Các dân tộc cổ đại trên khắp thế giới đều có chung một đặc điểm: đó là sùng thượng vàng. Tại sao vàng lại đặc biệt như vậy? Giới khoa học nhận định rằng vàng đến từ vụ nổ của một ngôi sao neutron. Liệu chuyện cổ đại lưu truyền “điểm đá hóa vàng” có khả năng là chân thực?

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp. Hôm nay chúng ta sẽ nói về vàng.

Vàng được sùng thượng

Nhắc đến vàng, ai cũng quen thuộc, từ cổ kim nội ngoại, vàng đều được mọi người yêu thích và thậm chí sùng bái. Trong số các nền văn minh cổ đại trên thế giới, từ Ai Cập cổ đại, Trung Quốc cổ đại, Hy Lạp cổ đại, thậm chí cả thổ dân da đỏ châu Mỹ cổ đại sống biệt lập, tất cả không có ngoại lệ, đều coi vàng là báu vật và là đối tượng thờ cúng.

Ở Ai Cập cổ đại, người ta tin rằng vàng cấu thành thân thể của các vị Thần (the flesh of the Gods), sắc kim và sắc vàng là màu của Mặt Trời và ánh sáng Mặt Trời, vì vậy vàng cũng được coi là bất hủ, vĩnh hằng và không thể hủy diệt giống như Mặt Trời. Vì vậy, trong văn tự Ai Cập cổ đại, chữ “vàng” có hàm nghĩa là “Mặt Trời có thể tiếp xúc”.

Người Ai Cập cổ đại vô cùng ái mộ vàng. Thật trùng hợp, gần thác nước đầu tiên của sông Nile, Nubia, trên biên giới giữa Ai Cập và Sudan, có một mỏ vàng khổng lồ. Khảo cổ phát hiện, lịch sử khai thác vàng ở khu vực này đã vượt qua 6.000 năm, có thể thấy người Ai Cập cổ đại đã bắt đầu sử dụng vàng từ rất sớm và sử dụng rộng rãi. Trong các văn vật Ai Cập cổ đại đã được khai quật ngày nay, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy vàng, bùa hộ thân, tượng Thần, vương miện, đồ trang sức, gia cụ, tranh tường, v.v. Trong đó nổi tiếng nhất là kho báu của Bảo tàng Quốc gia Ai Cập, chiếc mặt nạ vàng của xác ướp Tutankhamun, được triển lãm tại Đài Loan vào năm 2020. Người xem triển lãm đều tán thưởng, tay nghề tinh xảo, tỉ mỉ, dung mạo sáng ngời như mới, bạn có tưởng tượng được đây là một cổ vật đã có lịch sử hơn 3.300 năm? Có lẽ đây là điều mê diệu của vàng. Sau hàng nghìn hàng vạn năm, nó vẫn không rỉ, không mục nát hay bạc màu, như thể nó nghiễm nhiên siêu thoát ra ngoài trường thời gian.

Thật trùng hợp, người Inca cổ đại ở Nam Mỹ cũng thập phần si mê vàng. Nam Mỹ rất giàu vàng, người Inca thờ Thần Mặt Trời và tin rằng vàng là mồ hôi của Thần Mặt Trời, đó là lý do tại sao “Điện thờ Thần Mặt Trời” (Museo de Sitio Qorikancha) của người Inca được dát đầy vàng từ trong ra ngoài. Colombia, nơi từng được mệnh danh là “đất nước của vàng”, có bảo tàng vàng ở thủ đô Bogota, đây là nơi thu tàng hiện vật bằng vàng lớn nhất thế giới, thu tàng các hiện vật bằng vàng của người Inca từ năm 2000 trước Công nguyên, tức là hơn 4000 năm trước đây, cho đến các hiện vật vàng thế kỷ 16, tổng cộng gần 3 vạn hiện vật bằng vàng, từ đồ trang sức trong cuộc sống thường nhật, đến các dụng cụ tế lễ, mọi thứ đều có, trong đó có rất nhiều đều dùng vàng lá hoặc vàng sợi để chế tác thành. Vàng lá mỏng như tờ giấy, vàng sợi nhỏ như sợi tóc, tất cả đều được gia công tinh mỹ. Những bạn đã xem qua triển lãm nói, mặc dù trong bảo tàng không có chú giải bằng tiếng Trung, nhưng bản thân những vật phẩm triển lãm tinh mỹ này mang đến cho người ta độ chấn động và kinh ngạc mà không ngôn ngữ nào có thể hình dung. Những dân tộc luôn bị coi là “dã man” trong ấn tượng của chúng ta, rốt cuộc đã từng có một nền văn minh huy hoàng nào?

