“Liệu doanh nghiệp CNTT Việt Nam có thể sống được trước cách mạng công nghiệp 4.0 hay không?”, đó là câu hỏi mà GS Trần Xuân Hoài một số chuyên gia về CNTT đặt ra trong cuộc tọa đàm do Tia Sáng tổ chức cách đây không lâu.
Theo các chuyên gia, ngay cả một số ông lớn CNTT hiện nay cũng mới chỉ làm gia công và chưa đủ năng lực chuẩn bị cho CMCN4. Nhìn rộng hơn, đây cũng là nỗi lo và câu hỏi của nhiều nhà làm chính sách: Khả năng sẵn sàng cho CMCN4 của các doanh nghiệp Việt Nam đến đâu?
Để góp phần trả lời câu hỏi trên, nhóm chuyên gia của Bộ Công thương, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tiến hành khảo sát trên hơn 2600 doanh nghiệp thuộc 18 ngành công nghiệp và thương mại để đánh giá mức độ sẵn sàng cho CMCN4 dựa trên 6 trụ cột: (i) Chiến lược và tổ chức, (ii) Nhà máy thông minh, (iii) Vận hành thông minh, (iv) Sản phẩm thông minh, (v) Dịch vụ dựa trên dữ liệu, và (vi) Người lao động.
Các ngành chủ lực đang “đứng ngoài cuộc”
Kết quả phân tích chung từ cả sáu trụ cột này cho thấy, đại bộ phận các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam chưa sẵn sàng tiếp cận cuộc CMCN4. Có tới 85% các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam thuộc mức “ngoài cuộc”, 13% các doanh nghiệp đang ở mức “mới bắt đầu” và chỉ có 2% số doanh nghiệp được đánh giá là ở mức “có trình độ cơ bản”, chỉ có một vài doanh nghiệp ở mức “có kinh nghiệm” và mức “chuyên gia”. Mức độ chuẩn bị ở các trụ cột liên quan đến sản phẩm thông minh, chiến lược và tổ chức sản xuất, dịch vụ dựa trên dữ liệu và nhà máy thông minh của các doanh nghiệp Việt đều “đứng ngoài cuộc” ở mức cao.
Còn các ngành chủ lực, có tỷ lệ xuất khẩu cao, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu lớn của Việt Nam như dệt may, da giày lại là những ngành có mức độ sẵn sàng thấp nhất và tỷ lệ doanh nghiệp đứng ngoài cuộc cao nhất – trên 90%. Điểm sáng là, trong số 18 ngành ưu tiên, ngành dầu khí và sản phẩm điện tử có độ sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 cao nhất, sau đó đến các ngành điện-khí đốt-nước, sản xuất xe có động cơ, hóa chất và sản phẩm hóa chất.
Tuy nhiên điểm đáng lo ngại hơn, không chỉ có mức độ sẵn sàng thấp, mà đại bộ phận các doanh nghiệp chưa có kế hoạch điều chỉnh trong bối cảnh CMCN 4. Có khoảng 4/5 số doanh nghiệp không có dự định thực hiện những điều chỉnh trong bối cảnh CMCN 4, trong đó có 34% số doanh nghiệp nói rằng họ chưa biết phải làm gì.
Trên thực tế, việc đặt ra kế hoạch điều chỉnh cũng là thách thức khi doanh nghiệp đều cần vốn để số hóa, thông minh hóa nhà máy “trong bối cảnh 75% doanh nghiệp hiện nay sử dụng công nghệ lạc hậu tới 2,3 thế hệ”, theo phân tích của ông Trần Chí Dũng Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI tại tọa đàm của VCCI về Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động tới thị trường lao động Việt Nam vào tháng 3 năm 2018. Mặt khác, “phần lớn người lao động có trình độ ở mức độ 2.0 không có khả năng chuyển đổi sang trình độ cao hơn ngay lập tức”.
Doanh nghiệp quy mô lớn đang có lợi thế
Quy mô của doanh nghiệp (được đo bằng số lượng lao động của doanh nghiệp) có liên quan chặt chẽ đến mức độ sẵn sàng cho CMCN4. Trong khi 91% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm tới 65% tổng số doanh nghiệp và đang có tỉ lệ gia tăng nhanh chóng, vẫn đang “đứng ngoài cuộc” thì con số này ở các doanh nghiệp lớn ít hơn nhiều, ở mức 61%.
Cũng nhờ có lợi thế hơn so với doanh nghiệp tư nhân ở các khía cạnh quy mô lớn hơn, mức độ tập trung vốn cao hơn, tập trung theo ngành và sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ cao nên khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng được đánh giá có khả năng tiếp cận CMCN 4 tốt hơn so với doanh nghiệp tư nhân (tỷ lệ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước đứng ngoài cuộc CMCN 4 ở mức cao – 89%, trong khi đó tỷ lệ này của các doanh nghiệp nhà nước chỉ là 37%). Phát hiện này của báo cáo cũng có điểm tương đồng với cuộc điều tra về mức độ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, được thực hiện vào năm 2018 của tiểu dự án FIRST – NASATI – tỷ lệ các doanh nghiệp ĐMST trong các doanh nghiệp nhà nước là cao nhất, đạt 71,04%; ở vị trí thứ hai là các doanh nghiệp ngoài nhà nước (61,69%).
Từ bối cảnh chung đó của nền kinh tế cùng với những phát hiện trên cho thấy, việc tập trung các chính sách đầu tư và nguồn lực hỗ trợ không nên chỉ tập trung vào các nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn mà cần nhắm tới các nhóm vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang năng động nhưng còn thiếu nguồn lực. Cần có cách tiếp cận khác nhau dành cho mỗi nhóm chứ không thể chung chung dàn trải.
Cụ thể, nhóm tác giả khuyến nghị, để hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cần đặt ưu tiên trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 để cải thiện các yếu tố then chốt: quy mô, mức trang bị vốn, chỉ số tập trung và áp dụng công nghệ cao, năng lực R&D và đào tạo kĩ năng cho người lao động, tăng kết nối và tính lan tỏa, thay vì đặt trọng tâm tăng trưởng về số lượng. Còn đối với các doanh nghiệp nhà nước, do hiện trạng/xuất phát điểm, có một số lợi thế sẵn có hơn nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân nên các chính sách cần tập trung vào cải cách để tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đặc biệt là cần tạo kết nối giữa các doanh nghiệp và các doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện đang có quy mô và năng lực khá thấp, để tăng tính lan tỏa và khả năng dẫn dắt của các doanh nghiệp nhà nước trong việc nâng cao mức độ sẵn sàng của toàn ngành đối với cuộc CMCN 4.
Các công nghệ điển hình của CMCN4 vẫn còn ít được áp dụng tại các doanh nghiệp Mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ các doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ điển hình của CMCN 4: Trên 10% tổng số các doanh nghiệp ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây (trong khi ở các nước phát triển là 19,2%). Với các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo, công nghệ định vị thời gian thực, công nghệ nhân dạng bằng song vô tuyến, công nghệ thiết bị đầu cuối, công nghệ cảm biến, đều dưới mức 10%. Các công nghệ nổi bật như in 3D và quản trị dữ liệu lớn đều thậm chí ở dưới mức 1%. |