Ai cũng nghĩ rằng vàng, bạc là những kim loại hiếm nhất hiện nay nhưng ít ai biết rằng còn có những kim loại khác còn hiếm và đắt hơn rất nhiều nhờ tính năng sử dụng quý giá đặc biệt của chúng. 

Dưới đây là 10 kim loại quý hiếm hàng đầu thế giới mà bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi biết về tên và công dụng của chúng:

1. Indi

Indi là một kim loại yếu, mềm, dễ uốn và dễ nóng chảy, ở dạng kim loại tinh khiết được nhiều nguồn tài liệu cho là không độc hại. Về mặt hóa học, Indi tương tự như nhôm và gali nhưng tương đồng như kẽm là nhiều hơn cả ( vì các quặng kẽm cũng là nguồn chủ yếu chứa kim loại này).

Khi ở dạng kim loại nguyên chất và bị uốn cong thì Indi phát ra các tiếng kêu răng rắc, tựa như thiếc. Cả gali và indi đều có thể làm ướt thủy tinh.

Một thanh Indi nguyên chất. (Ảnh: livescience.com)

Indi được sử dụng nhiều nhất hiện nay để tạo ra các điện cực trong suốt dùng trong các màn hình tinh thể lỏng (LCD) hoặc tạo ra các màng mỏng để tạo ra các lớp bôi trơn. Indi đứng thứ 61 về độ phổ biến trong lớp vỏ Trái Đất, nghĩa là nó có nhiều gấp ba lần bạc. Indi được sản xuất chủ yếu từ các cặn bã còn lại sau khi tinh chế quặng kẽm.

2. Bạc 

Từ xa xưa, người ta đã dùng bạc trong trao đổi đổi và buôn bán hàng hóa cùng cơ sở cho nhiều hệ thống tiền tệ. Ngoài ra, bạn còn được dùng làm đồ trang sức, linh kiện điện tử hoặc sản xuất gương cần độ phản xạ cao. Đặc biệt là các muối hợp chất muối halogen của bạn có nhiều ứng dụng như bạc nitrat được sử dụng rộng rãi trong công nghệ lưu phim ảnh; hay Iốtđua bạc có thể làm tụ mây để tạo mưa nhân tạo.

(Ảnh: colourbox.dk)

Bạc tự bản thân nó không độc nhưng nhiều hợp chất muối của nó lại rất độc và có thể gây ung thư. Nhìn chung, bạc có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người như tính năng sát khuẩn, diệt trùng vô cùng tốt. Đấy là lý do tại sao bát, đĩa hay đũa ăn cơm của vua chúa ngày xưa lại được làm bằng bạc hay nhiều nhà sản xuất thiết bị điện lạnh như Toshiba, Panasonic, Samsung ứng dụng công nghệ nano bạc trong tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, máy giặt với mục đích sát khuẩn.

Còn ở Việt Nam chúng ta, người dân cũng áp dụng tính năng này bằng cách đeo dây chuyền bạc hay vòng đeo tay bằng bạc  để “kỵ gió”, “phòng bệnh”.

3. Rhenium

Rhenium là một trong những kim loại hiếm nhất hiện nay trong vỏ Trái Đất. Chúng tương tự như mangan về mặt hóa học và thu được dưới dạng phụ phẩm trong tinh chế molypden và đồng. Nhiệt độ nóng chảy của Rhenium thuộc hàng cao nhất hiện nay, chỉ có wolfram (3.695 K) và cacbon (4.300-4.700 K) là đứng trên nó.

Thông thường Rhenium ở dạng bột nhưng nguyên tố này có thể cô đặc hơn bằng cách ép và thiêu kết trong chân không hay môi trường khí hiđrô. Quy trình này tạo ra sản phẩm chắc đặc với tỷ trọng khoảng trên 90% tỷ trọng riêng của kim loại này. Khi ủ kim loại này trở nên rất mềm và có thể uốn cong hay kéo thành cuộn.

Những thỏi Reni tinh khiết. (Ảnh: wemedia.ifeng.com)

Với nhiệt độ nóng chảy cao như vậy, Rhenium là kim loại quan trọng trong ngành cơ khí chế tạo máy móc chịu nhiệt cao như động cơ phản lực của tên lửa, máy bay. Hợp kim của Reni với vonfram dùng làm dây tóc bóng đèn điện, chế tạo pin nhiệt điện. Reni còn được dùng làm chất xúc tác trong công nghiệp lọc – hoá dầu.

Vì là một kim loại hiếm nên việc khai thác rất phức tạp và tiền của. Được biết giá của kim loại này tăng nhanh trong đầu năm 2008, từ khoảng 1.000 – 2.000 USD/ kg trong giai đoạn 2003-2006 tới trên 10.000 USD/ kg trong tháng 2 năm 2008.