Không chỉ vậy, người Babylon cổ đại cũng thờ Thần Mặt Trời giống như người Ai Cập cổ đại, tượng Thần chế bằng vàng đâu đâu cũng có thể nhìn thấy. Người Sumer cổ đại dùng vàng để đúc  Thần ngưu, đặt vào Thần điện để thờ cúng. Ở Hy Lạp cổ đại, vàng được mô tả là “đứa con của thần Zeus”. Ở La Mã cổ đại, vàng là tên của nữ Thần bình minh.

Ngay cả trong “Kinh Thánh”, sự xuất hiện của vàng còn có một ý nghĩa trọng yếu khác thường. Sau khi nhà tiên tri người Do Thái Moses đưa 400 ngàn người dân Israel vượt Biển Đỏ ra khỏi Ai Cập, tuân chiếu theo chỉ ý của Thượng Đế, ông đã đóng một chiếc “Hòm Giao ước”, dùng để lưu giữ “Những lời răn của Thượng Đế”. Và thánh vật trọng yếu nhất của dân tộc Do Thái chính là chiếc hòm giao ước bằng gỗ bọc vàng này. Trong “Xuất Ai Cập Ký” (The Message of Exodus)  của “Thánh Kinh”, chiếc Hòm Giao ước này được mô tả tường tận, “trong ngoài đều được bọc vàng nguyên chất, bốn góc đều được bịt vàng, đúc bốn cái vòng vàng, đặt dưới bốn chân của hòm”, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết đến các bạn về “Hòm Giao ước” trong thời gian tới. Và trong một sự kiện vô cùng trọng yếu khác là sự giáng sinh của Chúa Giê-su cũng có bóng dáng của vàng. Theo ghi chép, có ba vị đạo sĩ phương Đông đã đến chúc tụng và tặng ba lễ vật, trong đó có một lễ vật là vàng. Còn chưa hết, như được mô tả trong sách Khải Huyền của Kinh Thánh, sách dự ngôn tương lai, thủ đô của tân thế giới mới sau kiếp nạn, Jerusalem mới, sẽ có những con đường làm bằng vàng ròng.

Trong văn hóa phương Đông, vàng lại càng có ý nghĩa phi phàm. Bởi vì trong Phật giáo, tín ngưỡng phổ biến ở phương Đông, người ta tin rằng thân thể của Đức Phật là sắc vàng kim. Trong Kinh Phật nói, thân thể của Phật Thích Ca và Đức Chuyển Luân Thánh Vương có ba mươi hai ngoại mạo và đặc trưng, trong đó đặc trưng thứ 16 là “thân người to lớn sắc vàng kim. Như vàng mài tím”, nó có ý nghĩa là, giống như thành Jerusalem mới của tương lai, thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà ở Tây phương cũng lấp lánh ánh vàng, ngay cả thân thể của chúng sinh trong thế giới Cực Lạc đều là sắc vàng kim. Vì vậy, người dân ở các quốc gia Đông phương đắp tượng Phật, nhỏ thì dùng vàng ròng chế tạo, lớn thì toàn thân tượng thếp vàng, không đủ thực lực kinh tế, thì cũng phải có một lớp sơn son thếp vàng, có thể nói là, nhất định tượng Phật phải lấp lánh ánh vàng thì mới hiển xuất được thành ý, mới có thể thể hiện “bảo tướng trang nghiêm”.

Vàng được sinh ra thế nào?

Đã nói nhiều như vậy, sự bảo quý của vàng từ đâu mà đến? Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn biết.

Vàng là kim loại nặng, có ký hiệu hóa học là Au và số hiệu nguyên tử là 79. Đây là một trong những nguyên tố kém hoạt động nhất về tính chất hóa học, không dễ kết hợp với các nguyên tố khác để tạo thành hợp chất, do vậy nó tự nhiên không dễ bị rỉ sét và ăn mòn.

Vậy, kim loại nặng ổn định này được tạo ra như thế nào trong vũ trụ? Đây là một bí ẩn mà các nhà khoa học đã muốn tìm hiểu trong một thời gian dài. Vào đầu thế kỷ này, Hội đồng Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã đưa ra 11 câu hỏi chưa có lời giải trong vật lý, một trong số đó là cơ chế hình thành và nguồn gốc của các nguyên tố nặng hơn sắt trong vũ trụ, bao gồm cả vàng.

