Lo ngại thuế sẽ tăng thêm và chi phí công nhân đắt, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.

Tập đoàn Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu quần áo nổi tiếng Uniqlo, là một trong số nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang chuẩn bị chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để giảm chi phí nhân công, theo tờ Nikkei.

Fast Retailing có kế hoạch hợp tác với công ty Toray Industries của Ấn Độ mở một nhà máy tại Indonesia vào đầu tháng 11 tới đây. Theo dự kiến, nhà máy này sẽ sử dụng nguyên phụ liệu đến từ Indonesia, khác với việc trước đây nguyên liệu sẽ nhập từ Trung Quốc. Fast Retailing đang cố gắng thực hiện toàn bộ quá trình sản xuất ngay trong khu vực Đông Nam Á.

Trung Quốc hiện chiếm khoảng 60% số nhà máy sản xuất trọng yếu của Uniqlo. Tuy nhiên, số lượng nhà máy sản xuất của Uniqlo tại Việt Nam và Indonesia đang tăng lên. Viễn cảnh giảm thuế sau khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã giúp Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất đầy lý tưởng.

nhieu doanh nghiep nhat ban bo trung quoc chay sang dong nam a
Đông Nam Á thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Công ty Onward Holdings đã thành lập văn phòng tại Campuchia để mở rộng sản xuất. Khoảng 60% các nhà sản xuất theo hợp đồng của Onward hiện đang ở Trung Quốc, trong khi đó chưa đầy 10% tại Đông Nam Á.

Chủ tịch hãng Onward Holdings, ông Michinobu Yasumoto, cho biết công ty sẽ chuyển hoạt động sản xuất sang Campuchia sau khi tìm được nơi đặt nhà máy thích hợp thay thế Trung Quốc.

Công ty sản xuất đồ may mặc Adastria gần đây cũng đã bắt đầu thực hiện toàn bộ các khâu sản xuất ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, từ máy móc sản xuất những phụ liệu nhỏ nhất như sợi chỉ cho đến các thành phẩm cuối cùng. Hiện tại, khoảng 80% sản phẩm của công ty được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng công ty này đã đặt mục tiêu đưa tỷ lệ hàng sản xuất tại Đông Nam Á lên 30% trong vòng 2-3 năm tới.

Theo thống kê Hiệp hội Sợi hóa học Nhật Bản, các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc chiếm khoảng 34% trong tổng số 158,2 tỷ USD hàng dệt may xuất khẩu trên toàn thế giới trong năm 2016.

Cho đến nay, nền kinh tế lớn nhất châu Á này vẫn là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 là Bangladesh với 6% và thứ ba là Việt Nam với 5%. Tuy nhiên thị phần của Trung Quốc đã giảm 5% từ năm 2013 đến nay trong khi thị phần của các nước Đông Nam Á đã tăng lên.

Các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất hàng hóa theo các đơn hàng đã được ký kết từ trước tại Trung Quốc trong khi chờ việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á và châu Phi hoàn tất.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)