Tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Mỹ thăm Đà Nẵng có sự hộ tống của một đội hình đặc biệt, có thể phát hiện và đối phó mọi mối đe dọa trên không, trên biển và dưới nước.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Mỹ đang có chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng từ ngày 5-9/3. Carl Vinson là kỳ hạm của Nhóm tác chiến tàu sân bay số 1 (CSG-1) và được ví như một “pháo đài nổi” của hải quân Mỹ, theo Global Security.

Uy lực của “Pháo đài nổi” USS Carl Vinson

USS Carl Vinson (CVN-70) là siêu tàu sân bay thứ ba thuộc lớp Nimitz, được khởi đóng ngày 11/10/1975 và hạ thủy sau đó 5 năm. Quá trình hoàn thiện và lắp đặt trang thiết bị kéo dài thêm hai năm, trước khi tàu được đưa vào biên chế hải quân Mỹ ngày 13/3/1982.

Toàn cảnh về tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng: Sức mạnh "bất khả chiến bại"
USS Carl Vinson là tàu sân bay đầu tiên của Mỹ thăm Việt Nam từ sau năm 1975. (Ảnh: US Navy)

Con tàu được đặt theo tên thượng nghị sĩ Carl Vinson, người bảo trợ đạo luật Vinson-Trammel, cho phép hải quân Mỹ đóng mới 92 tàu chiến lớn và loại bỏ những tàu cũ. Với công trạng này, ông được mệnh danh là “cha đẻ của đạo luật Hải quân hai đại dương”. Biểu tượng của CVN-70 là con đại bàng có đôi cánh dài, ngậm một dải băng có dòng chữ bằng tiếng Latin “Vis Per Mare”, nghĩa là “Sức mạnh trên biển cả”.

USS Carl Vinson có chiều dài 333m, rộng 77m và lượng giãn nước đầy tải 106.000 tấn, trở thành một trong những chiến hạm lớn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ, theo VnExpress.

Với thủy thủ đoàn 5.000 người, bao gồm 3.000 thủy thủ thường trực và 2.000 người thuộc biên chế không đoàn tàu sân bay, USS Carl Vinson được ví như một “thành phố nổi” trên đại dương.

USS Carl Vinson có thể mang tối đa 130 tiêm kích F/A-18 hoặc 85-90 máy bay các loại, nhưng nó thường chỉ triển khai 64 phi cơ. USS Carl Vinson là chiếc đầu tiên thuộc lớp Nimitz được trang bị khả năng chống ngầm, với 6-8 trực thăng săn ngầm SH-60F. Các trực thăng này cũng có thể thực hiện nhiệm vụ vận tải hạng nhẹ.

Ngoài không đoàn tàu sân bay, USS Carl Vinson cũng được trang bị các tổ hợp vũ khí phòng không, gồm hai bệ phóng tên lửa Mk 57 Mod 3 Sea Sparrow, hai bệ tên lửa tầm ngắn RIM-116 và ba tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx. Tàu cũng được trang bị một số bệ phóng mồi bẫy để đánh lừa tên lửa diệt hạm đối phương.

USS Carl Vinson đã góp mặt trong nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ tại Trung Đông. Gần đây, USS Carl Vinson thường được triển khai ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông.

Lưới phòng thủ “bất khả chiến bại”

Kích thước khổng lồ khiến tàu sân bay không thể tàng hình trước radar đối phương, chúng cũng quá lớn để có thể cơ động vòng tránh và ẩn nấp trước mối đe dọa.

USS Carl Vinson có 8 tàu hộ tống, hai tuần dương hạm tên lửa dẫn đường đảm nhiệm vai trò tấn công, hai tàu khu trục trong đội hình sẽ đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ, một tàu hộ vệ chống ngầm, hai tàu ngầm đi kèm, một tàu hậu cần mang nhiên liệu, thực phẩm, đạn dược.

Toàn cảnh về tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng: Sức mạnh "bất khả chiến bại"
Một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hoạt động trên biển. (Ảnh: US Navy)

Bảo vệ tàu sân bay là hoạt động được thực hiện 24/7. Máy bay Hawkeye thường xuất kích và bay thấp, sử dụng radar tầm xa quét các khu vực rộng lớn trên mặt biển, giúp sĩ quan chỉ huy trên tàu sân bay biết được các loại máy bay, tàu thuyền đang tiến tới từ ngoài đường chân trời.

Toàn cảnh về tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng: Sức mạnh "bất khả chiến bại"
Hai tàu hộ tống USS Lake Champlain và USS Wayne E. Meyer cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). (Ảnh: Thanh Niên)

Khi đối mặt với kẻ địch trang bị tàu ngầm hiện đại, các máy bay S-3B Viking và trực thăng SH-60 Seahawk trong không đoàn tàu sân bay sẽ được lệnh xuất kích để săn tìm và tiêu diệt tàu ngầm. Trong khi đó, máy bay tấn công điện tử E/A-18G Growler có chắc năng gây nhiễu radar đối phương và chặn mọi thông tin liên lạc của địch trên chiến trường.

Các tàu khu trục và tàu hộ tống sẽ sử dụng thiết bị thủy âm và cảm biến từ trường để liên tục tìm kiếm tàu ngầm địch trong lòng biển. Mục đích của các hoạt động này là nhằm tạo ra một “bong bóng” khép kín xung quanh tàu sân bay để không một “vật thể lạ” nào được phép lọt vào bong bóng đó khi chưa được phép.

Toàn cảnh về tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng: Sức mạnh "bất khả chiến bại"
Tàu khu trục Mỹ phóng tên lửa đánh chặn SM-3. (Ảnh: US Navy)

Trước đó, theo Dân Trí, chiều 5/3, tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) cùng tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain (CG 57) và tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer (DDG 108) đã đến cảng Tiên Sa, chính thức chuyến thăm hữu nghị TP. Đà Nẵng.

Chuyến thăm hữu nghị TP. Đà Nẵng của đoàn tàu sân bay USS Carl Vinson (Hải quân Mỹ) lần này nhằm thực hiện theo thỏa thuận của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam hồi tháng 11/2017.

Theo Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink, chuyến đi đánh dấu cột mốc quan trọng mang tính biểu tượng trong mối quan hệ song phương của hai nước và thể hiện sự ủng hộ của Mỹ cho một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, với nỗ lực, sự tôn trọng lẫn nhau và bằng cách giải quyết các vấn đề trong quá khứ cùng lúc hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Trước thông tin đoàn tàu sân bay USS Carl Vinson được ví như “một thành phố nổi” của Hải quân Mỹ đến thăm Đà Nẵng, báo chí trong nước và quốc tế rất quan tâm sự kiện. Nhiều người dân cũng cất công tìm nơi quan sát từ Đồi Vọng Cảnh trên bán đảo Sơn Trà – điểm dừng chân có thể nhín khá bao quát vịnh Đà Nẵng – từ sáng sớm ngày 5/3 để xem tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Minh Tú