Tự gây dựng mạng xã hội và kiếm bộn tiền, cuộc đời của tỷ phú người Nga Pavel Durov có nhiều điểm tương đồng với ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, nhưng “nổi loạn” hơn.
Pavel Durov lần đầu vào danh sách của Forbes vào tháng 4/2016 với tài sản ước tính vào khoảng 600 triệu USD và mới đây gia nhập hội tỷ phú thế giới. Tất cả số tiền Pavel Durov sở hữu hiện nay đến từ thành công của ứng dụng nhắn tin Telegram, nơi anh là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành.
Năm 2014, Durov nằm trong danh sách những nhà lãnh đạo dưới 30 tuổi triển vọng của Bắc Âu. Năm 2016, anh được chọn tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới dành cho những lãnh đạo trẻ tổ chức ở Phần Lan.
Durov sinh ngày 10/10/1984 tại Nga, nhưng trải qua hầu hết thời tuổi thơ ở nơi bố làm việc là Turin, Italy. Anh học tập ở quốc gia này và trở về Nga năm 2001.
Ngay từ thời còn là học sinh, Durov đã liều lĩnh tấn công mạng máy tính của trường. Doanh nhân người Nga từng tuyên bố với bạn học là anh muốn trở thành “biểu tượng Internet”.
Sau khi có tấm bằng triết học tại Đại học Saint Peterburg (Nga) vào năm 2006, Durov sáng lập mạng xã hội Vkontakte (nay được biết đến tên gọi VK), một mạng xã hội dùng tiếng Nga giống như Facebook. VKontakte có nghĩa là “liên lạc” trong tiếng Nga, và có giao diện rất giống Facebook với màu xanh chủ đạo.
Với sự giúp đỡ của anh trai, nhà toán học cũng biết viết mã Nikolai, doanh nhân người Nga đã nhanh chóng biến mạng xã hội VKontakte thành một công ty trị giá 3 tỷ USD.
VK hiện vẫn giữ vị trí mạng xã hội lớn nhất châu Âu nói chung và Nga nói riêng với hơn 350 triệu người sử dụng. Vkontakte ngày càng được ưa chuộng vì khả năng truy cập hầu như không giới hạn tới các video và nhạc miễn phí – điểm mạnh và cũng là điểm dở của nó: một ứng dụng thường xuyên vi phạm bản quyền quốc tế. Durov tích lũy được khoảng 260 triệu USD trong thời gian làm giám đốc điều hành cho VK.
Vì những điểm tương đồng trên, anh được mệnh danh là “Mark Zuckerberg của nước Nga”. Tuy nhiên, Durov lại có cá tính ngông cuồng hơn. Năm 2012, đại gia trẻ tuổi cùng một số nhân viên đã ném rất nhiều máy bay gấp bằng tiền qua cửa sổ văn phòng.
Mỗi chiếc máy bay được làm từ tờ tiền 5.000 Rúp (1,7 triệu đồng). Tổng giá trị của vụ ném máy bay tiêu tốn tới gần 30 triệu đồng. Song theo Durov, đây chỉ là một cách ăn mừng giữa anh và một người bạn, cả 2 người đều khẳng định tiền bạc không quan trọng, ý tưởng mới là điều mấu chốt.
Từ năm 2011, mạng xã hội Vkontakte của anh bắt đầu bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Sau đó, Durov đã quyết định cùng anh trai rời Nga đến Mỹ và sáng lập Telegram, một ứng dụng trò chuyện được mã hóa. Telegram cho phép người dùng kết nối ở các địa điểm từ xa, làm việc nhóm và mã hóa các bí mật cá nhân và doanh nghiệp.
Năm 2016, Telegram cán cột mốc 100.000 người dùng hàng tháng. Đến cuối năm 2017, lượng người dùng của Telegram là 180 triệu, vào nhóm những ứng dụng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Trước sự thành công của Telegram, nhiều nhà đầu tư ngỏ ý muốn mua cổ phần, anh em nhà Durov vẫn liên tục từ chối. Anh không tiết lộ tên các công ty này nhưng cho biết họ định giá Telegram ở mức 3-5 tỷ USD.
“Dù có là 20 tỷ USD thì vẫn như vậy. Chúng tôi không phải thứ để bán”, anh khẳng định.
Sống lưu vong ở nhiều nơi trên thế giới cùng với 4 nhân viên tin cậy, Durov tự nhận mình là “công dân thế giới” và thay đổi vị trí vài tháng một lần. Hiện Durov và các thành viên của Telegram được cho là sống và làm việc tại Dubai. Theo Durov, đây là quốc gia không đóng thuế, phù hợp với triết lý kinh doanh tự do mà tỷ phú công nghệ này theo đuổi.
Nguyễn Trang