Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 của Việt Nam trở nên khó khả thi khi thời hạn này chỉ còn 1 năm rưỡi trong khi số doanh nghiệp giải thể hàng tháng vẫn khá lớn.
Chỉ còn khoảng 18 tháng nữa là đến hạn chót của mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp mà Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 35. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Như vậy, cả nước phải có thêm hơn 300.000 doanh nghiệp thành lập mới trong vòng khoảng gần 2 năm tới, nghĩa là từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải “sản xuất” thêm được 150.000 doanh nghiệp mới và phải thực sự “sống khỏe” mới đạt mục tiêu.
Theo VOV, mục tiêu này xem ra không hề dễ dàng, bởi dù số doanh nghiệp thành lập mới rất nhiều, nhưng số doanh nghiệp giải thể cũng không ít.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam ghi nhận 52.322 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 516,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, nhưng số doanh nghiệp buộc phải rời bỏ thương trường cũng gia tăng đáng kể. Thống kê cho thấy số công ty tuyên bố giải thể trong 5 tháng là gần 27.000 doanh nghiệp.
Thực tế này chắc chắn sẽ tác động rất mạnh vào mục tiêu của Chính phủ. Đồng thời, nó cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam có thể vẫn chưa thực sự thông thoáng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 như Nghị quyết 35 dường như rất khó thành.
“Số doanh nghiệp phá sản ngừng hoạt động vẫn nhiều lên và số doanh nghiệp phá sản gần tương đương với số doanh nghiệp khai sinh. Do đó, con số 1 triệu doanh nghiệp là rất khó khả thi”, VOV bà Hằng nhận định.
Mặc dù Chính phủ thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa bỏ rào cản kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp, nhưng vẫn gặp khá nhiều điểm nghẽn.
Thống kê cho thấy, tính đến hết quý I/2018, các bộ ngành đã cắt bỏ, đơn giản hóa được 738 điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng quá trình cải cách về cơ bản vẫn đang nằm trên phương án hoặc dự thảo của các Bộ. Ở một khía cạnh nào đó, các cải cách mới chỉ dừng lại ở động thái xóa bỏ các rào cản, chưa tính đến yếu tố thể chế và những chính sách thực sự nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Đó là chưa kể tình trạng “mọc lại” hoặc “mọc thêm” giấy phép con mà một số bộ, ngành không biết vô tình hay hữu ý khiến doanh nghiệp gặp khó.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, cho biết có đến gần 60% số doanh nghiệp không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, nghĩa là hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ông Lộc cho biết doanh nghiệp tư nhân giờ đây đã được xác định là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, nhưng những bất cập nội tại của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa giải tỏa được, đơn cử trình độ công nghệ thấp, khả năng quản trị yếu, nguồn vốn, quy mô hoạt động quá nhỏ.
Vị lãnh đạo VCCI cho rằng, chỉ khi giải tỏa được những bất cập từ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cùng với những điểm yếu về công nghệ, quản trị đang tồn tại trong nội tại doanh nghiệp mới có thể hiện thực hóa mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Minh Tuệ