Hiện tại, các thương lái vào tận vườn của người dân ở tỉnh Hậu Giang lùng sục thu mua mít Thái với giá hơn 70.000 đồng/kg. Giá mít tăng cao kỷ lục giúp người trồng có thể thu về cả triệu đồng/quả.
Chưa khi nào mít Thái siêu sớm lên cơn sốt giá như năm nay. Theo VTV News, những ngày này, giá mít Thái thu mua tại vườn của người dân ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy đã lên tới hơn 70.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với 2 tháng trước và tăng gấp 5 lần so với thời điểm thấp nhất trong năm nay.
Lý giải về đà tăng giá chóng mặt của mít Thái, các chủ vựa cho giá tăng là do nguồn cung hạn chế, nhà vườn đã qua thời điểm thu hoạch rộ. Đặc biệt, thời gian qua, trái mít bị bệnh sơ đen khá nhiều ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái.
Theo dự đoán của các chủ vựa, giá mít Thái trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhích lên do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu tăng cao.
Với giá như hiện tại, người trồng mít có lợi nhuận khá cao do chi phí đầu tư thấp. Mít Thái siêu sớm có xuất xứ từ Thái Lan, được du nhập vào Việt Nam vài năm gần đây và đang là cây ăn quả giúp nhiều hộ nông dân ở huyện Châu Thành có thu nhập 1 tỷ đồng/năm.
Theo Sài Gòn Giải phóng, trước đây nông dân ở huyện Châu Thành chủ yếu trồng bưởi nhưng bệnh vàng lá gân xanh gây thiệt hại nặng. Cách đây vài năm, các doanh nghiệp ở Hà Nội cần mít để cung cấp cho thị trường Trung Quốc nên đã đặt hàng cho nông dân chuyển đổi sang trồng mít.
Cây mít Thái dễ trồng, dễ cho trái, lại được giá cao giúp người nông dân cải thiện đáng kể thu nhập. Đối với cây mít Thái trồng 3-4 năm tuổi có thể cho năng suất khoảng 30 tấn/ha. Với mức giá bình quân 40.000 đồng/kg, nhà vườn có thể thu lãi khoảng 500-800 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, giá mít Thái tăng cao kỷ lục cũng đặt ra không ít lo ngại cho ngành chức năng và chính quyền địa phương là người dân sẽ đổ xô trồng mít làm phá vỡ quy hoạch vùng cây ăn trái. Khi đó, nhà vườn sẽ gặp khó nếu thương lái không thu mua để xuất khẩu, kéo theo giá rớt thê thảm.
Theo thống kê, tỉnh Hậu Giang có hơn 1.500 ha mít Thái siêu sớm, tăng hàng trăm ha so với năm trước, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành và Phụng Hiệp.
(Tổng hợp)