Hầu hết người có mệnh giàu sang phú quý hoặc làm quan lớn đều không phải người có lai lịch bình thường. Rất nhiều trong số họ là người tu luyện từ kiếp trước, một số là do tổ tiên tích đức hoặc người trời hạ phàm. Trong số họ cũng có người đã tích được rất nhiều đức từ kiếp trước.  

Tu luyện từ kiếp trước mà đắc được phúc báo

Vào thời Tây Hán, ở Nam Dương có gia tộc Âm Thị vô cùng thành kính với Thần linh. Lúc đó Tuyên Đế đang nắm giữ ngôi vua, Âm Tử Phương hết lòng tận hiếu, làm nhiều việc thiện đã tích được đại đức. Mùng 8 tháng chạp năm đó, mới sáng sớm, Âm Tử Phương nhìn thấy ông Táo hiện hình. Ông vô cùng mừng rỡ liền vội bái lạy ân điển của Thần linh và đem con dê vàng để tế Thần bếp. Tấm lòng từ thiện và thành kính của ông đã cảm ứng đến Thần linh. Từ đó về sau, sản nghiệp của ông ngày càng phát triển, tiền tích lũy sánh ngang với hàng chục triệu bậc phú hào, ruộng đất có tới 700 khoảnh (khoảng gần 5 nghìn héc-ta), xe kiệu, ngựa, người hầu, tài phú lớn đến mức giống như chư hầu một phương. 

Tấm lòng từ thiện và thành kính sẽ cảm ứng đến Thần Linh (ảnh minh họa: Epochtimes).

Âm Tử Phương cũng vô cùng coi trọng việc giáo dục cho con cháu lòng nhân từ và hiếu thuận. Ông cũng truyền lại đức tính tốt, con trai dù sống trong giàu có nhưng không xa hoa, con gái thì ngoan ngoãn nhu mì cung kính để lại phúc ấm về sau. Gia tộc ngày càng phát đạt, con cháu được phong tước phong hậu. Cháu trai Âm Thức là Chấp Kim Ngô, thụ phong làm Âm Hương Hầu. Âm Hưng thụ phong là Đồng Dương Hầu, em gái Âm Thức, Âm Lệ Hoa phong làm Quang Liệt Hoàng hậu. (Theo ghi chép “Hậu Hán Thư, Phiền Hoành Âm Thức truyện”, “Đông quan hán ký, Âm Hưng”) 

Người trời hạ phàm

Vào thời nhà Thanh tại Lật Dương tỉnh Giang Tô có một chàng thanh niên tên là Trần Tử Sơn 19 tuổi bỗng bị ốm nặng. Bệnh tình của anh ngày càng nghiêm trọng khiến gia đình rất lo lắng. Một hôm, anh mơ thấy một vị thiền sư mặc áo tím đến. Vị hòa thượng này tự xưng là Huyền Khuê đại sư, đi vào bên giường nắm tay anh nói: “Ngươi trốn ta đi đến nhân gian, còn không mau quay trở về”. 

Trần Tử Sơn không có ấn tượng gì với vị sư phụ này, anh không biết tình huống chân thực nên không dám trả lời. Lúc này, anh lại nghe hòa thượng cười nói: “Đừng nóng vội, đừng nóng vội, con ở nhân gian còn phải đậu tiến sĩ, làm việc trong viện Hàn lâm chờ đợi ngày trở về”. Nói rồi, vị hòa thượng bấm ngón tay tính toán rồi than: “Lần này từ biệt, 17 năm sau mới có thể gặp lại”. Nói xong hòa thượng liền rời đi. 

Trần Tử Sơn giật mình tỉnh dậy, người nóng bừng đổ mồ hôi. Bệnh tình của anh không chữa trị mà tự khỏi. Vào năm Càn Long thứ 4, anh thi đậu tiến sĩ rồi vào làm việc trong viện Hàn lâm. Mùa thu năm Trần Tử Sơn 36 tuổi, anh bị mắc bệnh kiết lỵ, chữa mãi không khỏi. Lúc đang mơ màng thì cảnh tượng trong mơ 17 năm trước hiện ra trước mắt. Anh nhớ tới lời hẹn ước của vị sư phụ áo tím. Trong đầu anh tính toán một chút và biết 17 năm kỳ hạn đã đến. Anh cũng biết lần này bệnh tình sẽ không qua khỏi, anh mỉm cười với người nhà rồi nói: “17 năm kỳ hạn đã đến nhưng Huyền Khuê đại sư vẫn chưa đến đón ta. Rất có thể kỳ hạn được thay đổi rồi, như vậy ta lại có thể sống thêm vài năm nữa”. 

Không lâu sau, Trần Tử Sơn đột nhiên thức dậy rất sớm, sau khi rời giường anh bỗng thắp hương cầu nguyện, tắm rửa sạch sẽ và gọi người nhà mang quan phục tới. Anh mặc mũ áo chỉnh tề rồi nói với mọi người: “Huyền Khuê đại sư đã đến đón ta, ta phải đi rồi”. 

Ảnh minh họa: Epochtimes.

Lúc này người bạn cũng đậu tiến sĩ, cùng làm việc trong Viện Hàn lâm tên là Kim Chất Phu vừa tới thăm. Kim Chất Phu cũng là người tín Thần, anh ngồi bên cạnh Trần Tử Sơn rồi bất ngờ nói lớn: “Đã đưa người ta đến thế gian lại còn muốn bắt về, đến đến đi đi là duyên cớ gì?” 

