Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang buộc các công ty tại Trung Quốc phải đẩy nhanh kế hoạch chuyển một phần chuỗi cung ứng của mình ra khỏi lục địa, và các nước Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển này.  

Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đã và đang diễn ra trong vài năm qua do chi phí lao động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng lên. Và xu hướng này đang được đẩy nhanh thời gian gần đây khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang, khiến nhiều doanh nghiệp phải chuyển nhà máy sang các nước châu Á khác.

Chia sẻ trên trang tin SCMP, Gerry Keefe – giám đốc bộ phận châu Á – Thái Bình Dương của Citigroup, cho biết các nhà máy đang được chuyển ra quanh khu vực ASEAN và với diện rộng.

“Đây là những quyết định lớn, chiến lược, mang tính dài hạn mà các công ty cần phải suy tính,” ông Keefe nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh thuế trị giá 250 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm tìm cách giảm thâm hụt thương mại với Bắc Kinh và buộc nước này ngừng những hành động thương mại bất công, bao gồm cả việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ. Phía Trung Quốc cũng đáp trả bằng việc áp thuế với 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Các cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ và Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cùng được thực hiện vào tháng 9 cho thấy biện pháp đánh thuế của Mỹ có thể khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp đại lục tăng trong khi lợi nhuận giảm. Nhiều doanh nghiệp cũng đang cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á, giống với nhận định của Citigroup.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào cuối tháng 11. Thị trường đang hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau.

Tuần trước, ông Trump đã có một cuộc điện thoại dài với ông Tập mà nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá là rất tốt.

Mặc dù căng thẳng thương mại leo thang, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vẫn tăng trong năm nay sau khi sụt giảm vào năm 2017.

Theo số liệu mới nhất từ ​​Bộ Thương mại Trung Quốc, các khoản đầu tư trực tiếp phi tài chính của Trung Quốc ra nước ngoài đã tăng 5,1% lên 82,02 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2018. Có 4.597 doanh nghiệp đầu tư vào 155 quốc gia và khu vực trong giai đoạn này.

Trong cả năm 2017, đầu tư trực tiếp phi tài chính ra nước ngoài của Trung Quốc giảm tới 29,4% xuống 120,08 tỷ USD – lần giảm đầu trong gần 1 thập kỷ, khi giới chức Bắc Kinh tìm cách hạn chế dòng vốn chảy ra khỏi nước này.

Việc đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng trở lại phần nào phản ánh xu hướng tái cơ cấu sản xuất của các doanh nghiệp tại nước này.

Chuyên gia Keefe của Citigroup cho rằng dù năng lực sản xuất của ASEAN tăng lên, nhưng việc chuyển tất chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc là không thực tế vì các nước Đông Nam Á có thể cần phải mất nhiều năm để có được các chuỗi cung ứng như ở Trung Quốc.

Do vậy, đa số các doanh nghiệp sẽ vẫn duy trì năng lực sản xuất ở đại lục, vì họ đã có sẵn mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp, các doanh nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ Trung Quốc. Hơn nữa, đây dù sao vẫn là một thị trường khổng lồ, nơi tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh, trong khi các thị trường khác ở châu Á chưa đạt đến mức mà các doanh nghiệp có thể hy vọng thay thế được.

Chia sẻ trên trang tin FT, ông Joseph Galli – Giám đốc của công ty Techtronic, cho biết Trung Quốc vẫn sẽ là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp này vào thập kỷ tới, nhưng công ty cũng đang phải nhanh chóng chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước có chi phí thấp hơn hoặc trở lại Mỹ. Ông cho biết, trong ngắn hạn, doanh nghiệp này sẽ đặt trọng tâm vào Việt Nam để giúp bù đắp lại những tác động tiềm ẩn liên quan đến chính sách thuế của Mỹ.

Minh Tuệ (Tổng hợp)