Nắng nóng kéo dài, thức ăn và nước uống khan hiếm khiến hàng trăm con cừu ở Ninh Thuận chết dần chết mòn. Từ tháng 3 đến nay, mỗi ngày ở địa phương đều có vài con chết, chủ yếu ở độ tuổi vài ba tháng.

Như đã đưa tin, thời tiết khắc nghiệt những ngày cuối tháng 3 khiến lòng hồ thủy lợi Ông Kinh ở Ninh Thuận cạn khô, lòng hồ trơ đáy, không còn nước tưới, thậm chí nước uống cho cừu cũng không có.

Mới đây, huyện Bác Ái được ghi nhận là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất của đợt hạn hán này. Thời tiết khắc nghiệt khiến người chăn nuôi âu lo, khi đàn cừu trơ xương chết dần vì không có thức ăn, nước uống.

Vẻ mặt ủ rũ, ông Đinh Văn Hùng (52 tuổi, ở xã Phước Trung) cho biết, gần hai tháng nay, đàn cừu 240 con của ông có biểu hiện lờ đờ, yếu dần. “Các con mẹ không sống nổi, cừu con không có sữa bú nên cũng chết theo”, ông Hùng nói với VnExpress.

Hàng trăm con cừu ở Ninh Thuận đổ gục vì nắng tháng Tư
Ông Hùng mua cỏ với giá 70.000 đồng mỗi bao cung cấp thức ăn cho đàn cừu. (Ảnh: VnExpress)

Số tiền ông Hùng đầu tư cho đàn cừu là khoảng 300 triệu đồng. Hiện 20 con đã chết, trong đó 13 con bố mẹ nuôi gần hai năm, trọng lượng chừng 10 kg. “Loại này bán khoảng một triệu đồng một con, khi chết chỉ được khoảng 100 ngàn đồng. Có khi không ai mua phải đem chúng đi tiêu hủy”, ông nói.

Theo Thanh Niên, từ tháng 3 đến nay, mỗi ngày ở địa phương đều có vài con chết, chủ yếu ở độ tuổi vài ba tháng. Riêng trong ngày 6/4, gia đình ông Trần Cao Hòa (48 tuổi) đã có 3 con chết.

Đàn cừu 1.400 con được ông Hòa đầu tư gần 1,5 tỷ đồng, nuôi trong hai chuồng rộng 600 m2. Lo lắng mùa hạn kéo dài nên ông đã chủ động mua cỏ tươi với giá 70.000 mỗi bao, cùng cám và nước để dự trữ. Tuy nhiên, mùa hạn kéo dài khiến thức ăn không đủ.

Theo Chi cục chăn nuôi và thú y Ninh Thuận, toàn tỉnh có hơn 160.000 con cừu được nuôi rải rác, riêng huyện Bác Ái có 3.700 con. Ảnh hưởng của hạn hán khiến cừu bị đói kéo dài dẫn đến suy kiệt. “Người nuôi tự phát nên chúng tôi chưa thống kê được số lượng cừu chết”, lãnh đạo Chi cục nói.

Phương án mà Chi cục chăn nuôi và thú ý đã thực hiện là phối hợp các sở ngành đến từng địa phương hướng dẫn bà con tìm nguồn thức ăn ngoài tự nhiên, chia chuồng nuôi để chăm sóc và tránh nắng.

Thế Tam