Qua đời ở tuổi 91, ông trùm điện ảnh Hong Kong Châu Văn Hoài để lại một gia tài nghệ thuật đồ sộ với hơn 600 tác phẩm điện ảnh lớn nhỏ. Ông đã có rất nhiều cống hiến to lớn đối với ngành phim ảnh trong nước lẫn quốc tế.
Tay trắng gây dựng sự nghiệp đồ sộ
Nhà sản xuất Raymond Chow (Châu Văn Hoài) sinh năm 1927 ở Hong Kong. Năm 1957, ông gia nhập hãng phim Thiệu Thị Huynh Đệ năm 1957 trong vai trò là nhân viên quảng bá.
Nhờ hoàn thành công việc xuất sắc, ông nhanh chóng được thăng tiến, trở thành Phó Tổng giám đốc của hãng.
Sau đó, Châu Văn Hoài rời Thiệu Thị Huynh Đệ, thành lập công ty sản xuất phim Golden Harvest. Thời gian này, ông chính là người phát hiện ra tài năng và mời Lý Tiểu Long về đầu quân cho công ty.
Năm 1971, với The Big Boss (Đường sơn đại huynh), Châu Văn Hoài đã gây được tiếng vang lớn. Tác phẩm nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé và là bộ phim ăn khách nhất thời bấy giờ.
Sang đến năm 1972, “cặp bài trùng” lại bắt tay tạo nên tiếng vang cho Fist of Fury (Tinh võ môn) và The way of the dragon (Mãnh long quá giang). Các tác phẩm này đều phá kỷ lục doanh thu phòng vé ở Hong Kong, đưa Lý Tiểu Long trở thành “huyền thoại” võ thuật, nổi tiếng không chỉ ở châu Á mà cả thị trường quốc tế.
Sau sự ra đi đột ngột của Lý Tiểu Long, Golden Harvest bị tổn thất lớn. Sau lớp nghệ sĩ thành danh đầu tiên, ông cũng chính là người tạo dựng nền tảng sự nghiệp cho hàng loạt ngôi sao hạng A như Hồng Kim Bảo, Trương Mạn Ngọc, Mai Diễm Phương, Lý Liên Kiệt, Từ Khắc, Triệu Văn Trác… và đặc biệt là Thành Long.
Khi có được chỗ đứng nhất định tại xứ cảng thơm, ông bắt đầu quảng bá điện ảnh Hông Kông vươn ra thế giới. Bộ phim đầu tiên hợp tác với những nhà làm phim đình đám người Mỹ là Enter the Dragon (Long tranh hổ đấu) đồng sản xuất với hãng Warner Bros. Sau này, ông Châu cũng ghi dấu ấn tại kinh đô điện ảnh thế giới với tác phẩm Teenage mutant ninja turtles (1990).
Năm 1998, ông được trao tặng huy chương Sao vàng Bauhinia, giải thưởng vinh dự nhất tại Hồng Kông, vì những đóng góp của ông cho ngành công nghiệp điện ảnh trong nước.
Bước sang cuối thập niên 1990, hãng phim của ông cũng nằm trong đà xuống dốc của điện ảnh Hong Kong, nhưng những cống hiến suốt nhiều thập kỷ của ông luôn được ghi nhận.
Tờ South China Morning Post trích lời của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đặc khu trưởng Hong Kong rằng sự cống hiến của nhà sản xuất Châu Văn Hoài cho thời đại hoàng kim của phim Hồng Kông sẽ mãi được mọi người công nhận và tôn vinh.
Ân nghĩa với huynh đệ
Trên Weibo cá nhân, ngôi sao võ thuật Thành Long chia sẻ đau buồn khi hay tin nhà sản xuất Châu Văn Hoài ra đời. Nam tài tử tiết lộ, nghệ danh Jackie Chan là do nhà sản xuất họ Châu đặt cho anh từ ngày đầu gia nhập công ty.
Với nhân viên, Châu Văn Hoài luôn tận tâm, dốc hết sức giúp đỡ. Chính vì thế, từ tác phẩm đầu tiên Sư đệ xuất mã, Thành Long đã tự nhủ phải nỗ lực hết mình để không phụ lòng tin tưởng của ông.
Năm 1986, khi quay Long huynh hổ đệ ở Nam Tư, Thành Long bị tai nạn nghiêm trọng. Sau khi được thông báo tình hình, Châu Văn Hoài đã tìm cách liên lạc với một người bạn là bác sĩ khoa não người Thụy Sỹ đang công tác tại đây để phẫu thuật cho Thành Long.
“Mọi người gấp rút mang tôi tới bệnh viện để bác sĩ này làm phẫu thật não, nhờ vậy, tôi mới sống đến bây giờ”, Thành Long bùi ngùi kể lại.
Với Thành Long, Châu Văn Hoài vừa là ông chủ, sư phụ và cũng là người sư huynh mà anh rất mực kính trọng.
Năm 2007, Golden Harvest bị lỗ nặng do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Nhà làm phim kỳ cựu đã phải bán đi gia tài lớn nhất đời mình – toàn bộ công ty. Ông về nghỉ hưu và kể từ đó, ít xuất hiện trước công chúng.
Ngày 2/11, ông trút hơi thở cuối cùng vì bệnh tật tuổi già.
(Tổng hợp)