Về cách nguyên tố vàng được sinh ra như thế nào, giới khoa học luôn tin rằng nó là sản vật của một vụ nổ siêu tân tinh, vào năm 2013, các nhà khoa học tại Đại học Harvard đề xuất thêm rằng nó có thể được tạo ra khi các sao neutron va chạm với nhau, nhưng chứng cứ trực tiếp rất khó tìm. Bởi vì sao neutron là sản vật sau vụ nổ của một siêu tân tinh gây ra bởi sự sụp đổ lực hấp dẫn của các hằng tinh khối lượng lớn vào cuối quá trình diễn hóa của chúng. Sau vụ nổ có thể lại sản sinh ra một sao lùn trắng, chính là ngôi sao đồng hành của Sao Thiên Lang mà chúng tôi đề cập ở chuyên mục lần trước, nó có thể chính là một sao neutron hoặc cũng có thể là một lỗ đen. Một sao neutron điển hình có khối lượng từ 1,35 đến 2,1 lần khối lượng của Mặt Trời, nhưng bán kính chỉ từ 10 đến 20 km, so với Mặt Trời, nó chỉ là một hạt bụi nên rất khó quan sát thấy. Mặc dù các nhà thiên văn đã dự đoán về sự tồn tại của sao neutron vào năm 1934, nhưng mãi cho đến năm 1967 mới tìm thấy một sao neutron. Muốn tìm kiếm hai ngôi sao neutron có hiện tượng va chạm nhau, điều đó càng khó.

Thật trùng hợp, vào năm 2017, các nhà thiên văn học đã thực sự quan sát thấy một hiện tượng hiếm gặp về sự va chạm và hợp nhất của hai sao neutron. Đài quan sát sóng hấp dẫn giao thoa kế laser (LIGO) ở Hoa Kỳ đã đo được sự thay đổi màu sắc và cường độ của quang phổ lần đầu tiên tại thời điểm va chạm, từ đó suy đoán rằng ngoài các nguyên tố ánh sáng, một số lượng lớn các nguyên tố nặng, chẳng hạn như vàng, cũng được tạo ra trong quá trình hợp nhất của các sao neutron. Edo Berger, giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Harvard, ước tính rằng vụ va chạm tạo ra lượng vàng nặng gấp mười lần Mặt Trăng, một trọng lượng đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, ngay cả khi lượng vàng này bay về phía Trái Đất thì cũng phải mất hàng trăm triệu năm mới tới được Trái Đất, vì vậy những ai đang nghển cổ chờ vàng từ trên trời rơi xuống, có thể tạm thời thảnh thơi một chút.

Chúng ta tiếp tục nói về những phát hiện của các nhà khoa học. Các nhà khoa học còn suy luận thêm rằng vụ nổ lớn (Big Bang) xảy ra vào thời kỳ hỗn mang trong vũ trụ đã giải phóng một lượng lớn neutron và proton, là nguồn gốc của tất cả các nguyên tố. Sự hợp nhất của hai sao neutron đã tạo ra các kim loại nặng như vàng, bạch kim, chì và urani. Những nguyên tố nặng này trôi nổi trong vũ trụ, hỗn tiến vào Hệ Mặt Trời, trong đó có một số nguyên tố sau đó định cư trên Trái Đất. Tuy nhiên, vì Trái Đất vẫn ở trạng thái nóng chảy khi mới hình thành, và do vàng tương đối nặng nên hầu như tất cả vàng hình thành trong thời kỳ đầu của Trái Đất đều chìm sâu vào trong lõi, trên mặt đất không thể nhìn thấy nó.

Vậy vàng mà chúng ta thấy hiện tại đến từ đâu? Các nhà khoa học cho rằng đó là do sự kiện va chạm với các tiểu hành tinh trong 4 tỷ năm qua sinh ra. Có nghĩa là, vàng trong tay chúng ta bây giờ đều là “khách từ ngoài hành tinh”. Thật thú vị, phải không? Đừng coi thường những tiểu hành tinh, vào năm 1998, NASA đã phóng một tàu vũ trụ để thăm dò tiểu hành tinh gần Trái Đất số 433 “Eros” để làm thám trắc cự ly gần. Sau khi tiến hành phân tích dữ liệu đưa về, NASA ước tính nó chứa khoảng 20 tỷ tấn vàng ròng. Quả là một con số khổng lồ! Ngay sau khi phát hiện này được công bố, nó lập tức dấy lên làn sóng thảo luận về cơn sốt tìm vàng ngoài không gian. Tuy nhiên, vì phương diện công nghệ thực tại khó đạt được, nên “cơn sốt vàng ngoài không gian” đã sớm tàn.

Biến đá thành vàng?

Nói đến đây, một số người có thể đặt câu hỏi, liệu vàng có khả năng là sản vật địa phương không? Ở Trung Quốc cổ đại, có một câu chuyện điểm đá thành vàng, còn ở thời phương Tây cổ đại, thuật giả kim đã một thời phổ biến. Điều này có phải là vô căn cứ không?

