Thời tiết khắc nghiệt những ngày cuối tháng 3 khiến lòng hồ thủy lợi Ông Kinh ở Ninh Thuận cạn khô, nứt nẻ như Hỏa Diệm Sơn trong Tây Du Ký. Để có nước sinh hoạt, các cô trò Trường tiểu học Phước Kháng phải đi xin nước từ nhà dân gần trường với lịch bơm cách nhật hai ngày mỗi lần.

Hàng trăm ống nước đặt vào lòng hồ lấy nước tưới cho vùng diện tích nho, hành tỏi phía chân hồ nay đã vô tác dụng vì lòng hồ không còn nước. Nhiều ao sâu hoắm do người dân đào lấy nước tưới cho cây trồng, cho đàn gia súc uống. Hồ cạn nước hoàn toàn, lòng hồ trơ đáy, không còn nước tưới, thậm chí nước uống cho cừu cũng không có.

Hồ thủy lợi trơ đáy như Hỏa Diệm Sơn, 60 cô trò dùng chung một bình nước
Hàng chục ống nước không còn nước bơm về vườn nho, rẫy hành, tỏi. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Đây là cảnh tượng ở hồ Ông Kinh (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) những ngày cuối tháng 3. Cảnh tượng khiến người ta liên tưởng đến Hỏa Diệm Sơn trong Tây Du Ký.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Mộc (thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, hồ Ông Kinh cạn nước từ tháng trước, ông phải đào ao để lấy nước mạch kéo ống bơm dài 700m về tưới cho hơn 2ha nho.

Hồ thủy lợi trơ đáy như Hỏa Diệm Sơn, 60 cô trò dùng chung một bình nước
Khô hạn, không còn cỏ và cả nước uống trong lòng hồ Ông Kinh cho đàn cừu. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

“Đến nay nước mạch cũng kiệt. Tôi phải đóng giếng khoan sâu 70 – 80m cách ao hơn 1km hút bơm về chứa trong ao rồi từ ao này bơm tăng cấp mới đủ nước về vườn nho”, ông Mộc nói.

Bà Nguyễn Thị Văn ngồi bên ao, lo lắng cho biết ao vừa đào xong bơm lấy nước tưới cây trồng được vài ngày thì nay sắp cạn.

Hồ thủy lợi trơ đáy như Hỏa Diệm Sơn, 60 cô trò dùng chung một bình nước
Giếng nước nhà anh Katơ Hiền, ở thôn Suối Le, xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) chi phí hàng chục triệu đồng nhưng mạch nước ngầm rất ít, không đủ để sinh hoạt khi mùa hạn hán đang đến. (Ảnh: Nhân Dân)

Có đất trồng hành ở thôn Mỹ Tường 2, anh Phạm Ngọc Quang cho biết, giếng nhà anh đường kính đến 5m, sâu hơn 30m, cung cấp nước tưới cho 2ha hành và nho nay cũng cạn. Anh phải đóng giếng khoan hàng chục mét để hút bơm nước về chứa vào giếng rồi từ giếng bơm tăng cấp đến đất sản xuất.

Hồ Ông Kinh không còn nước, nhiều hồ tích nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng cạn kiệt khiến các gia đình phải tự bỏ tiền đào giếng để lấy nước sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và khó tránh khỏi thiệt hại khi mùa hạn đang đến gần.

Tại thôn Suối Le, xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc, hầu như các giếng khoan của 98 hộ đồng bào Raglai nơi đây đã cạn kiệt. Để có nước sinh hoạt, giáo viên và học sinh Trường tiểu học Phước Kháng phải cam chịu cảnh xin bơm nước từ giếng của một nhà dân gần trường với lịch bơm cách nhật hai ngày mỗi lần, mỗi lần khoảng 13 đến 30 phút.

Hồ thủy lợi trơ đáy như Hỏa Diệm Sơn, 60 cô trò dùng chung một bình nước
Với bình nước khoảng 200 lít được bơm nhờ từ nước giếng nhà dân, gần 60 học sinh và giáo viên Trường tiểu học Phước Kháng sinh hoạt từ hai đến ba ngày mới có nước giếng để bơm tiếp. (Ảnh: Nhân Dân)

Năm 2011, nhà nước đầu tư xây dựng đài nước sạch ở Phước Kháng để cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng. Nhưng, nhiều hộ dân nơi đây cho hay, sau khi đi vào hoạt động được vài tháng thì đài nước sạch này không còn nước và bỏ hoang cho đến nay, người dân càng khan hiếm nước sạch.

Anh Katơr Lô cho biết, phải đi hàng cây số để đào một cái hố nhỏ ngay bờ suối gần lòng hồ rồi hớt từng giọt nước mang về nấu ăn và dùng trong sinh hoạt hằng ngày.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn, năm 2018, hạn hán có thể quay lại sớm hơn dự kiến mọi năm, và Ninh Thuận sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong mùa hạn năm nay.

Mạnh Tiến