Với mức lương khởi điểm 3.000 Nhân dân tệ/tháng (440 USD), không đủ để trả tiền thuê nhà hàng tháng và nhu cầu mua sắm xa xỉ khác ở Thượng Hải, anh Tom Wang đã tìm cách khác để cải thiện mức chi tiêu: thẻ tín dụng. Tuy nhiên, thanh niên 26 tuổi này sau đó đã phải thừa nhận rằng sử dụng thẻ tín dụng không giống như dùng tiền mặt và hậu quả những khoản nợ tăng lên từng ngày.
Theo Financial Times, để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng và tiếp tục mua sắm, anh Wang đã vay khoảng 60.000 Nhân dân tệ thông qua 4 chiếc thẻ tín dụng, trước khi vay thêm hơn 70.000 Nhân dân tệ từ các công ty cho vay trực tuyến. Anh Wang cho hay mức thanh toán lãi suất lên tới 1.500 Nhân dân tệ/tháng.
Thực tế, anh Wang chỉ là một phần của thế hệ những người tiêu dùng trẻ ở Trung Quốc đang ngày càng chuộng tiêu xài bằng những khoản tiền đi vay.
Theo Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc (CICC), những khoản vay tiêu dùng khổng lồ được sử dụng cho mục đích mua xe, nghỉ dưỡng, sửa sang nhà cửa và mua sắm các vật dụng gia đình xa xỉ ở Trung Quốc đã tăng gần 40% trong năm 2017 lên mức 6,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Cùng với việc gia tăng nhanh chóng các khoản vay mua nhà, các khoản vay tiêu dùng đã đẩy mức vay hộ gia đình lên 33 nghìn tỷ Nhân dân tệ tính đến cuối năm 2017, tương đương khoảng 40% GDP. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với năm 2011.
Lu Weiting, Giám đốc công ty thu hồi nợ tiêu dùng Weimi Technology, nhận định ngành cho vay tiêu dùng ở Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Trong 5 năm qua, ngành này đã tăng trưởng chóng mặt. Những rào cản đối với việc gia nhập thị trường (dành cho người mới) rất ít và hầu như là không có.
Một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng việc khoản nợ hộ gia đình ở Trung Quốc không ngừng phình to sẽ tác động tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng tiêu dùng về lâu dài do người tiêu dùng phải trích một khoản lớn thu nhập để thanh toán thẻ tín dụng. Trong trường hợp vỡ nợ vì vay tiêu dùng quy mô lớn xảy ra sẽ dẫn đến nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng tài chính.
Kết quả nghiên cứu 54 nền kinh tế của Ngân hàng Thanh Toán Quốc tế chỉ ra rằng nợ hộ gia đình tăng nhanh sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài đối với tăng trưởng tiêu dùng, đặc biệt là khi khoản nợ này vượt mức 60% GDP.
Sự phát triển mạnh mẽ của tín dụng tiêu dùng đã giúp Bắc Kinh đạt mục tiêu đưa tiêu dùng trở thành mũi nhọn dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Với việc Bắc Kinh buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nợ, lần đầu tiên trong năm qua, các hộ gia đình trở thành đối tượng chính cho hình thức tín dụng mới của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Kaiji Chen, nhà kinh tế học thuộc Đại học Emory (Mỹ), cho rằng sẽ ngày càng khó khăn nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp để duy trì mức tăng trưởng. Vì vậy, chính phủ Trung Quốc cho rằng họ có thể sử dụng “đòn bẩy hộ gia đình”.
Cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ với sự xuất hiện của hàng trăm người cho vay ngang hàng (P2P) trực tuyến, số tiền tích góp từ các nhà đầu tư lẻ được chia nhỏ thành những khoản vay cho người tiêu dùng mà không cần tài sản thế chấp. Trong khi đó, các ngân hàng thường ngần ngại cung cấp những gói cho vay này do lo ngại rủi ro cao.
Theo dịch vụ giám sát ngành công nghiệp Diyiwangdai, các gói cho vay hấp dẫn của sàn giao dịch P2P đã tăng 50% trong năm ngoái, đạt mức 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Lãi suất có thể lên tới 37%, đi kèm với khoản phụ thu thanh toán chậm.
Benny Li, Giám đốc sàn giao dịch P2P Huaxia Finance, cho biết đối tượng khách hàng chính chủ yếu là người tiêu dùng trong độ tuổi 20.
“Nhóm khách hàng này phải đối mặt với áp lực từ bạn bè cùng trang lứa và nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư cho bản thân. Đó có thể là nhu cầu tham gia những lớp học tiếng Anh, khóa đào tạo nghề, đám cưới, du lịch, hay mua chiếc iPhone đời mới”, ông Benny Li nói.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của các công ty giao dịch P2P đã niêm yết ở Trung Quốc trung bình khoảng 8%, cao gấp 4 lần số liệu chính thức của các ngân hàng. Theo ông Lu Weiting, tỷ lệ nợ xấu của thị trường P2P nói chung có thể lên tới 15%. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ quá hạn thậm chí còn cao hơn, khoảng 50%, chủ yếu là do lừa đảo.
Chuyên gia kinh tế Kaiji Chen ước tính nợ hộ gia đình của Trung Quốc tương đương 80% tổng thu nhập sau thuế. Điều đó đồng nghĩa với việc các hộ gia đình sẽ phải thắt chặt hầu bao để dành tiền thanh toán dư nợ tín dụng.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, áp lực từ trả nợ vay tiêu dùng có thể khiến người dân Trung Quốc hạn chế các khoản mua sắm không cần thiết, từ đó làm suy yếu những nỗ lực của chính phủ trong việc chuyển hướng nền kinh tế sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng. Những nguy cơ này đang dần thành hiện thực khi tăng trưởng ngành bán lẻ giảm còn 8% trong năm nay, giảm so với mức 12% của năm 2013.
Vỹ An