Liên quan đến nghi án nhập nhèm tem mác của chuỗi siêu thị mẹ và bé Con Cưng, Bộ Công Thương ngày 24/7 đã ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh… của doanh nghiệp này.
Cụ thể, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương sẽ kiểm tra toàn bộ việc chấp hành các quy định của pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, về chất lượng của hàng hóa, việc ghi nhãn hàng và các hoạt động liên quan xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Công ty Cổ phần Con Cưng.
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề xuất xử lý nếu phát hiện các hành vi vi phạm.
Thời kỳ kiểm tra từ tháng 1/2017 đến thời điểm kiểm tra. Thời hạn kiểm tra là 10 ngày làm việc tại mỗi đơn vị, kể từ ngày công bố quyết định.
Cũng trong ngày 24/7, báo cáo kết quả kiểm tra 3 cửa hàng Con Cưng tại Tp.HCM, cơ quan quản lý thị trường cho biết đã tạm thu giữ hơn 5.000 sản phẩm với giá trị gần 500 triệu đồng có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, tất cả các sản phẩm này đều chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Chia sẻ trên Thanh niên, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO, cho rằng việc không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của sản phẩm ngoại nhập chỉ có thể do 2 khả năng: Con Cưng nhập hàng lậu hoặc bán hàng trong nước nhưng “thay tên đổi họ”, gắn mác nhập ngoại. Ngay cả đối với hàng “Made in Vietnam”, nếu Con Cưng không thể hiện rõ được nguồn gốc, cơ sở gia công, thông tin sản phẩm theo đúng quy định thì cũng có thể là hành vi gian lận trốn thuế.
Luật sư Đức cho rằng chưa kể đến chuyện không xuất trình được hóa đơn chứng từ, bản thân sản phẩm có dấu hiệu cắt nhãn, mác đã đặt ra rất nhiều nghi vấn về nguồn gốc sản phẩm của Con Cưng. Công ty lý giải rằng lỗi do nhà sản xuất, trường hợp này cũng có thể xảy ra nhưng rất hy hữu vì đây là cả lô hàng với số lượng lớn, không phải hàng đơn lẻ, theo chủng loại riêng biệt nên việc dán nhầm trên một vài sản phẩm là điều vô lý.
Vỹ An