Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đưa ra đề án cải cách bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó có hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. 

Sáng nay (23/4), ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trình bày sơ bộ đề án cải cách BHXH chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7. Trong đó, việc cải cách hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và thiết kế bảo hiểm đa tầng.

Tầng một là an sinh xã hội, nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu. Tầng hai là BHXH bắt buộc, giống như quy định hiện hành. Tầng thứ ba là bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao.

Chính phủ cũng xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. Hiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là 20 năm. Thực tế có những người tham gia bảo hiểm 10-15 năm thì không thể theo được nữa. Vì vậy, Chính phủ dự kiến thời gian này có thể giảm xuống 15 năm, tiến tới là 10 năm, đương nhiên đóng ít hưởng ít.

Trong đề án còn thiết kế tương đối kỹ các giải pháp để đảm bảo tính ổn định, bền vững của chính sách; việc điều chỉnh chính sách liên quan sẽ có lộ trình để không gây “sốc” cho xã hội.

Theo lãnh đạo Bộ Lao động, việc điều chỉnh tuổi hưu người lao động có hai phương án: tăng tuổi hưu lên 62 với nam và 60 với nữ; tăng tuổi hưu lên 65 với nam và 60 với nữ.

Phương án một thì tuổi hưu sẽ được tăng mỗi năm 3 tháng cho đến khi đạt 62 với nam và 60 với nữ. Phương án 2 mỗi năm 4 tháng để không gây sốc cho xã hội. Vấn đề này sẽ do Trung ương quyết định, sau đó Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét sửa luật.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, đến cuối năm 2017 có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Khoảng 230.000 doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động, trong khi số liệu cơ quan thuế cung cấp thì cả nước có tới 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Như vậy, còn trên 300.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH bắt buộc và theo ước tính có khoảng 3 triệu người chưa tham gia BHXH bắt buộc. Theo Bộ trưởng, số người tham gia BHXH mới hiện nay tương đương với số lượng người nhận BHXH một lần.

Thanh Thanh