt một cỗ xe đồ chơi 2.000 tuổi từng được vớt lên từ sông Tiber vào năm 1890. Người ta cho rằng nó được tạo ra bởi một nghệ nhân với kiến ​​thức chuyên sâu về các phương tiện thực tế. Đáng chú ý hơn, nó gợi mở ra những bí mật về cách tránh việc đổ lật xe khi chuyển hướng của các xe ngựa.

Nhìn vào bánh xe bên phải, chúng ta có thể thấy người thời đó đã biết trang bị lốp bằng sắt cho bánh xe. Điều này có ý nghĩa rất lớn. Trong khi rẽ trái ở tốc độ cao, bánh bên phải đối mặt với áp lực rất lớn. Chính vì vậy, dùng lốp sắt sẽ hợp lý hơn rất nhiều so với việc dùng gỗ hay lốp làm từ da sống. Vì lốp sắt sẽ khiến cỗ xe cứng cáp và ổn định hơn so với xe bánh gỗ thông thường, giúp tăng cơ hội thành công lên tới 80 phần trăm.

Theo Listverse

Tôn Kiên

Xem thêm: