Tại một hội nghị BĐS tại TP. HCM, đại diện CBRE Việt Nam đưa ra số liệu về tỷ lệ người Trung Quốc mua nhà tăng đột biến trong năm qua, chiếm tới 44% giao dịch nhà ở. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng, thông tin không chính xác, đây chỉ là cách tính riêng của Công ty nghiên cứu thị trường này.
Báo cáo tại hội nghị BĐS tại TP. HCM mới đây, bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam đã thông tin trên báo Lao Động, nếu như 6 tháng đầu năm 2017, nhà đầu tư nội địa chiếm 79% giao dịch trên thị trường căn hộ thì sau một năm bức tranh đã đổi màu. Cụ thể, người mua nhà Việt Nam chiếm khoảng 24% các giao dịch trên thị trường trong 9 tháng đầu năm 2018. Từ việc không có mặt trong top 5 dẫn đầu thị trường với chỉ 4% vào năm 2017, người mua Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thị trường, chiếm 31% giao dịch trong 9 tháng đầu năm 2018, nếu tính cả Đài Loan và Hồng Kông, lượng người Trung Quốc mua nhà chiếm tới 44%.
Theo bà Dung, nếu 2 năm trước, lượng khách đến từ Hàn Quốc là đông đảo nhất thì hiện nay số lượng khách mua từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đang dẫn đầu về các hoạt động đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều nhất vẫn là phân khúc căn hộ cao cấp ở những khu vực trung tâm TP. HCM.
Bà Dung nói: “Rất nhiều người nước ngoài quan tâm đến nhà Việt Nam. Chúng tôi đã đối thoại và làm việc với nhà đầu tư, chủ đầu tư. Sự quan tâm không chỉ đến với sàn của chúng tôi mà còn nhiều sàn khác và ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi nhìn vào số liệu của riêng mình thì thấy nó ngày càng khác”.
Ngoài ra, bà Dung cũng đưa thông tin gây bất ngờ về việc người chưa từng đặt chân đến Việt Nam cũng mua nhà ở TP. HCM. Cụ thể, vị Giám đốc CBRE cho biết, khác 3 năm trước, khách mua là người nước ngoài sinh sống và làm việc trong nước, giờ có những người sinh sống ở nước ngoài và thậm chí còn chưa từng đặt chân vào Việt Nam.
Trao đổi với Zing, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho rằng, rất khó để biết được con số chính xác người nước ngoài mua nhà ra sao. Bởi lẽ việc người nước ngoài mua nhà đang được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó nhiều nhất vẫn là nhờ người Việt đứng tên hộ.
Ông N.N.H, Tổng giám đốc một sàn BĐS ở Sài Gòn cho biết, đối với các dự án của doanh nghiệp này phân phối thì không nhiều khách hàng nước ngoài mua trực tiếp.
“Cái khó hiện nay vẫn là thủ tục pháp lý cho đối tượng này vẫn còn tương đối phức tạp. Nếu mua nhà dưới hình thức nhờ người Việt đứng tên thì bản chất vẫn không thể ghi nhận là người nước ngoài sở hữu nhà”, ông H. nói.
Ông cho biết hiện nay trong một dự án thì người nước ngoài được sở hữu tối đa 20% căn hộ, tuy nhiên lượng giao dịch thực tế thì thấp hơn con số này rất nhiều.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, báo cáo mới đây của CBRE chỉ chính xác với cơ sở dữ liệu khảo sát mua bán tại đơn vị này. Khi trường thông tin và mẫu khảo sát bị thu hẹp thì tỷ lệ cao là rất dễ hiểu.
Ông Châu cũng chỉ ra CBRE chủ yếu môi giới ở phân khúc bất động sản cao cấp và trung cao cấp, chứ phân khúc trung cấp và nhà giá dưới 30 triệu đồng/m2 không làm khảo sát. Trong khi đó, phân khúc trung, cao cấp thuộc đối tượng khách hàng của đơn vị này một năm khoảng 5.000 – 7.000 người nên có thể tỷ lệ được tính trên con số này.
Thêm vào đó, CBRE Việt Nam cho rằng có người Trung Quốc chưa đến Việt Nam lần nào vẫn mua nhà là không chính xác vì luật Việt Nam chưa cho phép. Cụ thể, Luật nhà ở chỉ cho phép người nước ngoài sau khi nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam được mua nhà. Theo quy định, bất kỳ người nước ngoài nào chỉ được phép mua nhà ở thương mại ngoài khu bảo vệ quốc phòng an ninh. Còn việc người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên là rất phổ biến, nhưng điều này cũng nên kiểm soát lại chặt hơn.
Khôi Minh (tổng hợp)