Bóng đá được mệnh danh là môn thể thao “Vua” không chỉ theo nghĩa đen mà nó còn có ý nghĩa to lớn theo nghĩa bóng đối với cuộc sống của mỗi chúng ta.

Hôm 20/1 vừa qua, đội tuyển U23 Việt Nam dành chiến thắng trước U23 Iraq tại tứ kết trong khuôn khổ vòng chung kết U23 châu Á 2018 đang diễn ra tại Thường Châu, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vào được bán kết giải đấu châu lục cấp độ U23 và cũng là lần đầu tiên chúng ta đánh bại được Iraq vì trong quá khứ chúng ta đều không dành kết quả tốt trước Iraq: Thua Iraq 0-2 cũng chính tại tứ kết ở Asian Cup 2007 hay lần gần nhất hòa đội tuyển Iraq 1-1 tại vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á.

U23 Việt Nam đánh bại U23 Iraq, tiến vào bán kết vòng chung kết U23 châu Á năm 2018. (Ảnh: Thể thao & Văn hóa)

Nhưng hôm nay chúng tôi không nhắc đến thành tích lịch sử Việt Nam hay nguyên nhân thất bại của đội tuyển U23 Iraq mà sẽ nói đến một khía cạnh khác trong quá khứ có liên quan đến đất nước Iraq: Bóng đá và xung đột sắc tộc.

Vào phút thứ 71, trận chung kết Asian Cup năm 2007 với Ả Rập Xê – út, đội trưởng Younis Mahmoud của đội tuyển Iraq đánh đầu ghi bàn mở tỷ số và đó cũng là bàn thắng duy nhất của trận đấu. Khi tiếng còi kết thúc của trọng tài vang lên, các cầu thủ Iraq đã ngã khuỵu xuống, họ không phải buồn vì thất bại mà chỉ quá vui mừng vì không tin nổi mình đã trở thành nhà vô địch.

Trên đường tiến đến trận chung kết, từ một đội bóng không được đánh giá cao, Iraq lần lượt quật ngã Úc, Hàn Quốc, trước khi tiến đến trận chung kết với Ả Rập Xê – út.

Trên đường phố đất nước Iraq, nước mắt ngập tràn khắp nơi. Đây là lần đầu tiên Iraq trở thành nhà vô địch châu Á và đó cũng là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, ở nơi chốn chỉ có máu, chiến tranh và dầu mỏ này người ta còn có thể trông đợi một thứ gì đó khác có thể xóa đi nỗi đau do chiến tranh gây ra.

Đội tuyển Iraq vô địch Asian Cup 2007. (Ảnh: worldsoccer.com)

Nhìn nụ cười trên khuôn mặt của các cầu thủ Iraq, chúng ta ngỡ tưởng rằng họ sống trong một đất nước hòa bình và yên ổn nhưng mọi người đã lầm. Iraq từ lâu nổi tiếng là một đất nước có nền chính trị bất ổn, xung đột sắc tộc và tôn giáo diễn ra vô cùng gây gắt.

Tại Tại Asian Cup 2007, sau khi vượt qua vòng bảng và đánh bại tuyển VN 2-0 ở tứ kết, Iraq làm nên cú sốc bằng chiến thắng trước Hàn Quốc với tỷ số 4-3 trên chấm phạt 11 m (2 đội hòa 0-0 trong 120 phút). Chỉ vài phút ngay sau khi đánh bại đội bóng xứ sở kim chi ở bán kết, hai quả bom xe đã nổ tung giữa đám đông CĐV đang cổ vũ cho đội tuyển quốc gia ở thủ đô Baghdad khiến 50 người thiệt mạng.

Iraq là một quốc gia không ổn định với liên tiếp những vụ khủng bố. (Ảnh: Báo giao thông)

Lúc nghe được tin này, tất cả thành viên tuyển Iraq đều vô cùng bàng hoàng. Nhưng sau khi thấy được tinh thần kiên cường của cổ động viên nhà thì mọi suy nghĩ không tốt đều được gặt phăng đi. Younis Mahmoud – người hùng của tuyển Iraq ở Asian Cup 2007 bồi hồi nhớ lại: “Lúc ấy, chúng tôi tự nhủ với bản thân rằng phải giành chiến thắng bằng mọi giá ở trận chung kết để dành tặng các cổ động viên sau những gì kinh khủng mà họ đã phải trải qua.”

