Tình yêu nghệ thuật và nghị lực sống giúp những họa sĩ mù theo đuổi đam mê, truyền cảm hứng sống tới nhiều người.
Keith Salmon
Keith Salmon là họa sĩ người Anh sinh năm 1959. Những năm đầu thập niên 90, ông được chẩn đoán mắc bệnh võng mạc khiến thị lực suy giảm và dần bị mù. Tuy nhiên, niềm đam mê nghệ thuật vẫn luôn cháy bỏng trong Keith Salmon. Ông tiếp tục vẽ và trưng bày tranh.
Các tác phẩm của Keith được vẽ dựa trên trí nhớ về nơi mình sinh sống. Đó chủ yếu là cảnh thiên nhiên của quê hương theo hướng trừu tượng với những gam màu nóng và nét vẽ chi tiết.
Lisa Fittipaldi
Không chỉ nổi tiếng nhờ tài vẽ tranh, điều giúp Lisa Fittipaldi trở nên đặc biệt và được nhiều người ngưỡng mộ là nghị lực cùng tình yêu nghệ thuật. Cô bị mù màu và mất hoàn toàn thị lực vì một căn bệnh về mạch máu vào năm 1993. Lisa Fittipaldi càng thêm tuyệt vọng khi bệnh tật khiến cô mất việc làm.
Tưởng chừng như cánh cửa tương lai đã khép lại, Lisa Fittipaldi vượt lên chính mình và bắt đầu vẽ tranh năm 1995. Tuy không còn nhìn thấy nhưng Lisa đã dùng ký ức và thể hiện chúng trên tranh vẽ. Các tác phẩm của cô đã được trưng bày trong nhiều bảo tàng trên thế giới.
Ngoài vẽ tranh, Lisa còn viết sách và hoạt động trong tổ chức từ thiện giúp đỡ những người mù.
John Bramblitt
Năm 11 tuổi, John Bramblitt đã trải qua một cơn động kinh quái ác khiến thị lực suy giảm. Đến năm 2001, anh đã không còn nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Bị mù là một cú sốc lớn đối với chàng trai trẻ lúc bấy giờ. Anh trở nên trầm cảm và tuyệt vọng. Sau một năm bế tắc, John quyết định làm lại cuộc đời.
John Bramblitt tìm ra cách vẽ tranh mới cho mình. Anh dùng tay chạm lên mặt vải để phác họa, rồi sau đó dùng cọ phết màu vào một cách tỉ mỉ. Mới đầu, nam họa sĩ phân biệt màu sắc bằng chữ nổi trên ống sơn. Theo thời gian, anh đã học được cách cảm nhận màu sắc nhờ những ngón tay.
John Bramblitt chia sẻ: “Cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn khi bạn ngừng suy nghĩ về nghịch cảnh như một trở ngại. Hãy xem nó như một kinh nghiệm sống, một điều gì đó mà bạn có thể học hỏi và lớn lên từ đó. Cuộc sống của tôi bây giờ là một con đường đầy màu sắc hơn bao giờ hết”.
Jeff Hanson
Một khối u thần kinh khiến Jeff Hanson bị tổn thương thị lực trầm trọng và phải điều trị từ khi còn nhỏ. Anh chỉ phân biệt được đường nét, màu sắc của các vật thể lớn. Với tinh thần nỗ lực và ham học hỏi, Jeff tự phát minh ra cách làm việc của riêng mình và bén duyên với nghệ thuật.
Jeff Hanson sử dụng những gam màu nổi bật và kỹ thuật vẽ sơn dầu impasto (kỹ thuật khiến vệt màu nổi lên, phản quang mạnh, gây hiệu quả ánh sáng đặc biệt). Đến năm 21 tuổi, Jeff đã trở thành họa sĩ nổi tiếng. Các bức tranh của anh thường có mức giá khoảng 4.000 USD (hơn 93 triệu đồng).
Jeff Hanson cũng là người rất chăm chỉ hoạt động từ thiện. Anh đã quyên góp 1 triệu USD cho tổ chức từ thiện khi mới 20 tuổi. Đến nay, Jeff vẫn tiếp tục hoạt động cho hơn 100 tổ chức thiện nguyện khác.
(Tổng hợp)