4. Paladi

Paladi là kim loại màu trắng bạc và mềm, trông tương tự như platin (bạch kim), được phát hiện năm 1803 bởi William Hyde Wollaston. Ở nhiệt độ phòng và áp suất khí quyển, paladi có thể hấp thụ hiđrô tới 900 lần thể tích của nó, điều này làm cho paladi là chất lưu trữ hiệu quả và an toàn cho hiđrô và các đồng vị của hiđrô.

Tinh thể Paladi. (Ảnh: app.hedgeye.com)

Paladi  có tỷ trọng riêng nhỏ nhất và điểm nóng chảy thấp nhất trong số các kim loại nhóm platin. Nó mềm và dễ uốn khi tôi luyện và tăng sức bền cũng như độ cứng lên rất nhiều khi gia công nguội. Paladi cũng chống xỉn màu tốt, dẫn điện ổn định và khả năng chống ăn mòn hóa học cao cùng chịu nhiệt tốt.

Các tính chất độc đáo của Paladi và các kim loại cùng thuộc nhóm platin (viết tắt là PGM gồm Paladi, platin, rhodi, rutheni, iridi và osmi) sử dụng nhiều trong các bộ chuyển đổi xúc tác, trong đó chúng chuyển hóa tới 90% các khí độc hại từ khói ô tô.

5. Osimi (Osmium)

Osimi là một trong những kim loại nặng nhất trên Trái Đất, nó là chất chịu nhiệt tốt nhất trong những kim loại thuộc nhóm platin (PGM), nhiệt độ nóng chảy của nó là 3030o; ở trạng thái rắn, osimi có một màu trắng hơi xanh tương tự như kẽm và vững bền với các axit.

Tinh thể Osimi. (Ảnh: Wikipedia)

Kim loại này được dùng chủ yếu trong các hợp kim không gỉ dùng để bịt đầu các ngòi bút hoặc các trụ bản lề dụng cụ. Ngoài ra, Osimi kết hợp với Rutheni có khả năng chữa bệnh ung thư ruột và ung thư buồng trứng.

Giá của Osimi cũng không hề thấp, năm 2010, 1kg osimi có giá khoảng 12.700USD.

6. Iridi (Iridium)

Iridi là một trong những nguyên tố hiếm nhất trên hành tinh chúng ta. Nó là một kim loại cứng, màu trắng bạc thuộc nhóm platin (PGM), là kim loại chống ăn mòn tốt nhất, thậm chí là ở nhiệt độ cao khoảng 2000 °C. Mặc dù chỉ các muối nóng chảy và halogen nhất định mới ăn mòn iridi rắn, bụi iridi mịn thì phản ứng mạnh hơn và thậm chí có thể cháy.

Tinh thể Iridi. (Ảnh: Wikipedia)

Với những tính chất đặc biệt, Iridi đóng vai trò quan trọng trong các ngành y khoa, điện tử, ô tô cũng như các mặt hàng tiêu dùng khác như bút bi, đồng hồ, và la bàn.

Ví dụ:

Với khả năng chống ăn mòn cao, Iridi được dùng trong các nồi nung làm tái kết tinh của các chất bán dẫn ở nhiệt độ cao, các điện cực trong sản xuất clo và máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ được dùng trong phi thuyền không gian. Trong công nghiệp ôtô, iridi được dùng làm bugi đánh lửa.

Buigi đánh lửa ô tô làm từ Iridi. (Ảnh: m.dhgate.com)

Giá trung bình của Iridi hiện nay rơi vào khoảng 13.500 USD/kg và tìm thấy nhiều tại Nam Phi.

7. Ruteni (Ruthenium)

Ruteni là một kim loại màu trắng, cứng,  có 4 biến thể kết tinh và không bị xỉn đi ở nhiệt độ bình thường, nhưng bị ôxi hóa dễ dàng trong không khí. Rutheni hòa tan trong kiềm nóng chảy, không bị các axit ăn mòn nhưng bị các halogen ăn mòn ở nhiệt độ cao.

Một thanh Ruthenium bị gãy. (Ảnh: Wikipedia)

Một lượng nhỏ rutheni có thể làm tăng độ cứng của platin và paladi nên Rutheni được dùng trong các hợp kim platin và paladi để chế tạo các tiếp điểm điện chống mài mòn hay 0,1% rutheni được bổ sung vào titan để cải thiện khả năng chống ăn mòn của nó lên hàng trăm lần.

Về mặt sinh học, Rutheni có thể làm sạm màu da người, và có thể là chất gây ung thư và tích lũy sinh học trong xương. Tuy nhiên , giá của chúng khá là đắt đỏ, khoảng 14.500 USD/kg (năm 2009).

