Tháng năm rực rỡ là phiên bản remake của phim điện ảnh Hàn nổi tiếng về tuổi thanh xuân Sunny. Tuy làm lại nhưng bộ phim đã tạo được nét riêng, đậm chất Việt và mang đến nhiều xúc cảm cho khán giả mọi lứa tuổi.
Kịch bản mềm mại
Đúng như tên gọi, phim là hành trình tìm về thời học sinh, với nhiều kỷ niệm và cung bậc cảm xúc: nhớ thương, bồi hồi và cả những nuối tiếc về một thời học sinh mà ai cũng từng trải qua.
Bộ phim có khá nhiều thay đổi lớn so với Sunny. Phim bắt đầu khi Hiểu Phương (Hồng Ánh) vào viện thăm mẹ thì vô tình gặp lại người bạn thời thơ ấu Mỹ Dung (Thanh Hằng). Dung “đại ca” mạnh mẽ ngày nào nay trở thành một người phụ nữ cô độc, bị ung thư và chỉ còn sống được 2 tháng ngắn ngủi. Hiểu Phương cố gắng thực hiện ước nguyện cuối cùng của bạn, chính là gặp lại bộ 6 Ngựa Hoang.
Xuyên suốt bộ phim là cuộc tìm kiếm những người bạn hơn 20 năm không gặp và những hoài niệm về năm tháng thanh xuân nổi loạn, bồng bột nhưng không kém phần ngây ngô, rực rỡ của các cô gái.
Kịch bản của Tháng năm rực rỡ không bê nguyên si bản gốc mà kéo bộ phim đến gần hơn với khán giả Việt bởi màu sắc, tâm lý và tính cách của những cô cậu học trò tinh nghịch mà đáng yêu.
Dàn diễn viên đa sắc màu
Về tuyến nhân vật thì Sunny khắc họa các cô gái có tính cách, gia cảnh khác nhau khá rõ nét. Các diễn viên lúc trẻ và khi trưởng thành đều có nhiều nét tương đồng về ngoại hình. “Tháng năm rực rỡ”cũng làm khá tốt ở khoản này.
Nếu xét về tương quan tuổi tác thì dàn diễn viên của Tháng năm rực rỡ vẫn còn nhiều chỗ chưa hợp lý. Ví dụ như Thanh Hằng sinh năm 1983, Hoàng Oanh sinh năm 1990. Minh Tuyền (vai Lan Chi lúc lớn) cũng là một diễn viên nhỏ tuổi so với các đàn chị Mỹ Uyên, Mỹ Duyên hay Hồng Ánh.
Dàn diễn viên đóng vai hồi trẻ thì tương quan tuổi tác cũng khá xa như Khổng Tú Quỳnh, Hoàng Oanh (9X đời đầu) so với Jun Vũ, Hoàng Yến Chibi (sinh năm 1995).
Nhạc phim đầy sức sống
Sunny đã rất thành công khi sử dụng loạt ca khúc kinh điển mà khán giả yêu thích. Đây cũng là thách thức của phiên bản Việt. Tuy nhiên, nhạc sĩ Đức Trí đã giải bài toán này cực kỳ xuất sắc với một loạt các ca khúc từ cũ đến mới.
Hai ca khúc do Hoàng Yến Chibi thể hiện là Yêu (Văn Phụng) và Nụ hôn đánh rơi (Đức Trí) tạo nhiều cảm xúc. Nhạc của Trịnh Công Sơn cũng được sử dụng trong phim ăn nhập với bối cảnh để nói về thân phận.
Mỹ Tâm là ca sĩ hát ca khúc chủ đề ở cuối phim. Ca khúc như lời kết cho toàn bộ câu chuyện. Đó là cuộc đối thoại hai chiều giữa tuổi trẻ và những năm tháng về sau của mỗi người với thông điệp: Rồi ta sẽ ra sao, ta sẽ là ai, thành công hay thất bại, quan trọng là chúng ta từng ở bên nhau và có những tháng năm rực rỡ.
Hậu kì, bối cảnh còn tồn tại vài lỗi nhỏ
Bối cảnh phim được đầu tư kĩ lưỡng, đẹp, sinh động và rực rỡ như tên gọi của bộ phim, tuy nhiên hóa trang lại không phù hợp khiến dàn diễn viên trở nên già dặn so với lứa tuổi học đường, giảm đi đáng kể sự hồn nhiên, ngây thơ.
Bên cạnh đó, phim cũng xuất hiện nhiều điểm hơi bất hợp lý. Chẳng hạn như trang phục của các nhân vật không phù hợp với mốc thời gian lúc đó. Nếu không phải xuất thân từ gia đình khá giả thì trang phục đi học của nữ sinh không đẹp và sành điệu được như trên phim.
Tuy nhiên, vì chuyện phim diễn ra song song giữa hai thời kỳ với nhiều cung bậc cảm xúc nên chẳng ai bận tâm mãi về những lỗi đó.
“Tháng năm rực rỡ” là tín hiệu đáng mừng cho dòng phim remake Việt. Xem phim, mỗi người sẽ thấy bóng dáng của mình thuở ”nhất quỷ nhì ma” với những kỷ niệm không thể nào quên.
Sau “Cô gái đến từ hôm qua”, “Tháng năm rực rỡ” là một bản nhạc nữa mà ta muốn đắm chìm, bỏ qua những bon chen, bận rộn của hiện tại để trở về với tuổi học trò tinh nghịch, đáng yêu và đáng nhớ.
Câu chuyện về tình bạn và tuổi trẻ của nhóm Nữ quái Ngựa hoang sẽ chính thức ra mắt khán giả vào ngày 9/3/2018.
H.H