Ở trận chung kết ngay sau đó vào ngày 29/7/2007 trên sân Gelora Bung Karno tại Jakarta, đội tuyển Iraq đã xuất sắc đánh bại Ả Rập Xê – út để dành chức vô địch. Tiếng còi kết thúc trận chung kết vang lên cũng là lúc hàng trăm ngàn người hâm mộ đổ ra đường phố Baghdad và nhiều thành phố khác, bất chấp lệnh cấm tụ tập đám đông và nguy cơ đánh bom tự sát từ nhà chức trách địa phương. Cờ Iraq được vẫy phấp phới giữa những cái nắm chặt tay, những điệu nhảy ăn mừng, niềm tự hào.

Người dân Iraq ăn mừng chức vô địch của đội tuyển quốc gai tại Asian Cup 2007 (Ảnh: Thể Thao – Báo Thanh Niên)

Trong một đất nước đầy sự xung đột sắc tộc tôn giáo này, lần đầu tiên, một thứ phép màu đã có thể mang mọi người gắn kết lại với nhau. Dù anh có là người Sunni, Shia Muslims hay người Kurds, tất cả không quan trọng nữa. Trong một khoảnh khắc, dù chỉ là ngắn ngủi tất cả mọi người đều tụ hợp lại với nhau, cùng ủng hộ đội tuyển của mình thi đấu – một tập thể mà vốn dĩ các thành viên có xuất thân và tôn giáo vô cùng đa dạng.

Hơn mười năm sau, tại vòng chung kết U23 châu Á, chúng ta đã đánh bại được Iraq. Và cũng trong một khoảnh khắc hiếm hoi của lịch sử, mọi người, bất kể quan niệm trái chiều trong nhiều vấn đề đã tạm gác lại, cùng hòa chung một niềm vui. Lần cuối cùng chúng ta vui như vậy là từ bao lâu rồi? Chắc cũng phải tròn 10 năm trước.

Đội U23 giờ đây dù có thể đi tiếp hay dừng lại, tất cả cũng không quá quan trọng nữa. Còn gì vui hơn không khí cả nước mấy ngày qua? Còn gì vui hơn hiệu trưởng cho học sinh nghỉ học xem bóng đá? Còn gì vui hơn chuyện sếp cho nhân viên nghỉ việc cùng nhau cổ vũ?

Vâng, bóng đá là như vậy đấy thưa các bạn! Nó không đơn thuần chỉ là một môn thể thao mà còn là nơi mọi người cùng chung vui, gắn kết với nhau, xóa tan đi mọi căng thẳng, xung đột, đau khổ hay bất đồng chính kiến giữa tất cả chúng ta. Nó là thứ gì đó rất đặc biệt mà không một môn thể thao nào khác có được.

Và một lần nữa, bóng đá đã nhắc nhở cho chúng ta biết rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng là một màu đen và mọi người vẫn có thể cùng vui mừng với nhau. Một lần nữa, chúng ta nhận ra rằng các dân tộc vẫn có thể cùng đứng chung một phía, dù giữa họ có xung đột hay mâu thuẫn lớn đến như thế nào.

Bóng đá là một thể thao đặc biệt, nơi mà mọi người cùng nhau chuyện trò và cười đùa vui vẻ. Nó xua tan mọi đau khổ và mâu thuẫn. (Ảnh: CafeBiz)

Sau tất cả, cuối cùng chúng ta đều nợ những cầu thủ bóng đá một lời cảm ơn chân thành nhất:

“Cảm ơn các bạn vì tất cả, các bạn đã cho chúng tôi một lần nữa được đứng chung cung nhau dưới một mái nhà!”

Sơn Tùng