Chúng ta hãy bắt đầu với câu chuyện về điểm đá thành vàng. Điển cố này xuất phát từ một nhân vật Đạo giáo nổi tiếng ở thời nhà Tấn, được gọi là Hứa Tốn thiên sư. Hứa Tốn năm đó tu Đạo nhưng không xuất gia, sống một cuộc sống bình thường, thậm chí còn ra làm quan, trở thành huyện lệnh. Thời đó, mỗi lần thu thuế thiếu, ông lại biến đá thành vàng, lấy đó để bù thuế thiếu hụt, không bắt bách tính chịu khổ. Ngoài ra, ông còn nhiều lần trị lý lũ lụt nên rất được lòng dân. Ngày Hứa Tốn tu thành vừa khớp là ngày Tết Trung Thu 15 tháng 8, Đạo gia tu thành giảng bạch nhật phi thăng, còn được phép mang theo gia quyến. Do đó đương thời quang cảnh vô cùng tráng lệ, bách tính bốn phương tám hướng đều đến xem, tán thán không ngừng. 

Một nhân vật quan trọng khác trong Đạo giáo, Lã Động Tân, một trong tám vị Bát Tiên, cũng có một điển cố về “Điểm đá thành vàng”. Tương truyền, Tiên nhân Chung Ly Quyền khi độ hóa Lã Động Tân, liền đưa ông một khăn gói, yêu cầu đi đâu cũng phải đeo sau lưng. Ba năm qua đi, có một ngày Lã Động Tân vô tình làm rơi khăn gói xuống vách đá, khi nhặt nó lên, ông đột nhiên phát hiện ra đó là một hòn đá lớn. Tiên nhân Chung Ly Quyền nói với ông, đeo đá một mặt là để ma luyện ý chí của ông, mặt khác là tương lai có thể biến đá thành vàng, dùng khi cần thiết. Chỉ thấy Chung Ly Quyền miệng niệm niệm một câu, trong nháy mắt hòn đá quả thực đã biến thành một khối vàng rực rỡ. Chung Ly Quyền hỏi Lã Động Tân có muốn học pháp thuật này không, Lã Động Tân hỏi lại: Viên đá biến thành vàng này có thể bảo tồn được bao lâu? Chung Ly Quyền nói: Sau 500 năm nó lại biến trở lại thành đá. Nghe đến đây, Lã Động Tân cự tuyệt học điểm kim thuật, cho rằng mình sẽ hại hậu nhân 500 năm sau. Chung Ly Quyền đối với điều này càng tán thưởng, cho rằng Lã Động Tân cảnh giới thật cao, rất sớm sẽ đắc đạo thành Tiên.  

Vì vậy, trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, người ta tin rằng có “điểm kim thuật” có tồn tại, nhưng đối với người thường thì không, chỉ những người tu hành có đạo đức cao thượng, thực hành nó vì thiện tâm và vì lợi ích của người khác, mới có thể thi triển được loại pháp thuật đó.

Và luyện kim thuật của phương Tây cũng kỳ diệu tương tự như vậy. Nói thế nào? Các thuật sĩ luyện kim thời cổ đại đã dày công tìm kiếm để luyện chế ra “Hòn đá hiền giả” (Philosopher’s stone), một loại vật chất có thể biến những kim loại nặng phi quý thông thường thành vàng, hoặc chế tạo ra một loại thuốc vạn năng có thể giúp con người trường sinh bất lão, hoặc chữa lành bách bệnh. Quá trình luyện chế này chẳng phải khá giống với sở thuyết trong văn hóa tu luyện Trung Quốc về tầm Tiên phóng Đạo, tu thành thân thể trường sinh bất lão, luyện xuất đại thần thông sao? Thời Trung Cổ từng thực sự có một người đã luyện thành “Hòn đá hiền giả”, và Newton, người khổng lồ trong giới khoa học, cũng được mệnh danh là “thuật sĩ luyện kim cuối cùng”. Những câu chuyện về phương diện này, tương lai có cơ hội, chúng tôi sẽ làm một chuyên mục chi tiết hơn.

Trong quá trình phát triển sau này của thuật luyện kim phương Tây, người ta dần dần chú ý đến tầng diện vật chất nhiều hơn, chỉ xem xét cách sử dụng các kim loại đã biết để tạo ra các hợp kim trông giống như vàng bằng cách điều chỉnh các tỷ lệ khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp này không làm thay đổi thành phần nguyên tử trong hợp kim, tức là không thay đổi nguyên tử lượng của tất cả các nguyên tử kim loại khác thành nguyên tử lượng của vàng là 79, vì vậy, cùng lắm nó chỉ là mạ vàng bên ngoài, không thể luyện xuất ra vàng. Khoa học hiện đại nhìn nhận rằng, muốn đả động đến tầng diện nguyên tử của sự vật, phương thức vật lý và hóa học thông thường không thể đạt tới, chỉ có thể sử dụng phương thức phản ứng tổng hợp hoặc phân hạch hạt nhân, cách này có giá thành quá cao. Sau khi minh bạch đạo lý này, luyện kim thuật của phương Tây đến cận đại đã dần dần suy tàn.

Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch