Trước đà đổ bộ ồ ạt của nhiều thương hiệu nước ngoài, các hãng thời trang nội đang ngày càng teo tóp và có nguy cơ bị “bóp chết” ngay trên sân nhà do sức cạnh tranh quá lớn trong khi thương hiệu còn quá mờ nhạt.
Hàng loạt các thương hiệu thời trang ngoại từ cao cấp đến trung cấp đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam như Giovanni, Max Mara, Chanel, Mango… và mới nhất là 2 nhãn hàng lớn trong phân khúc thời trang bình dân Zara, H&M. Sự xuất hiện ồ ạt của những hãng thời trang ngoại đang tạo nên sức cạnh tranh lớn, lấn át các thương hiệu thời trang nội địa. Những “ông lớn” trong ngành Dệt may Việt Nam như Việt Tiến đang bị “soán ngôi” bởi những thương hiệu bình dân nổi tiếng thế giới.
Thực tế, Việt Tiến những năm gần đây đã có những đầu tư đáng kể cho thị trường nội địa như phát triển và nâng cấp hệ thống, cửa hàng chuyên doanh, đầu tư thiết kế sản phẩm, tham gia trình diễn thời trang trong và ngoài nước. Tuy nhiên, “ông lớn” này vẫn đang đứng trước nguy cơ thua ngay trên thị trường quê nhà.
Trong khi đó, Công ty May 10 do quá chú trọng tới thị trường xuất khẩu mà bỏ quên thị phần trong nước. Hậu quả tất yếu là các tên tuổi nước ngoài đã tóm gọn thị trường trong nước.
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện có hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ bình dân đến cao cấp đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần. Như vậy, vẫn còn 40% thị phần cho may mặc trong nước nhưng rất khó để các thương hiệu nội giành lại thế chủ động trước sức cạnh tranh khốc liệt của các “đại gia” ngoại.
Hơn nữa, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thương hiệu thời trang nội đang bị “bóp chết” chính là doanh nghiệp Việt chưa thực sự tập trung vào việc làm thương hiệu, dẫn đến tình trạng không giữ được chân người tiêu dùng trong nước.
Đơn cử như Zara, dù được đánh giá là thương hiệu thời trang bình dân trên thế giới nhưng khi đến Việt Nam thì phân khúc khách hàng Zara đánh vào lại là tầng lớp trung lưu trở lên. Tuy nhiên, không vì lý do đó mà sức mua của người tiêu dùng bị giảm đi. Với quy mô mỗi cửa hàng đều có diện tích hơn 2.000 mét vuông cùng chất lượng dịch vụ tốt, Zara xác định Việt Nam nằm trong số 5 thị trường quan trọng mà thương hiệu này muốn tấn công mạnh trong thời gian tới.
Trước áp lực cạnh tranh của các thương hiệu ngoại, không còn cách nào khác là ngành thời trang nội địa phải chấp nhận cạnh tranh, thu hút người lao động với sản phẩm chất lượng quốc tế.
Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt cũng có thể lựa chọn tấn công các thị trường ở khối ASEAN vì so sánh về cả vóc dáng, sở thích tiêu dùng có nhiều điểm tương đồng, dễ thu hút được người tiêu dùng.
Nguyễn Trang