Kinh tế Triều Tiên đang rất yếu, đến mức nó khó có thể tồn tại được 1 năm nữa trước các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Quan điểm trên được ông Ri Jong Ho – cựu quan chức cấp cao về kinh tế của chính quyền Bình Nhưỡng, đưa ra trong lần tham gia nói chuyện đầu tiên trước công chúng tại Mỹ vào tuần trước sau khi Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim In Ryong cảnh báo “chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào”.
Nhưng chính quyền Triều Tiên có thể đang lừa gạt.
“Tôi không biết liệu Triều Tiên có thể sống sót được 1 năm vì các lệnh trừng phạt hay không. Nhiều người sẽ chết”, ông Ri Jong Ho nói trong một sự kiện của tổ chức Asia Society có trụ sở tại New York thực hiện.
Ông Ri cho biết ở Triều Tiên “không còn đủ thức ăn”, và các biện pháp trừng phạt đã “hoàn toàn chặn đứng” hoạt động giao thương, buộc chính phủ phải gửi hàng chục nghìn người lao động ra nước ngoài làm việc. Các hộ gia đình bình thường tại Triều Tiên không có điện, còn tại Thủ đô Bình Nhưỡng chỉ có 3-4 giờ có điện một ngày.
Ông Ri Jong Ho từng làm việc ở Đại Liên (Trung Quốc), giúp chính quyền Triều Tiên điều hành Phòng 39, một tổ chức bí mật chịu trách nhiệm kiếm tiền về cho gia đình nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ông Ri được chính quyền Bình Nhưỡng trao danh hiệu công dân cao cấp nhất. Tuy nhiên, sau một loạt các vụ thanh trừng của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, ông Ri cùng gia đình đã trốn khỏi Triều Tiên vào cuối năm 2014 và hiện đang sống ở khu vực Washington D.C.
Theo cựu quan chức này, Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, đã “rất buồn” vì chính quyền Bình Nhưỡng không cải cách nền kinh tế mà thay vào đó lại “đi xin ăn” từ người hàng xóm khổng lồ. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Triều Tiên còn gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin để xin hỗ trợ, nhưng ngoại giao “không dễ như mọi người nghĩ.”
Ông Ri cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng có những lời lẽ xúc phạm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp của các quan chức Triều Tiên năm 2014, và Triều Tiên cũng sợ bị Trung Quốc phản bội. Ngoài ra, họ cũng rất sợ vì sự giàu có của Hàn Quốc.
Ông so sánh cuộc khẩu chiến giữa Kim Jong Un với Tổng thống Donald Trump như một “cuộc tranh cãi giữa trẻ con và người lớn”.
Và để giải quyết những bất an của mình, Triều Tiên đã bắn hết quả tên lửa này đến quả tên lửa khác.
Dù thế giới đang lo ngại về một mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng, nhưng ông Ri cho rằng giải pháp đơn giản là chỉ cần ngồi lại với nhau để đàm phán.
Khi đối thoại, hai bên cần biết họ muốn gì, bởi vì hiện nay các bên vẫn rất thiếu hiểu biết về nhau.
Để xoay chuyển tình hình một cách thành công, các nhà ngoại giao nước ngoài cần phải hiểu những gì đang ở trong đầu của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và “thay đổi những gì ông ấy nghĩ”, ông Ri chia sẻ.
Minh Tuệ – Theo CNBC