8. Vàng

Người ta thường có câu: “Quý như vàng” để ám chỉ giá trị của chúng đối với cuộc sống. Vàng là kim loại có màu vàng khi thành khối nhưng khi cắt nhuyễn cũng có khi có màu đen, hồng ngọc hay tía; mềm, dễ uốn, dễ dát mỏng, và chiếu sáng.

Vàng kết hợp với các kim loại khác nhau sẽ cho ra các hợp kim có màu khác nhau, như kết hợp với đồng cho màu đỏ hơn, hợp kim với sắt cho màu xanh lá, hợp kim với nhôm cho màu tía, với bạch kim cho màu trắng.

(Ảnh: medium.com)

Vàng không phản ứng với hầu hết các hoá chất nhưng lại chịu tác dụng của nước cường toan cũng như  chịu tác động của dung dịch xyanua của các kim loại kiềm.

Thời xưa, vàng được khai thác nhiều nhằm sử dụng cho việc đúc tiền; ngày nay ứng dụng nhiều trong y học, giúp làm giảm đau và sưng do thấp khớp và lao nhưng chỉ có các muối và đồng vị của nó mới thực hiện được. Ngoài ra,  vàng là một chất phản xạ tốt với bức xạ điện từ nên nó được dùng làm lớp phủ bảo vệ cho nhiều vệ tinh nhân tạo, trong các tấm bảo vệ nhiệt hồng ngoại và mũ của các nhà du hành vũ trụ.

9. Bạch kim (Platium)

Bạch kim là một trong các kim loại quý hiếm nhất hiện nay trong vỏ Trái Đất với mật độ phân bố trung bình khoảng 0,005 mg/kg, màu trắng xám, khó bị ăn mòn, nhiệt độ nóng chảy lên tới 3215oF.

Ở dạng tinh khiết, Platin có màu trắng bạc, sáng bóng, dẻo và dễ uốn. Nó không bị ôxy hóa ở bất cứ nhiệt độ nào, tuy nhiên có thể bị ăn mòn bởi các halogen, xianua, lưu huỳnh và dung dịch kiềm ăn da. Platin không hòa tan trong axít clohiđric và axít nitric, nhưng tan trong nước cường toan.

(Ảnh: Quantrimang.com)

Vì là một kim loại nặng, nó có ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe khi tiếp xúc với các muối của nó nhưng do khả năng chống ăn mòn cho nên nó ít độc hại hơn so với các kim loại khác.

Platin được dùng trong ngành trang sức, thiết bị thí nghiệm, các điện cực, thiết bị y tế và nha khoa, các thiết bị xúc tác hóa học, điều khiển mức độ phát thải khí trong xe hơi. Nó cũng không gây dị ứng cho da người nên bạn có thể yên tâm sử dụng các vật dụng từ platium.

Platin là một vật liệu khan hiếm, quý và rất có giá trị bởi vì sản lượng khai thác hằng năm chỉ tầm vài trăm tấn. Vì vậy giá thành của nó khá cao, khoảng 40.000USD/kg.

10. Rhodi (Rhodium)

Rhodi là một kim loại màu trắng bạc, cứng và bền, ở trạng thái kim loại thông thường không tạo ra ôxit, ngay cả khi bị nung nóng. Nó không bị phần lớn các axít ăn mòn: nó hoàn toàn không hòa tan trong axít nitric và chỉ hòa tan một chút trong nước cường toan. Hiện tượng tan hoàn toàn của rhodi ở dạng bột chỉ thu được trong axít sulfuric.

(Ảnh: Wikipedia)

Rhodi chủ yếu được sử dụng làm tác nhân tạo hợp kim để làm cứng platin và paladi. Các hợp kim này được dùng trong các trục cuốn và ống lót của lò luyện để sản xuất các sợi thủy tinh, các thành phần của cặp nhiệt điện, các điện cực cho bugi của tàu bay và các nồi nấu trong phòng thí nghiệm.

Do nguồn cung cấp rất khan hiếm nên giá của nó rất cao, có thời điểm trong năm 2008 giá đạt trên 10.000USD/oz. Sản lượng Rodi hàng năm trên thế giới rất nhỏ, và chủ yếu đến từ Nam Phi. Để so sánh, khoảng 2.500 tấn vàng được sản xuất mỗi năm, trong khi đó sản lượng Rodii hàng năm chỉ bằng khoảng 1% sản lượng vàng, và giá thì cao hơn gấp rưỡi giá vàng.

Chú thích: “oz” hay còn gọi là Ounce là đơn vị đo lường dùng cho kim loại quý, 1,1 ounce thường xấp xỉ 0,031kg (1 ounce = 28,35g).

Video:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Sơn Tùng