Lúc này Trần Tử Sơn đang nằm trên giường với hai mắt nhắm khẽ, nghe được câu hỏi của Kim Chất Phu liền gắng gượng ngồi dậy rồi mở to đôi mắt nhìn bạn và nói: “Đến không ngại, đi cũng không sao, thế gian này chỉ giống như một sân khấu diễn kịch”. (trích Tử bất ngữ) 

Tổ tiên tích phúc đức 

Ngoài ra còn có một số người nhờ nhận được phúc đức của tổ tiên mà có thể làm đại quan phát đại tài. Thừa tướng Vu Định Quốc thời Tây Hán (năm 40 TCN) là một ví dụ. Ông sinh ra tại quận Đông Hải (ngày nay gọi là huyện Đàm Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Cha ông tên là Vu Công, là một người rất hiểu biết về luật pháp nên đã đến làm việc tại huyện nha đảm nhiệm vị trí ngục sử. Mỗi bản án ông đều cẩn trọng xử lý một cách rõ ràng rành mạch không kể lớn nhỏ. Nhờ vậy, mỗi vụ án đều xử lý đúng người đúng tội. Trong lúc cai quản nhà tù, ông rất coi trọng việc giáo dục đạo đức để cảm hóa tù nhân trở thành người tốt. Mỗi tù nhân chấp nhận hình phạt đều tâm phục khẩu phục. Nhờ vậy, ngay khi còn sống, người dân trong quận đã xây dựng từ đường, khi mất lại lập đền thờ để thể hiện lòng tôn kính và tình yêu dành cho ông. 

Lúc đó, ở quận Đông Hải có một quả phụ tuổi còn trẻ một mực thủ tiết thờ chồng, cung kính hiếu thuận với mẹ chồng hơn 10 năm. Mẹ chồng thương con dâu nên đã khuyên quả phụ tái giá tuy nhiên cô không đồng ý. Người mẹ chồng từng nói với hàng xóm: “Con dâu tôi một mực hiếu thảo phụng dưỡng, tuy nhiên con dâu còn quá trẻ lại không con cái, tôi già rồi, không muốn liên lụy tới con dâu nữa”. Không lâu sau đó bà tự sát chết đi. 

Con gái bà không rõ tình huống đã đi kiện quả phụ này. Quan huyện đã cho người tới bắt cô đưa tới huyện nha. Tại đây quả phụ một mực nói bản thân không sát hại mẹ chồng. Tuy nhiên, quan huyện đã tìm một số chứng cứ giả để xử ép. Không còn cách nào khác, quả phụ đành nhận tội. Quan huyện đã lập án ép quả phụ tội chết và trình lên quan phủ. Vu Công biết rõ quả phụ này bị oan. Ông cầm bản án trong tay cố gắng thuyết phục quan phủ Thái Thú, tuy nhiên quan phủ không nghe. Cũng vì sự kiện này mà Vu Công đã từ bỏ chức quan ngục sử của mình. 

Quả phụ kia đã bị kết án tử hình. Sau cái chết của cô, quận Đông Hải đã bị hạn hán suốt 3 năm. Mãi đến khi quan phủ mới tới nhậm chức, ông mới tìm nguyên nhân hạn hán, Vu Công đã nói với vị này bản án oan 3 năm trước, quan Thái thú đã xử một quả phụ chết oan, phải chăng nguyên nhân hạn hán là bởi làm sai chuyện này?

Quan Thái thú mới nghe vậy đã giết trâu tế bái phần mộ của quả phụ, đồng thời còn lập bia khen ngợi tiết nghĩa của nàng. Đúng lúc đang tế bái thì trời đổ mưa to, năm đó quận Đông Hải mùa màng bội thu. Người trong quận cũng vì chuyện này mà thêm phần kính trọng Vu Công. Ông là một người nhân đức, nhìn rõ mọi việc, chưa từng xét oan cho người nên tích được nhiều âm đức. Nhờ vậy, con trai ông, Vu Định Quốc thừa hưởng phúc đức cha để lại mà có thể làm tới chức Tể tướng. 

Lúc cha còn sống, Vu Định Quốc thường theo cha học tập luật lệ và quy tắc xử án. Sau khi cha qua đời, ông tiếp nối cha làm quan coi ngục tại quận Đông Hải. Ông cũng là người khiêm cung, giỏi phán đoán nghi án, chấp pháp công minh, được người người ca ngợi.

Thời Hán Chiêu Đế, ông được thăng lên chức vụ Đình úy. Hán Thư ghi chép: “Vu Định Quốc làm Đình Úy, không có án oan”. Bởi vì ông là người có tài năng cao nên đã được đề bạt làm tùy tùng giúp việc cho quan Ngự sử. Năm Hán Tuyên Đế, ông đã thăng chức lên vị trí hiển quý, đó là làm tới chức thừa tướng và được phong làm Tây Bình An hầu. Danh tiếng của ông được nhiều người biết đến. Cháu trai của Vu Công là Vu Vĩnh Quan cũng làm tới chức ngự sử, tiếp nối gia tộc họ Vu được phong hầu. 

Rõ ràng mệnh phú quý là do tu đức, tích đức mà có. Có thể đắc đạo thành tiên thì người đó phải có rất nhiều đức mới đạt được. 

Theo Cổ Dung, Epochtimes
San San biên dịch