Thông tin Dinh Thượng thơ ở Tp.HCM có thể bị đập bỏ vì không thuộc danh sách di tích cần bảo tồn khiến nhiều người nuối tiếc cho một công trình mang đậm dấu ấn Sài Gòn xưa. Một nhóm tri thức gồm các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, chuyên gia… đã ký tên và kiến nghị chính quyền Tp.HCM hãy giữ lại tòa nhà hơn 130 tuổi này.
Bản kiến nghị dự kiến được gửi tới Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong, có nội dung: “Cách quản lý di sản và Luật di sản đang có vấn đề nghiêm trọng: việc dinh Thượng thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn không phải là lý do phá bỏ. Nếu vậy những công trình cổ như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện… chưa là di tích cũng sẽ bị phá bỏ?”, theo Tuổi trẻ.
Kiến nghị cũng so sánh: “Trong khi Singapore diện tích 700km2 có 7.000 công trình, 72 khu vực, tượng đài, di tích được bảo tồn, so với Tp.HCM diện tích 2.000km2 chỉ có hơn 100 công trình và di tích”.
Nhóm người nêu kiến nghị cũng đưa ra quan điểm: “Xóa sổ di sản đồng nghĩa phá vỡ quy hoạch – một trong các điểm mấu chốt tạo sự mất cân bằng và ảnh hưởng lớn tới quần thể”.
“Dinh Thượng thơ được tu sửa như tòa nhà hiện nay vào năm 1882, trước đó từ năm 1865 đã là nơi hành chánh quản lý Sài Gòn và Nam Kỳ, lưu trữ các công văn, công báo, nghị định, hồ sơ hành chánh. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên Gia Định Báo cũng được gửi từ đây đi đến tỉnh thành, làng xóm ở Lục tỉnh.
Đã hơn 130 năm, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, tòa nhà dinh Thượng thơ ở góc đường Đồng Khởi và Lý Tự Trọng vẫn còn sót lại trong khi các kiến trúc lịch sử văn hóa khác như tòa nhà hòa giải, tòa nhà Petrolimex đường Lê Duẩn, xưởng Ba Son đã biến mất” , bản kiến nghị đánh giá ngắn gọn về giá trị văn hóa, lịch sử của tòa nhà.
Nhóm tham gia kiến nghị lo ngại, nạn kẹt xe có thể tăng “nhanh đến chóng mặt” khi trụ sở UBND Tp.HCM mở rộng.
Bản kiến nghị đưa ra ba đề xuất, gồm:
Một là, hủy bỏ phương án của Gensler phá hủy dinh Thượng thơ. Nếu phải xây dựng trung tâm hành chính thì nên đặt ở vị trí vùng đất mới khác chứ không nên phá hủy kiến trúc lịch sử trong phần lõi trung tâm.
Hai là, đưa dinh Thượng thơ và các kiến trúc lịch sử trụ sở UBND, Nhà hát thành phố, Bưu điện và nhà thờ Đức Bà vào diện bảo tồn.
Ba là, khi tái cấu trúc thành phố, cần tôn trọng và gắn kết với mạng lưới di sản tại trục đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, trục đường Đồng Khởi, Pasteur, nơi có bảo tàng, nhà hát lớn, dinh Độc Lập, trụ sở UBND, nhà thờ Đức Bà, Thư viện Tổng hợp, công viên Chi Lăng, công viên Bách Tùng Diệp, theo VnExpress.
TS. Nguyễn Đức Hiệp, hiện đang làm việc tại Bộ Môi trường và Di sản tiểu bang New South Wales (Australia) cho rằng: Dinh Thượng thơ đã hơn 130 tuổi, là một kiến trúc có giá trị lịch sử ngay trong trung tâm Sài Gòn, có tuổi đời lâu hơn cả tòa nhà UBND thành phố và Nhà hát thành phố ngay cạnh đó.
TS. Hiệp cũng bày tỏ sự bức xúc khi chứng kiến một loạt di tích đáng được xếp loại di sản văn hóa lịch sử (được bảo tồn) nhưng lần lượt bị Tp. HCM phá hủy như: khu công xưởng Ba Son, tòa nhà Petrolimex (trước kia là thư viện tiền thân của viện bảo tàng lịch sử thành phố).
Nhóm xây dựng bản kiến nghị gồm các nhà nghiên cứu khoa học và di sản Nguyễn Đức Hiệp, Tim Doling, Daniel Caune; Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan tại Tp.HCM Phùng Anh Tuấn và các kiến trúc sư: Kevin Doan, Ngô Viết Nam Sơn, Sơn Đặng, Cao Thành Nghiệp. |
Trước đó, UBND Tp.HCM cho biết, không có ý định bảo tồn tòa nhà số 59-61 Lý Tự Trọng (Sở Thông tin và Truyền thông), thường được người dân gọi với tên Dinh Thượng thơ do không nằm trong danh sách di tích. Thông tin tòa nhà cổ thứ 2 còn nguyên vẹn tại Sài Gòn còn được lưu giữ có nguy cơ bị đập bỏ khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Thanh Thanh