Việt Nam đang trên đà trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới trong năm 2018, nhưng đừng vội ăn mừng, theo Nikkei.

Dệt may và sản xuất quần áo là trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam kể từ khi chính sách đổi mới kinh tế được khởi động vào những năm 1990. Ngành này đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tạo ra nguồn thu ngoại tệ đáng tin cậy.

phu thuoc qua nhieu vao det may co the khien thuong mai viet nam ton thuong
Việt Nam đang trên đà trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới. (Ảnh: FT)

Năm ngoái, Việt Nam đã vượt qua Bangladesd, Đức và Italia để trở thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2017 đạt tới 36,9 tỷ USD.

Theo số liệu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), xuất khẩu hàng dệt may mang thương hiệu “Made in Vietnam” được mở rộng gấp 4 lần trong giai đoạn 2007-2017, tăng trung bình 15%/năm trong vòng 5 năm qua.

Việt Nam đang trên đà giành ngôi á quân của Ấn Độ trong năm nay. Theo báo cáo về ngành dệt may của Công ty Chứng khoán quốc tế (VIS), kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay đạt 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 10,4% của cùng kỳ năm 2017.

Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 9,11 tỷ USD trong 8 tháng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 46,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ có thể đạt 13,8-14 tỷ USD trong năm 2018.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng một khi thặng dư thương mại với Mỹ tăng lên, Việt Nam sẽ cần phải di chuyển chuỗi giá trị bằng cách đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu nếu muốn tránh khỏi những hậu quả từ cơn thịnh nộ của Mỹ khi Washington đang tìm cách giảm thâm hụt thương mại.

phu thuoc qua nhieu vao det may co the khien thuong mai viet nam ton thuong
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam theo từng năm. (Ảnh: FT)

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đang sử dụng 2,7 triệu nhân công trên toàn quốc, tương đương với 5% lực lượng lao động của cả nước.

Ngành dệt may Việt Nam sẽ lớn mạnh hơn khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được dự kiến phê chuẩn vào cuối năm nay.

Đầu tư vào ngành dệt may nhờ đó cũng đang tăng vọt, đạt con số gần 7,9 tỷ USD trong 5 năm qua.

Mặc dù lợi nhuận trong lĩnh vực dệt may rất lớn, Việt Nam vẫn thiếu năng lực tự sản xuất toàn bộ các khâu. Khoảng 70-80% các loại vải được dùng để may quần áo xuất khẩu đều chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều này khiến chuỗi giá trị hàng dệt may của Việt Nam vẫn không được cao.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mở các nhà máy dệt, đan và nhuộm ở Việt nam, nhưng chính quyền không chấp thuận vì những lo ngại về môi trường.

Nếu muốn ngành dệt may phát triển hơn nữa, Việt Nam sẽ cần phải nội địa hóa khâu sản xuất nguyên liệu.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)